LỜI NÓI ĐẦU Sau hơn hai thập kỉ đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội. Cùng với việc lần lượt gia nhập các tổ chức thương mại lớn trên thế giới như ASIAN, APEC, WTO chỗ đứng của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế ngày càng tăng lên. Công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là ngành dịch vụ. Trong số các ngành dịch vụ thì Du lịch, khách sạn _ ngành công nghiệp không khói, đã góp công lớn mang hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ra đời từ năm 1926, khách sạn Hòa Bình là một trong những khách sạn cổ xưa nhất ở Hà Nội. Nằm tọa lạc ngay trung tâm thành phố, khách sạn có một lợi thế to lớn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, việc kinh doanh khách sạn gặp nhiều trở ngại như: thị trường du lịch bị bão hòa, lượng khách đến Việt Nam bị san sẻ sang các khu vực, thị phần khách sạn bị thu hẹp do sự xuất hiện của hàng loạt khách sạn mới có nhiều lợi thế hơn về sự linh động, về quy mô, về giá cả dịch vụ Cạnh tranh trong ngành khách sạn ngày càng trở nên gay gắt, nhất là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Trong tình hình đó, đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các hình thức phục vụ luôn là một tiêu chí hàng đầu của khách sạn để tạo ra ưu thế cạnh tranh. Chất lượng dịch vụ có tốt, khách đến có hài lòng, có tạo được sức cạnh tranh với bên ngoài, tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người, bởi con người là chủ thể của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt với ngành dịch vụ di lịch thì lao động sống còn chiếm tới hơn 30% giá trị dịch vụ. Nhưng làm sao để có được đội ngũ nhân lực giỏi, cơ chế tuyển dụng và đào tạo ra sao, chế độ trả công như thế nào cho xứng đáng để người lao động làm việc, cống hiến hết mình và trung thành với doanh nghiệp? Đó là bài toán khó đặt ra cho mọi nhà quản lý. Trong số các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lao động tại doanh nghiệp thì vấn đề tiền lương, tiền công lao động luôn là vấn đề được người lao động cũng như chủ lao động quan tâm hàng đầu. Đó không chỉ là cái thu hút người lao động đến với doanh nghiệp mà còn là cái níu kéo người lao động ở lại hay rời khỏi doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian thực tập tại khách sạn Hòa Bình, em đã nghiên cứu, tìm hiểu và quyết định lựa chọn đề tài “Hoàn thiện hệ thống trả công lao động tại khách sạn Hòa Bình”. Phạm vi nghiên cứu của đề tài: Cơ cấu hệ thống trả công lao động tại khách sạn Hòa Bình. Đối tượng nghiên cứu: Cán bộ công nhân viên khách sạn Hòa Bình. Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu và đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống trả công lao động cho phù hợp với yêu cầu hiện tại Phương pháp nghiên cứu: chủ yếu là thống kê, quan sát kết hợp với điều tra bằng bảng hỏi từ đó rút ra những số liệu sơ cấp ban đầu cộng với quá trình xử lý thông tin kết hợp với lý thuyết đã được học từ đó nhận biết và đánh giá được thực trạng của đối tượng cần nghiên cứu. Đối tượng điều tra: chủ yếu là cán bộ quản lý, chuyên viên của các phòng ban bộ phận, và người lao động. Do thời gian và trình độ còn hạn chế nên chuyên đề chắc chắn còn nhiều điều thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý từ phía các thầy cô và bạn bè. Em xin chân thành cảm ơn PGS.TS Trần Thị Thu đã nhiệt tình hướng dẫn em hoàn thành chuyên đề này. Em cũng xin cám ơn ban lãnh đạo và tập thể cô chú cán bộ nhân viên Khách sạn Hòa Bình đã giúp đỡ và chỉ bảo tận tình cho em trong thời gian thực tập tại khách sạn.