Thạc Sĩ Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Lý do chọn đề tài
    Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ tiến bộ đã được sử dụng từ cách đây hàng nghìn năm, trong đó nhà nước tạo cơ hội cho người dân được trực tiếp quyết định đối với một số công việc của Nhà nước. Thông qua hình thức dân chủ này, người dân được trực tiếp tham gia vào việc hoạch định các chính sách, quyết sách lớn của đất nước. Ngày nay, trên thế giới, nhiều nước đã và đang sử dụng hình thức này như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
    Ở Việt Nam, sớm nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của hình thức dân chủ này, nên ngay sau khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã chỉ đạo đưa vào Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập những quy định về trưng cầu ý dân với hình thức nhân dân phúc quyết. Sau này trong các bản Hiến pháp tiếp theo của Nhà nước ta, vấn đề trưng cầu ý dân tiếp tục được ghi nhận với các tên gọi khác nhau như trưng cầu ý kiến nhân dân trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 hay là trưng cầu ý dân trong Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do là quy định trong các bản Hiến pháp về trưng cầu ý dân còn quá chung chung, lại không có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa, nên trong thực tế hơn 60 năm xây dựng và phát triển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân. Mặt khác, về mặt khoa học pháp lý cũng chưa có những nghiên cứu sâu và trực diện về vấn đề này, cho nên cách hiểu về trưng cầu ý dân hiện nay cũng còn có những điểm chưa thống nhất.
    Trong điều kiện chúng ta đang phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì việc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ và tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia quyết định các chính sách, quyết sách lớn của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lý luận cũng như về hiệu quả thực hiện pháp luật. Kinh nghiệm quản lý đất nước của cha ông từ xưa đến nay đã cho thấy, nhân dân bao giờ cũng là cội nguồn của quyền lực, quyết định sự hưng vong của xã tắc, bởi thế không bao giờ được xem nhẹ ý chí của nhân dân. Chính vì điều đó, nên trong thời gian gần đây trong nhiều văn kiện của Đảng, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng v.v đã xác định rõ sự cần thiết phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời đặt ra nhiệm vụ phải sớm xây dựng Luật trưng cầu ý dân.
    Trên cơ sở đó, vấn đề Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay là vấn đề rất cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Lựa chọn vấn đề này làm luận văn thạc sĩ, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng các cơ sở pháp lý bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, để hướng tới xây dựng một nền dân chủ mới - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
    2. Tình hình nghiên cứu
    Như trên đã trình bày, trưng cầu ý dân là vấn đề ít được các nhà khoa học pháp lý của nước ta chú ý đến. Có lẽ vì vậy nên chưa có công trình khoa học lớn nào nghiên cứu sâu và trực diện về vấn đề này. Cho đến nay, mới chỉ có một số bài viết đề cập đến một số khía cạnh của vấn đề trưng cầu ý dân như: Bàn về chế định trưng cầu ý dân (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 57, tháng 8 năm 2005); Trưng cầu ý dân ở Liên Xô và liên bang Nga (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 59, tháng 9 năm 2005); Đánh giá kết quả trưng cầu ý dân ở Australia (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 67, tháng 1 năm 2006); Trưng cầu ý dân và dự thảo Luật về trưng cầu ý dân (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - Hiến kế lập pháp, số 68, tháng 2 năm 2006); Thủ tục trưng cầu ý dân (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 69, tháng 2 năm 2006). Ngoài ra, cũng còn có một số bài viết khác tuy không trực tiếp viết về vấn đề trưng cầu ý dân nhưng trong nội dung cũng có đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân như: Một số ý kiến về dân chủ trực tiếp (Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 128, tháng 12 năm 1998 v.v .
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    * Đối tượng nghiên cứu:
    Luận văn nghiên cứu pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam từ khi hình thành cho đến nay, phân tích những mặt hạn chế trong các quy định của pháp luật hiện hành để từ đó kiến giải những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay.
    * Phạm vi nghiên cứu:
    Trưng cầu ý dân bao gồm rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, Luận văn chỉ tập trung vào việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn để hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay trên cơ sở phân tích và khái quát hóa pháp luật về trưng cầu ý dân trong lịch sử và hiện nay, tham khảo các quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân ở một số nước, phân tích các yêu cầu của thực tế để làm nổi bật lên vấn đề quan tâm chủ yếu là hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân.
    4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    * Mục đích của luận văn:
    Luận văn nghiên cứu về lý luận và thực tiễn pháp luật về trưng cầu ý dân để đề ra giải pháp và nội dung hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay.
    * Nhiệm vụ của luận văn:
    Để có thể đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn đề ra các nhiệm vụ sau đây:
    - Tìm hiểu cơ sở lý luận của sự hình thành và phát triển của pháp luật về trưng cầu ý dân, vai trò của pháp luật về trưng cầu ý dân; mục tiêu hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân.
    - Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân, tìm ra những ưu điểm, những hạn chế và nguyên nhân của tình hình để từ đó đề xuất các giải pháp, nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    Việc nghiên cứu của luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật, đặc biệt là các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung và về vấn đề trưng cầu ý dân nói riêng được thể hiện trong các văn kiện như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng v.v
    Luận văn được thực hiện trên cơ sở áp dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và các phương pháp nghiên cứu, như phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp luật học so sánh, khảo sát thực tế và có tham khảo kinh nghiệm của một số nước.
    6. Những đóng góp của luận văn
    Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện, tập trung và trực diện về vấn đề trưng cầu ý dân ở Việt Nam ở cả góc độ lịch sử và hiện tại; đưa ra một quan điểm thống nhất về trưng cầu ý dân và vai trò của trưng cầu ý dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đề ra các giải pháp tổng thể cho việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay.
    7. Ý nghĩa của luận văn
    Luận văn có đóng góp về lý luận cho việc phát huy dân chủ trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện hệ thống pháp luật; về mặt thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân. Ngoài ra, luận văn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, để nghiên cứu, giảng dạy, học tập, phục vụ cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung và pháp luật về trưng cầu ý dân nói riêng.
    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 9 tiết
     
Đang tải...