Thạc Sĩ Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phươ

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1.Tính cấp thiết của đề tài

    Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là một trong những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn cấp bách hiện nay, bởi vì:
    - Xuất phát từ vị trí, vai trò tầm quan trọng của nền hành chính nhà nước và yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 đến 2010. Mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước là: Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đến năm 2010 hệ thống hành chính về cơ bản đã được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
    Từ mục tiêu trên có thể thấy rõ: hoàn thiện pháp luật giám sát hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương vừa là nội dung của cải cách hành chính, vừa là một trong những biện pháp pháp lý không thể thiếu nhằm thúc đẩy cải cách nền hành chính theo mục tiêu đã xác định.
    - Giám sát hành chính (hay còn gọi là giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước) bao gồm giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tư pháp và giám sát xã hội (giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí v.v .). Mục đích của giám sát hành chính là phát hiện các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật trong quá trình hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, ngăn ngừa, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc, thực hiện mục tiêu quản lý hành chính nhà nước, góp phần hỗ trợ cho hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp. Với vai trò quan trọng đó, việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có ý nghĩa hết sức to lớn và cần thiết.
    - Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, cho dù hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở có đa dạng, phức tạp và rộng lớn bao nhiêu cũng phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản của nhà nước pháp quyền. Đó là nguyên tắc các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên, pháp luật hành chính hết sức phức tạp, còn rất nhiều tồn tại, các quy trình và thủ tục hành chính tuy đã được cải cách song vấn rất hạn chế, không ít thủ tục mới phiền hà. Điều này làm tiềm ẩn nguy cơ về sự vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, đòi hỏi hoạt động hành chính nhà nước phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Đến lượt mình, sự giám sát hành chính đó chỉ có thể có hiệu lực, hiệu quả khi nó được tiến hành theo các quy định của pháp luật. Đó là pháp luật về giám sát hành chính nhà nước. Pháp luật này hiện nay cũng như pháp luật hành chính nói chung đang còn rất nhiều hạn chế, tồn tại, đòi hỏi cấp bách phải hoàn thiện.
    - Thực tiễn hoạt động hành chính ở nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định song cũng còn không ít những vấn đề tồn tại cần phải được cải cách về thể chế hành chính, về bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, đặc biệt là tình trạng cửa quyền, lạm quyền, quan liêu, mất dân chủ hay tình trạng lãng phí, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do pháp luật giám sát hành chính chưa đồng bộ và thiếu cụ thể, thiếu thống nhất, chưa xây dựng được cơ chế giám sát, tổ chức và hoạt động của cơ quan giám sát, nội dung giám sát và những chế tài của hoạt động giám sát. Thực tiễn cho thấy, tăng cường hoạt động giám sát phải đi liền với việc giao quyền giám sát cho ai, cơ quan nào là hợp lý cũng như nội dung và hiệu lực giám sát phải gắn với việc hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính.
    - Về phương diện khoa học pháp lý, giám sát hành chính và pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là những khái niệm đang còn nhiều cách tiếp cận khác nhau, như về chủ thể giám sát, đối tượng giám sát và các chế tài giám sát hành chính, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu sắc nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính.
    Từ những lý do nêu trên, học viên chọn đề tài "Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương - từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc" làm luận văn Thạc sĩ Luật học chuyên ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật. Đề tài được thực hiện sẽ góp phần phát huy vai trò của pháp luật về hoạt động giám sát hoạt hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc, giúp cho các cơ quan này thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực hiện tốt cải cách hành chính ở địa phương.
    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Ở Việt Nam, nghiên cứu về giám sát hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể nêu một số công trình tiêu biểu sau:
    - Sách chuyên khảo: "Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước" do GS,TSKH Đào Trí Úc và PGS,TS Võ Khánh Vinh đồng chủ biên; "Thẩm quyền xét xử khiếu kiện hành chính của Tòa án" của TS. Nguyễn Thanh Bình; "Hành chính công" của Học viện Hành chính Quốc gia do TS. Nguyễn Ngọc Hiến chủ biên và tập thể tác giả là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện Hành chính Quốc gia, phát hành năm 2003; "Thể chế dân chủ và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay" do TS. Nguyễn Văn Sáu và GS. Hồ Văn Thông đồng chủ biên; "Một số vấn đề cơ bản về hoàn thiện bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" do GS,TS Nguyễn Duy Gia làm chủ biên; "Hội đồng nhân dân trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước" do PTS. Nguyễn Đăng Dung chủ biên; "Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo Hiến pháp năm 1992" và "Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994" của Phùng Văn Tửu.
