Thạc Sĩ Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 5/11/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
    Tập đoàn Dệt may Việt nam được thành lập ngày 02/12/2005 theo Quyết định
    314/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Tổng
    công ty Dệt May Việt nam. Trong những năm qua Tập đoàn Dệt - May Việt Nam đã có
    nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước về tạo việc làm, nguồn thu
    ngân sách và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên trong những năm gần đây trong bối cảnh nền
    kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế thế giới, mặt khác trong
    điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu
    rộng, Tập đoàn Dệt - May Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn, đòi
    hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ cả về kỹ thuật - công nghệ sản xuất, tổ chức quản lý, cơ
    chế chính sách để có thể tiếp tục cạnh tranh bình đẳng và phát triển một cách bền vững.
    Nghị quyết Hội nghị TW 3 của BCH Trung ương Đảng, khóa XI đã đề ra mục
    tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015 là: “ Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với
    đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng,
    hiệu quả, sức cạnh tranh, ”. Quốc hội Khóa XIII cũng đã thông qua Nghị quyết về Kế
    hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp,
    chủ yếu là các TĐKT, TCT Nhà nước là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền
    kinh tế. Tái cơ cấu TĐKT, TCT nhà nước đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung khác
    nhau, từ tổ chức lại hệ thống sản xuất, ngành nghề kinh doanh, bộ máy quản lý đến
    nguồn nhân lực, chiến lược phát triển, thị trường và sản phẩm. Điều đó cũng liên quan
    mật thiết đến các hoạt động tài chính của Tập đoàn, đòi hỏi cơ chế quản lý tài chính
    của Tập đoàn cũng phải được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp, tạo điều kiện
    thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của Tập đoàn.
    Về khung khổ pháp lý, mặc dù từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
    Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động 2
    và quản lý TĐKT nhà nước. Tiếp đó là Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 về
    tổ chức và hoạt động của các TĐKT nhà nước và TCT Nhà nước thay thế Nghị định
    101/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên cho đến nay Nhà nước chưa có các quy định cụ thể về cơ
    chế quản lý tài chính của các TĐKT. Nghị định 71/2013/NĐ-CP chỉ quy định về đầu tư
    vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà
    nước nắm 100% vốn điều lệ. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các công ty
    TNHH 1 thành viên là công ty mẹ TĐKT, TCT Nhà nước, công ty TNHH 1 thành viên
    độc lập. Như vậy chưa có văn bản pháp quy nào được ban hành để chi phối, điều tiết
    mối quan hệ hợp tác hoặc liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết.
    Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của các
    TĐKT nói chung, Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng là vấn đề rất cần thiết, tạo
    điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐKT.
    Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Hoàn thiện cơ chế quản lý
    tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam” làm luận án tiến sĩ kinh tế.
    2. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN
    ĐỀ TÀI
    Trên thế giới cũng như Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã có một số
    công trình nghiên cứu về TĐKT và cơ chế quản lý tài chính của các Tập đoàn kinh tế
    được công bố. Có thể nêu ra một số công trình nghiên cứu ở Việt Nam đã được công
    bố có liên quan đến đề tài nghiên cứu sau đây:
    * Luận án tiến sĩ ‟Giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính trong Tập
    đoàn kinh doanh ở Việt Nam hiện nay”, năm 2000 của tác giả Phạm Quang Trung.
    Luận án là đã hệ thống và khái quát hóa một số vấn đề lý luận về Tập đoàn kinh doanh
    và cơ chế quản lý tài chính trong các Tập đoàn kinh doanh; đánh giá thực trạng cơ chế
    quản lý tài chính trong các Tổng công ty được thành lập theo Quyết định 90/1994/QĐ-TTg
    và Quyết định 91/1994/QĐ-TTg và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế
    quản lý tài chính trong các Tập đoàn kinh doanh ở Việt Nam. 3
    * Sách ‟Tập đoàn kinh tế: Lý luận và Kinh nghiệm quốc tế - Ứng dụng vào Việt
    Nam” của TS. Trần Tiến Cường và các tác giả năm 2005. Nội dung chủ yếu là tổng hợp
    các kinh nghiệm quốc tế về hình thành và phát triển Tập đoàn kinh tế từ khu vực doanh
    nghiệp Nhà nước, phân tích cơ hội và thách thức đối với các Tổng công ty Nhà nước khi
    phát triển theo hướng Tập đoàn kinh tế, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp về chính sách
    cho quá trình hình thành Tập đoàn kinh tế trên cơ sở các Tổng công ty ở Việt Nam.
    * Luận án tiến sĩ ‟Đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản đối với các Tổng công
    ty 91 phát triển theo mô hình Tập đoàn kinh doanh ở Việt Nam”, năm 2006 của tác giả
    Nguyễn Xuân Nam. Nội dung chủ yếu của luận án là làm rõ quá trình hình thành, mô
    hình, đánh giá thực trạng của cơ chế quản lý vốn và tài sản hiện nay của các Tổng công
    ty 91, đưa ra được những ưu điểm và tồn tại của cơ chế quản lý vốn và tài sản của các
    Tổng công ty 91 ở Việt Nam hiện nay. Đề xuất đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản
    của các Tổng công ty 91 ở Việt Nam hiện nay phù hợp với định hướng phát triển các
    Tổng công ty 91 thành các Tập đoàn kinh doanh.
