Trong các võ phái cổ truyền Trung Hoa, chắc chắn côn nhị khúc cũng có nhưng không thịnh hành, thường các môn đồ tập côn tam khúc hoặc tiên (roi) với nhiều đốt nối với nhau (thất tiết tiên hoặc cửu tiết tiên). Có thể tìm thấy trong các vũ khí cổ của Trung Hoa một dạng thức gần tương tự côn nhị khúc nhưng bao gồm một khúc dài và một khúc ngắn hơn, hoặc một khúc dài với hai khúc ngắn nối với nhau bằng dây mềm, khi luyện tập thường tập một chiếc hoặc tập cả hai chiếc. Cây côn này còn được gọi tên là song hổ vĩ côn (côn đuôi hổ). Lịch sử Tương truyền tại vùng Okinawa khi tiểu vương quốc này bị người Nhật đô hộ, sự cai trị tàn khốc với sưu cao thuế nặng của người Nhật khiến dân bản địa liên tục nổi dậy phản kháng. Các võ quan Nhật tại các làng mạc đã nghiêm cấm không cho dân chúng được sử dụng dụng cụ bằng sắt trong sản xuất sinh hoạt, chỉ trừ một con dao sắt được sử dụng hạn chế với sự kiểm soát của kẻ cai trị, loại bỏ tất cả những gì có thể trở thành vũ khí sát thương nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của người dân bản địa.