Thạc Sĩ Hoạch định chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2015

Thảo luận trong 'Kinh Tế' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 21/4/12.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

    Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú ở tận cùng phía Nam tố quốc, là phần cuối cùng của lưu vực sông Mêkong, với diện tích tự nhiên 3,96 triệu hecta, bao gồm 13 tỉnh, đó là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. So với cả nước, diện tích ĐBSCL chiếm 12%, trong số đó diện tích nông nghiệp chiếm 33% (diện tích trồng lúa chiếm 48,8%), diện tích nuôi trồng thuỷ sản chiếm 53%. Dân số vùng ĐBSCL là 17,4 triệu người, chiếm 21,3% dân số của cả nước, với 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khơ me [2]. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo nơi đây vẫn còn là vùng trũng của cả nước, chất lượng nguồn nhân lực, mặt bằng dân trí còn thấp, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 20%, (trong khi cả nước là 26% -năm 2006). Do đó, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là thực sự cấp thiết. Việc thành lập và phát triển Trường Đại học Tiền Giang đã góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực Bắc sông Tiền nói riêng. Trường Đại học Tiền Giang đã nỗ lực phát huy nội lực của mình, từng bước đổi mới nội dung chương trình phù hợp với nhu cầu xã hội, bồi dưỡng giảng viên, xây dựng có sở vật chất, tích cực góp phần vào sự nghiệp giáo dục cho khu vực Bắc sông Tiền.

    Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các tổ chức thành công là các tổ chức sẵn sàng ứng phó với những điều kiện thay đổi và có định hướng chiến lược phát triển phù hợp với sự thay đổi đó. Chỉ những tổ chức có hoạch định chiến lược đúng đắn thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Chiến lược đúng đắn giúp tổ chức phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Điều này cũng không ngoại lệ đối với các trường đại học. Việc quản lý của các trường đại học cũng không thể có kết quả nếu chỉ tập trung vào những hoạt động bên trong nhà trường. Để đối phó với những áp lực thay đổi hàng ngày của môi trường bên ngoài, các trường đại học cần đầu tư vào lập kế hoạch chiến lược, nhấn mạnh việc duy trì các mục tiêu và chức năng chính của nhà trường trên cơ sở khai thác những cơ hội mới xuất hiện và tìm cách giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường bên ngoài. Ngày nay, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược là một phần quan trọng trong hoạt động quản lý trường đại học. Các trường đại học phải xác định hướng đi, mục tiêu phù hợp với yêu cầu sinh viên, người sử dụng lao động, nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của đời sống kinh tế xã hội và huy động có hiệu quả các nguồn lực có giới hạn.

    Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chúng tôi nhận thấy, Trường Đại học Tiền Giang cần phải xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, một kế hoạch chiến lược phù hợp mới có thể tồn tại, phát triển lâu dài và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho đồng bằng sông Cửu Long cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, chúng tôi chọn đề tài “Hoạch định chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2015” để làm luận văn tốt nghiệp cho mình.

    II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

    Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là nhằm định hướng, xây dựng chiến lược phát triển và đề ra giải pháp thực hiện chiến lược cho Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2015. Từ đó, giúp Trường thích ứng được với những biến động của môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mình và đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo giữ vững vị thế cạnh tranh của mình và ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

    III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    - Phương pháp hệ thống: để nghiên cứu đầy đủ các đối tượng khác nhau, có mối liên hệ qua lại với nhau cùng tác động đến một tổ chức là trường đại học.

    - Phương pháp chuyên gia: tham khảo ý kiến của các chuyên gia về những yếu tố tác động và mức độ tác động của các yếu tố đó đối với tổ chức là trường đại học.

    - Phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và suy luận logic: để tổng hợp số liệu, dữ liệu nhằm xác định mục tiêu cũng như lựa chọn phương án, giải pháp chiến lược.

    IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

    - Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Trường Đại học Tiền Giang.

    - Luận văn nghiên cứu hoạt động của Trường Đại học Tiền Giang, cụ thể là hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

    V. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

    - Về mặt khoa học, luận văn trình bày một phương pháp tiếp cận để hoạch định chiến lược phát triển một tổ chức phi lợi nhuận và vận dụng vào điều kiện cụ thể của Trường Đại học Tiền Giang. Từ đó, góp phần mang lại những kinh nghiệm hoạch định chiến lược phát triển cho các trường đại học Việt Nam.

    - Về mặt thực tiễn, vận dụng quy trình hoạch định chiến lược, xác định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ đối với hoạt động của Trường Đại học Tiền Giang. Sau đó, định hướng chiến lược và đề ra giải pháp thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang.

    V. KẾT CẤU LUẬN VĂN

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn được chia làm ba chương:

    Chương I: Lý luận cơ bản về chiến lược, hoạch định chiến lược hoạt động
    Chương II: Phân tích môi trường hoạt động của Trường Đại học Tiền Giang
    Chương III: Hoạch định chiến lược phát triển của Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2015
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...