Thạc Sĩ Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập kh

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945 đã dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 10 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu, tên gọi đầu tiên của Hải quan Việt Nam ngày nay, với nhiệm vụ "đảm bảo công việc của Sở Tổng Thanh tra độc quyền muối và thuốc phiện và các Sở Thương chính Bắc, Trung và Nam Bộ".
    Đã 60 năm trôi qua, cùng với những thành tựu đã giành được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vị thế và vai trò của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và phát triển. Cùng với cả nước, Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, luôn là lực lượng "gác cửa đất nước trên mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh và đối ngoại" [39]. Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay pháp luật hải quan đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu phát triển, tăng thu cho ngân sách nhà nước, từng bước hiện đại hóa và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
    Pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Hải quan năm 1990, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm quản lý từ những năm 1985 trở về trước. Nhiều nội dung quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp với các văn bản pháp luật được ban hành từ những năm 1990, đặc biệt là với Hiến pháp năm 1992. Pháp lệnh chưa thể chế hóa kịp thời quan điểm đổi mới của Đảng về chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc có nghĩa vụ phải thực hiện.

    Trong bối cảnh trên đòi hỏi cần phải hoàn thiện hơn nữa pháp luật hải quan nói chung, pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa, hội nhập của ngành Hải quan để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Ngày 29 tháng 6 năm 2001 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa X, kỳ họp thứ 9) thông qua Luật Hải quan, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn 11 năm thực hiện Pháp lệnh Hải quan đồng thời tham khảo Luật Hải quan của một số nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới (Philippin, Indonesia, Trung Quốc, Úc, Pháp, Hoa kỳ). Việc ban hành Luật Hải quan có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật Luật Hải quan trên nguyên tắc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trong lĩnh vực hải quan. Luật đã nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội liên quan đến hoạt động hải quan, phù hợp với cơ chế quản lý trong giai đoạn mới.
    Pháp luật hải quan nói chung và pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thương mại phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng phát triển, thu hút rộng rãi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định về chính trị, bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục nhằm theo kịp với yêu cầu cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hải quan nói riêng, đồng thời đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập hải quan khu vực và thế giới. Vì lý do đó, ngày 25/5/2005 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan. Tuy vậy, việc quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Luật cũng chỉ quy định những vấn đề chung, có tính nguyên tắc, đòi hỏi phải có nhiều văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn thi hành.
    Từ những yêu cầu đòi hỏi và thực trạng trên của pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, qua thời gian học tập, nghiên cứu theo chương trình đào tạo cao học thuộc chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, là một cán bộ đang công tác trong ngành Hải quan tôi nhận thấy cần tiếp tục nghiên cứu, góp phần hoàn thiện bộ phận pháp luật quan trọng này. Chính vì vậy tôi chọn đề tài: "Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay" để làm Luận văn thạc sĩ luật học.

    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều công trình nghiên cứu về pháp luật hải quan, quản lý nhà nước bằng pháp luật về hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiện đại hóa thủ tục hải quan, thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh, du lịch, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần bảo đảm thực hiện chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, hợp tác và giao lưu quốc tế, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân. Có thể kể một số công trình quan trọng sau:
    - Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về hải quan trong điều kiện hiện nay ở nước ta, Luận án tiến sĩ Luật học của Vũ Ngọc Anh, năm 1999.
    - "Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động hải quan ở Việt Nam hiện nay", Luận văn thạc sĩ Luật học của Trần Văn Dũng, năm 2001.
    - "Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về kiểm tra và giám sát hải quan ở Việt Nam hiện nay", Luận văn thạc sĩ Luật học của Hoàng Anh Công, năm 2001.
    - "Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực hải quan ở Việt Nam hiện nay", Luật văn thạc sĩ Luật học của Bùi Văn Thịnh, năm 2003.
    - "Đấu tranh chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp", Luận văn thạc sĩ Luật học của Trần Tấn Linh, năm 2004.
    - "Vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan và giải pháp xử lý", Luận văn thạc sĩ Luật học của Lê Nguyễn Nam Ninh, năm 2004.
    - Ngoài ra, còn có nhiều đề tài khoa học của ngành hải quan, nhiều bài viết của các cán bộ chuyên gia trong và ngoài ngành Hải quan liên quan đến đề tài luận văn đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
    Các đề tài nêu trên đã đề cập đến những vấn đề chung liên quan đến pháp luật hải quan, quản lý nhà nước bằng pháp luật về hải quan, một số lĩnh vực công tác cụ thể của ngành Hải quan, chưa có đề tài nào trực tiếp nghiên cứu những vấn đề mà đề tài luận văn của tác giả nghiên cứu.
    3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Mục đích: Luận văn có mục đích làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất và luận chứng các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
    Phù hợp mục đích trên, luận văn có các nhiệm vụ sau:
    - Phân tích những cơ sở lý luận liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, như doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, khái niệm, đặc điểm, nội dung, vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, tiêu chí hoàn thiện bộ phận pháp luật này.
    - Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu; yêu cầu khách quan hoàn thiện pháp luật này.
    - Đề xuất và luận chứng các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hiện nay.
    Về phạm vi nghiên cứu: Pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu có nội dung phong phú, bao gồm nhiều vấn đề thuộc nội dung quản lý nhà nước về hải quan. Trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ, tác giả luận văn chỉ tập trung nghiên cứu các quy phạm trực tiếp điều chỉnh hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan hải quan Việt Nam.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hải quan nói riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
    Về phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mác xít, chủ yếu là các phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, phân tích và tổng hợp, lịch sử cụ thể.
    5. Những đóng góp mới của luận văn
    - Luận văn đã tập trung nghiên cứu một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về những vấn đề lý luận của pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt là về khái niệm, đặc điểm, vai trò và tiêu chí hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
    - Về mặt thực tiễn, luận văn đã phân tích yêu cầu khách quan đề xuất và luận chứng một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa thủ tục hải quan, hội nhập khu vực và quốc tế trong điều kiện mới.
    6. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 7 tiết
     
Đang tải...