    * Luận án tiến sĩ ‟Cơ chế quản lý tài chính của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam
    theo định hướng Tập đoàn kinh tế”, năm 2006 của tác giả Chu Xuân Lai. Luận án đã
    phân tích quá trình hình thành và thực trạng cơ chế quản lý tài chính của các Tổng
    công ty Nhà nước ở Việt Nam, chỉ ra được những vấn đề còn bất cập của cơ chế quản
    lý tài chính hiện tại của các Tổng công ty, cũng như các nguyên nhân khách quan và
    chủ quan của thực trạng này và đi đến khẳng định các Tổng công ty Nhà nước ở Việt
    Nam nói chung, Tổng công ty Dầu khí (chưa phải là Tập đoàn kinh tế). Luận án đã đề
    xuất mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính của Tập
    đoàn Dầu khí Việt Nam trên nguyên tắc quyền sở hữu về nguồn lực tài chính và tự chủ
    về mặt tài chính làm nền tảng.
    * Luận án tiến sĩ ‟Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính trong các Tổng công ty
    Nhà nước theo mô hình Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam”, năm 2008 của tác giả Phùng
    Thế Tính. Nội dung của luận án đã làm sáng tỏ thực tiễn và rút ra những hạn chế trong 4
    cơ chế quản lý tài chính hiện nay trong các TCT Nhà nước theo Quyết định 91/TTg
    định hướng hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế. Đề xuất một số giải pháp nhằm
    hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của các Tổng công ty Nhà nước định hướng hoạt
    động theo mô hình Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
    * Luận án tiến sĩ ‟Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp
    viễn thông ở Việt Nam theo mô hình Tập đoàn kinh tế trong điều kiện phát triển và hội
    nhập”, năm 2009 của tác giả Trần Duy Hải. Luận án đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận
    về cơ chế quản lý tài chính đối với TĐKT; đồng thời trên cơ sở khảo sát thực trạng cơ
    chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam hiện nay, luận án
    chỉ ra những khó khăn bất cập trong cơ chế quản lý tài chính của Tập đoàn Bưu chính
    viễn thông Việt Nam; đề xuất những giải pháp đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý tài
    chính của doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam theo mô hình Tập đoàn kinh tế trong
    điều kiện phát triển và hội nhập.
    * Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2009 của Bộ Tài chính do PGS,TS.
    Nguyễn Đăng Nam làm chủ nhiệm là ‟Chính sách cơ chế quản lý vốn Nhà nước tại các
    doanh nghiệp đến giai đoạn 2020”. Nội dung đề tài đề cập đến chính sách quản lý vốn và
    tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên góc độ quản lý Nhà nước, chưa nghiên cứu
    cơ chế quản lý vốn Nhà nước trên góc độ chủ sở hữu.
    * Luận án tiến sĩ ‟Cơ chế quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt
    Nam”, năm 2012 của tác giả Phạm Thị Thanh Hòa. Đề tài đề cập đến cơ chế quản lý vốn
    nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp trên góc độ chủ sở hữu Nhà nước được nghiên cứu
    qua các nội dung như cơ chế đầu tư vốn, cơ chế quản lý và sử dụng vốn, cơ chế phân
    chia lợi nhuận, cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư, quản lý và sử dụng vốn; hình
    thức thực hiện quyền sở hữu Nhà nước về vốn đầu tư tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tác giả
    còn đưa ra được những hạn chế về cơ chế quản lý phần vốn đầu tư cho mô hình Công ty
    mẹ - Công ty con. Trên cơ sở đó tác giả đã đưa ra một số giải pháp cụ thể về cơ chế quản
    lý vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung. 5
    Ngoài ra cũng còn nhiều bài viết về TĐKT và cơ chế quản lý tài chính của các Tập
    đoàn kinh tế được đăng trên các kỷ yếu hội thảo, báo và tạp chí kinh tế trong nước.
    Từ những trình bày trên cho thấy, các công trình nghiên cứu có nhiều cách tiếp cận
    khác nhau khi nghiên cứu về cơ chế tài quản lý chính của TĐKT. Có công trình nghiên cứu
    về cơ chế quản lý tài chính nói chung của các Tập đoàn kinh tế, song cũng có những công
    trình lại chỉ nghiên cứu một hay một số nội dung của cơ chế quản lý tập đoàn như cơ chế
    huy động vốn, sử dụng vốn hoặc kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của TĐKT. Có công
    trình nghiên cứu cơ chế quản lý tài chính của một Tập đoàn cụ thể, có công trình nghiên cứu
    cơ chế quản lý tài chính trên góc độ chung của các TĐKT. Tuy nhiên chưa có công trình
    nghiên cứu nào về cơ chế tài chính của Tập đoàn Dệt May Việt Nam được công bố.
