PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, từ 7-8% năm. Tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đời sống người dân được nâng lên. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng. Sự biến động giá của thị trường nhiên liệu thế giới, sự gia nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam là những nhân tố tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas và các sản phẩm của ngành xăng dầu, một trong những ngành quan trọng của cả nước. Nền kinh tế mở với cơ chế hoạt động theo thị trường có sự định hướng của nhà nước là môi trường để cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực của mình, mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới nhưng đây cũng là những thách thức đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam bởi sự canh tranh ngày càng khốc liệt. Thị trường chính là nơi khẳng định vị thế, uy tín, sự tồn tại của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình mỗi một doanh nghiệp cần phải hoạt động hướng theo thị trường, tạo ra một hệ thống các hoạt động từ nghiên cứu đến sản xuất và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng một cách phù hợp, tạo được hiệu quả cao với chi phí thấp nhất. Sự gia tăng của các doanh nghiệp tư nhân, các Công ty trong kinh doanh ngành xăng dầu làm cho môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các hoạt động marketing của Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế còn hạn chế, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các chính sách về sản phẩm, giá, hệ thống phân phối, truyền thông. Để tạo ra sự phát triển bền vững công ty cần phải nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng những chính sách phối hợp giữa sản phẩm, giá, phân phối, truyền thông cổ động phù hợp. Xuất phát từ ý nghĩa trên, tôi chọn đề tài: “Hoàn thiện chính sách marketing Mix tại Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế.” 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu hoạt động marketing mix nhằm đề xuất những giải pháp hoàn thiện chính sách marketing tại Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế. 3. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu hoạt động marketing của Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế trong thời gian 2004-2006. Số thứ cấp được thu thập từ năm 2004 đến 2006 Số liệu sơ cấp được điều tra (thời gian điều tra 7,8,9,10,11/2006; 1,2,3,4/2007) Luận văn tập trung nghiên cứu đối với mặt hàng xăng dầu chính. Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn (>90%) trong tổng doanh thu của đơn vị và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng. 4. Nội dung nghiên cứu Hệ thống hóa lý luận về marketing mix. Phân tích thực trạng hoạt động marketing mix tại Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế, chỉ ra được mặt mạnh, yếu trong hoạt động marketing Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách marketing mix tại Công ty. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp thông kê, so sánh, quan sát, phân tích tổng hợp. 6. Kết cấu của luận văn Luận văn gồm 3 chương Chương 1: Những vấn đề lý luận cơ bản về marketing mix trong hoạt động của doanh nghiệp Chương 2 Thực trạng của ngành xăng dầu và tình hình kinh doanh tại Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế Chương 3 Các giải pháp hoàn thiện chính sách marketing mix tại Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế