Thạc Sĩ Hoàn thiện quản lý tài chính ở trường đại học (luận văn thạc sỹ, 95 trang)

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu

    Chương 1:
    NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ YÊU CẦU HOÀN THIỆN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC

    1.1. ĐẶC ĐIỂM QUẢN LÝ TÀI CHÍNH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
    1.1.1. Khái niệm, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập
    1.1.1.1. Khái niệm đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam

    Hoạt động sự nghiệp là những hoạt động do Nhà nước thực hiện nhằm cung cấp những dịch vụ có lợi ích chung và lâu dài cho cộng đồng xã hội. Hoạt động sự nghiệp không trực tiếp tham gia vào quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất, nhưng nó tác động đến lực lượng sản xuất và xã hội thông qua việc nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động cho nhân dân, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người, duy trì, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, nghệ thuật, tinh thần của dân tộc, phát triển khoa học Kết quả hoạt động sự nghiệp ảnh hưởng đến không chỉ phát triển kinh tế mà còn đến sự phát triển xã hội và đất nước.

    Hoạt động sự nghiệp có một số đặc trưng cơ bản sau:
    Thứ nhất, hoạt động sự nghiệp có xu hướng cung cấp các loại hàng hoá, dịch vụ có tính chất của hàng hoá công cộng hoặc hàng hoá khuyến dụng.

    Thứ hai,
    hoạt động sự nghiệp không nhằm mục đích thu lợi nhuận trực tiếp.

    Thứ ba,
    hoạt động sự nghiệp luôn gắn liền và bị chi phối bởi các chương trình phát triển kinh tế xã hội và ngân sách của Nhà nước.

    Thứ tư,
    sản phẩm của các hoạt động sự nghiệp có tính ích lợi chung và lâu dài.
    Hoạt động sự nghiệp trong xã hội rất đa dạng, phong phú như: Sự nghiệp theo từng lĩnh vực như sự nghiệp kinh tế; sự nghiệp văn hoá xã hội, sự nghiệp theo đặc điểm nguồn tài chính như hoạt động sự nghiệp có thu; sự nghiệp không có thu, sự nghiệp theo tính chất hoạt động hoặc theo ngành nghề như sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế, khoa học, văn hoá

    Hoạt động sự nghiệp đóng vai trò là động lực to lớn giúp dân tộc bảo tồn và phát triển văn hoá, truyền thống, các giá trị đạo đức Nghị quyết Đại hội toàn quốc Đảng Công sản Việt Nam lần thứ X khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội” [17].

    Hoạt động sự nghiệp đóng vai trò động lực cải cách, đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá VII) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá 2 (khoá VIII) của đảng ta đã khẳng định quan điểm khoa học công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu trong phát triển đất nước.

    Thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng trong chính sách phát triển khoa học xã hội của đảng và Nhà nước ta nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, góp phần tích cực nâng cao sức khoẻ, thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng suất lao động xã hội và sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá VII) của Đảng ta khẳng định “Sức khoẻ là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [15]. Hoạt động sự nghiệp có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.

    Trong nền kinh tế - xã hội, để thực hiện các hoạt động sự nghiệp cần có các tổ chức tiến hành các hoạt động đó, các tổ chức này được gọi là đơn vị sự nghiệp (ĐVSN). Tuy nhiên, theo ngôn ngữ quen dùng ở Việt Nam, ĐVSN thường phải là các cơ quan của Nhà nước.

    “Chương trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công giai đoạn 2004 - 2005”, ban hành theo Quyết định số 08/2004/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ xác định: ĐVSN là một loại hình đơn vị được Nhà nước ra quyết định thành lập, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhất định nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước giao trên lĩnh vực quản lý, thực hiện các hoạt động sự nghiệp. Đó là đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hoá, thông tin, nghiên cứu khoa học, y tế, không theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh [23].

    ĐVSN thuộc khu vực phi lợi nhuận, sự chi tiêu của các đơn vị này, theo góc độ của các nhà quản lý tài chính nhà nước, là chi tiêu một chiều, không thu hồi lại được vốn gốc, mặc dù trong nghiệp vụ quản lý tài chính các đơn vị này vẫn tính khấu hao tài sản cố định. Trong quá trình hoạt động, các ĐVSN được Nhà nước trang trải kinh phí đáp ứng nhu cầu chi tiêu từ ngân sách nhà nước hoặc được bổ sung từ các nguồn khác.

    Hoạt động của các ĐVSN là rất đa dạng, bắt nguồn từ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Mục đích hoạt động của các ĐVSN là phục vụ lợi ích cộng đồng, xã hội, đất nước. Trong quá trình cung cấp hàng hoá, dịch vụ công cho xã hội, các ĐVSN được phép tạo lập nguồn thu nhập nhất định thông qua các khoản thu phí và các khoản thu từ cung ứng dịch vụ do Nhà nước quy định để trang trải các khoản chi tiêu. Quản lý tài chính ĐVSN phải tuân thủ theo những quy định pháp lý và quy định về quản lý tài chính của Nhà nước. Tuỳ theo đặc điểm tạo lập nguồn thu của các ĐVSN, Nhà nước áp dụng cơ chế tài chính thích hợp để các ĐVSN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Phù hợp với xu hướng cải cách khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế thị trường và hội nhập, Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các ĐVSN theo hướng nâng cao quyền tự chủ tài chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ xã hội.