    Vì vậy, tác giả đã chọn đề tài ‟Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn
    Dệt - May Việt Nam”. Đây là nghiên cứu đầu tiên về cơ chế quản lý tài chính của Tập
    đoàn Dệt May Việt Nam. Nội dung đề tài tập trung nghiên cứu những lý luận cơ bản về cơ
    chế quản lý tài chính trong các Tập đoàn kinh tế, đánh giá thực trạng cơ chế quản lý tài
    chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam.
    Trên cơ sở thực trạng cơ chế quản lý tài chính của Tập đoàn tác giả đề xuất một
    số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
    3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
    Mục đích nghiên cứu của luận án là đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn
    nữa cơ chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dệt - May Việt nam.
    Để đạt được mục đích trên, các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra đối với luận án là:
    - Nghiên cứu làm rõ hơn những vấn đề lý luận chủ yếu về TĐKT và cơ chế quản lý
    tài chính trong các TĐKT, những kinh nghiệm về cơ chế quản lý tài chính trong các
    TĐKT của một số quốc gia trên thế giới.
    - Đánh giá đúng thực trạng cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam
    hiện nay, những ưu điểm đạt được và những mặt hạn chế tồn tại trong cơ chế quản lý tài chính
    hiện hành tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam, nguyên nhân của những hạn chế tồn tại đó. 6
    - Đề xuất phương hướng và những giải pháp cần thực hiện để hoàn thiện cơ chế
    quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất
    lượng hoạt động quản lý tài chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả
    kinh doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
    4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    * Đối tượng nghiên cứu:
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt -
    May Việt Nam.
    * Phạm vi nghiên cứu:
    Về không gian, đề tài giới hạn nghiên cứu về cơ chế quản lý tài chính tại Tập
    đoàn Dệt - May Việt Nam.
    Về thời gian nghiên cứu: Các tài liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu được thu thập
    khoảng thời gian từ 2008 đến 2013.
    5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
    Về mặt lý luận:
    Luận án đã hệ thống và khái quát hóa, góp phần làm rõ hơn hơn những vấn đề
    lý luận về cơ chế quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế.
    Về thực tiễn:
    Luận án đã phản ánh một cách hệ thống và làm rõ thực trạng cơ chế quản lý tài
    chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam hiện nay, chỉ ra những kết quả đạt được và
    những hạn chế của cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
    Luận án đưa ra các giải pháp phù hợp, khả thi để hoàn thiện cơ chế quản lý tài
    chính của Tập đoàn Dệt - May Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản
    xuất kinh doanh chung của các Tập đoàn. 7
    6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Luận án đã sử dụng tổng hợp các phương pháp như: Phương pháp phân tích thống
    kê, đối chiếu, so sánh, diễn giải và tổng hợp, phương pháp chuyên gia, kết hợp phương
    pháp phân tích định tính và định lượng . trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng
    và duy vật lịch sử để xem xét, phân tích đánh giá các vấn đề đặt ra trong đề tài nghiên cứu.
    Các số liệu, tài liệu được sử dụng trong luận án bao gồm:
    - Số liệu sơ cấp thông qua quá trình phỏng vấn trực tiếp cán bộ, các phòng ban
    chức năng của Tập đoàn Dệt May Việt Nam
    - Số liệu thứ cấp được tác giả sử dụng qua một số kênh như: Niêm giám thống kê,
    Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Ngoài ra luận án cũng sử
    dụng một số số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ
    7. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
    - Làm rõ thêm những vấn đề lý luận cơ bản TĐKT và cơ chế quản lý tài chính của
    các TĐKT. Làm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung và mối quan hệ tài chính giữa công ty mẹ
    và các công ty con trong TĐKT; các nhân tố ảnh hưởng đến cơ chế tài chính của các TĐKT.
    - Chỉ ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ quản lý tài chính của
    một số TĐKT trên thế giới để có thể xem xét vận dụng ở Việt nam.
    - Phản ánh và đánh giá đúng thực trạng cơ chế quản lý tài chính tại Tập
    đoàn Dệt May Việt Nam hiện nay trên các nội dung cơ bản: cơ chế huy động tạo
    lập vốn; cơ chế đầu tư, sử dụng vốn; cơ chế phân phối lợi nhuận; cơ chế kiểm
    tra, giám sát tài chính trong Tập đoàn.
    - Chỉ ra được những ưu điểm và những hạn chế, tồn tại trong cơ chế quản lý
    tài chính hiện tại của Tập đoàn Dệt May Việt nam; làm rõ nguyên nhân của những hạn
    chế, tồn tại đó để có biện pháp khắc phục.
    - Đã đề xuất được các nguyên tắc cơ bản để định hướng cho việc hoàn thiện cơ
    chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dệt May Việt nam. 8
    - Đề xuất được hệ thống những giải pháp phù hợp, khả thi để hoàn thiện cơ chế
    quản lý tài chính của tập đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh
    doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
    8. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo,
    luận án gồm 3 chương.
    Chương 1: Những vấn đề lý luận cơ bản về cơ chế quản lý tài chính trong các
    Tập đoàn kinh tế.
    Chương 2: Thực trạng cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam.
    Chương 3: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tập đoàn Dệt - May Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...