Luận Văn Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta đều thống nhất về vai trò, vị trí của nhân dân, khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân . Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra” [29, tr.698]. Điều 2, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) ghi: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
    Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là hình thức thể hiện ý chí trực tiếp của chủ thể quyền lực về những vấn đề chính yếu, cơ bản của một tập thể, một cộng đồng, một xã hội. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ghi nhận ý chí đó và bảo đảm đưa vào thực hiện trong cuộc sống. Dân chủ đại diện là hình thức thể hiện ý chí không trực tiếp từ chủ thể quyền lực mà thông qua đại diện do chủ thể bầu ra để thực hiện quyền do chủ thể uỷ thác. Nhân dân (chủ thể quyền lực) có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, cá nhân đại diện cho mình để thực hiện quyền lực nhà nước nhằm hạn chế sự tuỳ tiện, lạm dụng ở đó.
    Quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua cơ quan nhà nước và là của nhân dân, do đó cần phải được nhân dân giám sát. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khoá X nêu rõ: “Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức cơ quan công quyền” “Công khai các quy định về thủ tục hành chính để dân biết, thực hiện và giám sát”, khẳng định: “Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân” [18, tr.304]. Điều 8, Hiến pháp 1992 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”. Điều này xuất phát từ thực tiễn của tiến trình dân chủ hoá xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; xuất phát từ yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tinh gọn và thuận tiện; xuất phát từ thực trạng mất dân chủ, cửa quyền, lạm quyền, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân của một số cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước; xuất phát từ nguyên tắc các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước phải bị giám sát để quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
    Mặc dù quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được thể hiện rõ ràng, song hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là rất phức tạp, đa dạng nên bên cạnh những ưu điểm, thành tựu của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đạt được, thì còn tồn tại những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện, trong đó hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước là một nội dung hết sức quan trọng. Bởi chỉ có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thì mới giải quyết triệt để được mọi hành vi sách nhiễu, cửa quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ khi những hành vi trên bị ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời thì nền dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân mới thực sự được thực hiện và phát huy trong thực tế.
    Giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước có mục đích là phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm quyền công dân của cơ quan công quyền. Nhân dân có quyền kiến nghị, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đó không chỉ là phương tiện giám sát có hiệu quả việc tuân thủ pháp chế và kỷ luật trong hoạt động quản lý nhà nước mà còn là biện pháp có tính pháp lý hữu hiệu bảo đảm các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức khi bị vi phạm.
    Nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền là cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Song, tình trạng một số cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức ở đó lạm quyền, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật diễn ra có lúc, có nơi rất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do thiếu sự giám sát cần thiết của nhân dân. Để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, chống lại nguy cơ cơ quan phục vụ dân chuyển thành cơ quan đứng trên dân, đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác về phương diện khoa học pháp lý, hoạt động giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật. Trong khi đó pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước còn có nhiều bất cập, hạn chế khiến việc thực hiện còn thiếu hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải được tiếp tục hoàn thiện. Từ những căn cứ và lý do trên, học viên chọn đề tài “Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước” làm luận văn thạc sỹ Luật, chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...