    ĐVSN có những đặc điểm khác với cơ quan hành chính. Cơ quan hành chính là những tổ chức cung cấp trực tiếp các dịch vụ hành chính công cho người dân khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình. Đó là các dịch vụ an ninh, quốc phòng, quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm pháp luật Các dịch vụ hành chính công được cung cấp theo luật định, với chất lượng đồng nhất cho mọi người tiêu dùng và được chi trả trực tiếp bằng ngân sách nhà nước. Dịch vụ hành chính công là chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, là trách nhiệm và nghĩa vụ của bộ máy Nhà nước với nhân dân và chỉ có Nhà nước có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng đó. Nhà nước, với tư cách là một tổ chức công quyền, phải có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ này cho nhân dân, còn người dân có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước dưới hình thức thuế để đảm bảo phần tài chính cho các dịch vụ này. Như vậy, quan hệ trao đổi các dịch vụ hành chính công không phản ánh quan hệ thị trường, mà phản ánh quan hệ nghĩa vụ của Nhà nước và phương tiện thực hiện nghĩa vụ do xã hội công dân cung cấp. Người sử dụng dịch vụ có thể trả một phần hoặc không phải trả tiền cho việc sử dụng dịch vụ đó, nhưng phải đóng thuế để chi trả cho chúng. Chính vì vậy cơ quan hành chính chỉ được tự chủ tài chính trong phần kinh phí ngân sách nhà nước bao cấp (cơ chế khoán chi), không được tự do mở rộng dịch vụ và nguồn thu. Dịch vụ và nguồn thu là cố định theo luật. Trong khi đó, khác với dịch vụ hành chính, dịch vụ của ĐVSN cung ứng có thể cạnh tranh với khu vực tư nhân và cung ứng theo nhu cầu nên các đơn vị này được phép khai thác và mở rộng nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp của mình. Đặc điểm khác biệt này cho phép ĐVSN có thể hoạt động tự chủ tài chính.

    ĐVSN có những điểm khác với loại hình doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc hạch toán kinh doanh, hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận bằng cách tự bù đắp chi phí và có lãi. Doanh nghiệp phải hoạt động theo các quy luật thị trường. ĐVSN không hoàn toàn theo cơ chế thị trường và không coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của mình. Các ĐVSN được xếp vào khu vực phi lợi nhuận.
    ĐVSN tạo ra những sản phẩm đặc biệt vừa mang tính phục vụ chính trị - xã hội, vừa mang tính hàng hoá đòi hỏi phải bù đắp chi phí. Với chức năng phục vụ xã hội, sản phẩm của hoạt động sự nghiệp không thể đo bằng giá trị tiền tệ hữu hình. Những đơn vị tạo ra sản phẩm đó không thể và càng không hạch toán được lỗ lãi đơn thuần bởi sản phẩm của nó thuộc chức năng phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Mặt khác, mỗi sản phẩm này đều mang trong nó giá trị đã hao phí để tạo ra nó. Để tái sản xuất giản đơn, các ĐVSN phải thu lại từ ngân sách nhà nước và từ chi trả của người hưởng thụ.
    Hiệu quả hoạt động của ĐVSN không đơn thuần đo đếm bằng tiền, mà thường được tính bằng các giá trị phi tiền tệ. Chính vì thế, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các ĐVSN thường khó khăn.

    1.1.1.2. Phân loại các loại hình đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam

    Có rất nhiều tiêu thức để phân loại ĐVSN.
    Thứ nhất, căn cứ vào cấp độ quản lý hành chính, ĐVSN được phân loại thành:
    - ĐVSN Trung ương là những ĐVSN gồm các lĩnh vực giáo dục công lập do Bộ Giáo dục – Đào tạo, các Bộ, ngành ở trung ương quản lý, các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực khác như y tế, văn hoá, thể dục - thể thao
    - ĐVSN địa phương gồm các ĐVSN do chính quyền địa phương thành lập và quản lý.
    Thứ hai, căn cứ vào từng lĩnh vực hoạt động sự nghiệp cụ thể phân loại ĐVSN gồm:
    - ĐVSN giáo dục, đào tạo.
    - ĐVSN văn hoá, thông tin.
    - ĐVSN thể dục, thể thao
    - ĐVSN phát thanh, truyền hình
    - ĐVSN y tế
    - ĐVSN khoa học công nghệ, môi trường.
    - ĐVSN kinh tế (quản lý sửa chữa đê điều, trạm trại )
    - ĐVSN khác.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...