Luận Văn Hình phạt tiền trong Bộ luật Hình sự Việt Nam – những vấn đề lí luận và thực tiễn

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI MỞ ĐẦu
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính nguy hiểm cao cho xã hội, mang tính lịch sử và bản chất giai cấp sâu sắc. Đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là nhiệm vụ của bất kỳ nhà nước nào trong bất kỳ xã hội nào. Một trong những công cụ hữu hiệu để nhà nước thực hiện nhiệm vụ đó là hình phạt. C. Mac đã từng viết: “Hình phạt chẳng qua là thủ đoạn tự vệ của xã hội với những hành vi xâm phạm những điều kiện tồn tại của xã hội đó”[4, 531]. Tuy nhiên, hiệu quả của hình phạt phụ thuộc rất nhiều vào việc quy định và áp dụng các quy định đó như thế nào trong thực tế.
    Tội phạm xảy ra trong xã hội rất khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, do đó đòi hỏi nhà làm luật phải quy định nhiều loại hình phạt khác nhau để xử lí cho phù hợp, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước. Do vậy, BLHS Việt Nam quy định nhiều loại hình phạt khác nhau phù hợp với từng loại tội phạm và hành vi phạm tội. Trong đó hình phạt tiền có vị trí và vai trò quan trọng.
    Hình phạt tiền được quy định từ khá sớm trong pháp luật hình sự Việt Nam và đang dần được hoàn thiện trong các quy định của BLHS hiện hành nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế đất nước trong thời kì đổi mới. Hình phạt tiền được áp dụng rất phổ biến, đạt hiệu quả cao. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã có những sửa đổi bổ sung nhất định đối với các quy định về hình phạt tiền. Tuy nhiên, thực tế áp dụng hình phạt này còn cho thấy nhiều bất cập, hiệu quả áp dụng hình phạt tiền còn thấp, chưa tương xứng với vị trí và vai trò của hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt.
    Trong khi đó, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay su hướng áp dụng hình phạt tiền ngày càng cao đặc biệt là ở các nước phát triển như: Pháp, Đức, Nhật Bản Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng của hình phạt tiền để hình phạt tiền thực sự phát huy vai trò của nó trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mà vẫn đảm bảo được ý nghĩa và mục đích của hình phạt. Chính vì vậy, em chọn đề tài “Hình phạt tiền trong Bộ luật Hình sự Việt Nam – những vấn đề lí luận và thực tiễn” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp.
    2. Mục đích của đề tài: trên cơ sở những nhận thức toàn diện, có hệ thống về hình phạt tiền trong BLHS Việt Nam và đánh giá thực tiễn áp dụng hình phạt tiền để đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả của hình phạt này trong thực tiễn áp dụng.
    3. Phạm vi nghiên cứu: trong phạm vi cho phép của một khóa luận tốt nghiệp, em chủ yếu tập trung vào khái niệm, mục đích, ý nghĩa , nội dung, điều kiện áp dụng của hình phạt tiền trong BLHS Việt Nam, tìm hiểu lịch sử lập pháp về hình phạt tiền. Khóa luận cũng nghiên cứu cả những quy định về hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc khảo sát thực tiễn áp dụng hình phạt tiền trên cả nước và hai địa bàn quan trọng là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh
    4. Phương pháp nghiên cứu : Khóa luận tốt nghiệp dựa trên cơ sở phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng bao gồm phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê
    5. Cơ cấu của khóa luận: ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu, gồm có ba chương
    Chương 1: Một số vấn đề lí luận về hình phạt tiền theo pháp luật hình sự Việt Nam.
    Chương 2: Hình phạt tiền theo quy định của BLHS năm 1999
    Chương 3: Thực tiễn áp dụng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng của hình phạt tiền
    Thông qua việc nghiên cứu những quy định về hình phạt tiền trong BLHS hiện hành, đánh giá thực tiễn áp dụng hình phạt này trên cả nước, em mong muốn góp phần vào việc tạo ra nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, mục đích, ý nghĩa của hình phạt tiền, đồng thời đưa ra một số giải pháp có tính chất tham khảo để nâng cao hiệu quả áp dụng của hình phạt này.
    Đây là lần đầu tiên em thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, mặt khác do trình độ kiến thức còn hạn chế nên không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, em rất mong quý thầy cô, các bạn sinh viên đóng góp, cho ý kiến để kiến thức của em được hoàn thiện hơn.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...