    - Đề tài cấp Bộ: "Nhận thức và thực tiễn vận dụng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)" do Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì; "Tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay" do PGS,TS. Lê Văn Hòe làm chủ nhiệm, Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì; "Vấn đề nhân dân giám sát các cơ quan dân cử ở nước ta hiện nay" của Viện Khoa học Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.
    - Luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ có liên quan: "Nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện nay" của Vũ Mạnh Thông (năm 1998); "Trách nhiệm pháp lý của công chức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay", Luận án tiến sĩ luật học của Ngô Hải Phan; "Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu kiện hành chính ở Việt Nam", Luận văn thạc sĩ luật học của Nguyễn Văn Kim v.v .
    Bên cạnh đó còn có một số bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành như: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện giám sát đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân" của Đỗ Duy Thường, Tạp chí Mặt trận Tổ quốc, số 22; "Thiếu một cơ chế giám sát hoàn thiện" của Nguyễn Khanh, Báo Pháp luật, số 222, ngày 16 tháng 9 năm 2005; "Nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với bộ máy nhà nước" của Nguyễn Khắc Bộ, Tạp chí Dân vận, số 7, 2005 v.v .
    Nhìn chung, các công trình nêu trên đã đề cập tới một số khía cạnh của hoạt động giám sát quyền lực nhà nước song chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về giám sát hành chính và pháp luật về giám sát hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Do đó, tiếp thu những kết quả nghiên cứu nêu trên, luận văn nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện vấn đề hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
    - Phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các chủ thể có quyền giám sát hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, gồm: Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, công dân và cơ quan báo chí. Trong đó, luận văn tập trung vào thực tiễn giám sát hành chính ở Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay.
    4. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
    - Mục đích: Luận văn góp phần làm rõ cơ sở lý luận về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đề xuất và luận chứng các quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
    - Nhiệm vụ của luận văn: Để thực hiện mục đích nêu trên, nhiệm vụ của luận văn là:
    + Phân tích cơ sở lý luận về giám sát, giám sát hành chính, về khái niệm, đặc điểm, nội dung cơ bản của pháp luật về giám sát hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, vai trò của nó trong giám sát hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
    + Phân tích các tiêu chí hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
    + Đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và thực trạng thực hiện pháp luật đó ở tỉnh Vĩnh Phúc.
    + Đề xuất và luận chứng quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hiện nay.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    - Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là quan điểm của Đảng về cải cách hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, luận văn cũng tiếp cận những kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý về hành chính học ở nước ngoài.
    - Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu của triết học Mác - Lênin, trong đó chú trọng các phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phân tích và tổng hợp, lịch sử và cụ thể. Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng một số phương pháp của các bộ môn khoa học khác như luật học so sánh, xã hội học, lý thuyết hệ thống.
    6. Những đóng góp mới của luận văn
    Luận văn có những đóng góp mới sau:
    - Góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về giám sát, giám sát hành chính, pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
    - Đánh giá khái quát thực trạng pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật về giám sát hành chính hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương qua các giai đoạn hình thành và phát triển của nền hành chính nhà nước.
    - Góp phần hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương bằng việc luận chứng các quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật đó.
    7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
    Những kết quả của luận văn sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện pháp luật về giám sát hành chính hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Các quan điểm, giải pháp mà luận văn luận chứng có giá trị tham khảo đối với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, luận văn là nguồn tư liệu tham khảo tốt cho công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật.
    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài mục lục, mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương và 7 tiết
     
Đang tải...