Thạc Sĩ Hoàn thiện qui định pháp luật về CPH DNNN từ thực tiễn ngành dược

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một bộ phận cấu thành quan trọng của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện thí điểm từ năm 1990. Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa IX đã nêu các định hướng và chủ trương lớn về CPH.

    Quốc hội Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 10 (12/1991) đã đưa CPH vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 1995: “Thí điểm việc CPH một số cơ sở kinh tế quốc doanh để rút kinh nghiệm và có thêm nguồn vốn phát triển”. Và một lần nữa khẳng định lại chủ trương CPH DNNN trong Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa IX (12/1993): "Đổi mới cơ bản tổ chức và cơ chế quản lý DNNN. Thực hiện các hình thức CPH thích hợp với tính chất và lĩnh vực sản xuất để thu hút thêm các nguồn vốn, tạo thêm động lực, ngăn chặn tiêu cực, thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả".

    Chính phủ, các Bộ, ngành cũng thể chế hóa chủ trương và phương hướng nêu trên về CPH trong nhiều qui định nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề pháp lí nảy sinh trong quá trình CPH.

    Mục tiêu của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần trong đó người lao động trong doanh nghiệp, một số tập thể, cá nhân cùng góp vốn, cùng tham gia quản lý, cùng phân chia lợi nhuận và cùng chịu rủi ro tương ứng với phần vốn góp.

    Như vậy, thực chất của CPHDNNN trong điều kiện nước ta là đa dạng hóa, xã hội hóa sở hữu, biến từ doanh nghiệp một chủ duy nhất là Nhà nước thành doanh nghiệp nhiều chủ qua đó sắp xếp lại tổ chức và đổi mới phương thức quản lý, tạo động lực cho người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp và huy động được các nguồn vốn trong xã hội.

    Quá trình CPH DNNN đang phát huy hiệu quả rõ nét, bước đầu thu được những kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

    Kinh doanh thuốc là hoạt động kinh doanh hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, vì vậy, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động dược có đặc thù riêng là vừa phải thực hiện nhiệm vụ xã hội bảo đảm cung ứng thường xuyên và đủ thuốc đạt chất lượng cho nhân dân, vừa phải bảo đảm kinh doanh có lãi. Chính vì vậy, đổi mới tổ chức và quản lý của doanh nghiệp dược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ cấp bách của ngành và cũng là của chính doanh nghiệp.

    Mặc dù công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dược chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1997 với việc CPH các DNDNN ở địa phương và của các ngành (các DNDNN ở Trung ương đến năm 2000 mới bắt đầu CPH) nhưng đã đạt được một số kết quả khả quan và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dược sau CPH đã tăng lên rõ rệt. Những nhược điểm của DNDNN trước đây đã dần được khắc phục. Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu của mình, đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường. Điều này đã khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong quá trình đổi mới DNDNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, tiến độ CPH các doanh nghiệp trong ngành Dược vẫn chưa đạt mục tiêu và kế hoạch đặt ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số đó là các qui định pháp luật điều chỉnh CPH cũng như điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sau CPH vẫn còn không ít những bất cập.

    Xuất phát từ mục tiêu, lợi ích cũng như tình hình CPH DNNN trong ngành dược, việc nghiên cứu và hoàn thiện các qui định pháp luật về chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần từ thực tiễn ngành dược có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, góp phần thúc đẩy tiến trình CPH DNNN nói chung cũng như CPH DNDNN nói riêng.

    Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về CPH DNNN như “ Bàn về cải cách DNNN” của Trương Văn Bân; “Công ty cổ phần và chuyển DNNN thành công ty cổ phần” của Đoàn Văn Hạnh; “CPH các DNNN ở Việt Nam” của Hoàng Công Thi, Phùng Thị Đoan; “CPH DNNN - những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Lê Hồng Hạnh; “CPH và quản lý DNNN sau CPH” của Lê Văn Tâm và một số luận văn cao học, bài viết v.v nhưng trong những công trình nghiên cứu đó, chưa có công trình riêng biệt nào nghiên cứu xem xét một cách toàn diện về vấn đề CPH đối với DNNN trong ngành dược từ góc độ pháp lý. Với mong muốn được tìm hiểu những vấn đề liên quan tới CPH DNDNN, đưa ra những kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về CPH DNNN nói chung và CPH DNDNN nói riêng, tác giả mạnh dạn chọn đề tài “Hoàn thiện qui định pháp luật về CPH DNNN từ thực tiễn ngành dược” làm đề tài cho luận văn Thạc sỹ luật học.

    2. Mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn

    Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về CPH đối với DNNN nói chung và lĩnh vực dược nói riêng, từ đó đề xuất các ý kiến góp phần hoàn thiện pháp luật về CPH DNNN ở Việt Nam.

    Để đạt được mục tiêu này, luận văn tập trung vào các vấn đề sau:

    - Cơ sở lý luận về CPH DNNN, sự cần thiết phải CPH DNDNN và thực trạng CPH DNDNN ở Việt Nam;

    - Nghiên cứu một số qui định pháp luật về CPH DNNN và liên quan đến CPH DNNN;

    - Nghiên cứu thực trạng triển khai CPH DNDNN, đánh giá thực tiễn áp dụng các qui định pháp luật về CPH DNNN trong ngành dược, từ đó tìm ra các khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.

    - Một số đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về CPH DNNN.


    3. Phạm vi nghiên cứu

    Luận văn tập trung nghiên cứu các qui định pháp luật và phân tích thực tiễn thực hiện qui định pháp luật về CPH DNNN trong ngành dược ở Việt Nam giai đoạn từ 1997 đến 10/2005, từ đó đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung khi CPH đối với DNNN.

    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

    Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về CPH DNNN, áp dụng các phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, gắn lý luận với thực tiễn về CPH DNDNN tại Việt Nam. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng một số phương pháp khác như: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, nghiên cứu thực tiễn (khảo sát, điều tra, phỏng vấn, thu thập các số liệu) để giải quyết những vấn đề mà đề tài nghiên cứu.

    5. Kết cấu của luận văn

    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương với kết cấu như sau:

    Chương 1: Khái quát về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dược

    Chương 2: Thực trạng thi hành pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dược

    Chương 3: Một số giải pháp pháp lý nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dược
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...