Tiểu Luận Hình ảnh ông Đồ trong thơ của Vũ Đình Liên

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Tên đề tài:
    HÌNH ẢNH ÔNG ĐỒ TRONG THƠ VŨ ĐÌNH LIÊN
    Lời mở đầu


    Có lẽ trong ký ức của những người đã qua thời cắp sách đến trường mỗi lần tết đến xuân về, nhìn thấy cảnh phố xá trang hoàng rực rỡ lại nhớ đến những câu thơ trong bài Ông đồ của Vũ Đình Liên- một bài thơ sống với thời gian bởi cái dung dị sâu lắng mà có sức ám ảnh với độc giả bao thế hệ. Viết và thưởng thức câu đối- một nét đẹp "Vang bóng một thời” trong truyền thống của dân tộc lại bừng sáng qua những câu thơ ngắn mà hàm chứa bao nỗi niềm .


    Vào những năm đầu thế kỷ XX, cuộc chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam đã dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống tinh thần và văn học cũng nằm trong quy luật ấy. Trong tâm lí sáng tạo và thưởng thức văn học đã tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây một cách mạnh mẽ. Vũ Đình Liên vẫn là một nhà thơ cũ giữa làng thơ Mới nhưng có lẽ chính buổi xã hội và văn hoá giao thời ấy đã chạm đến những rung cảm sâu xa về lòng thương người và nhớ cảnh cũ người xưa trong tâm khảm thi nhân để lại cho đời một bài thơ khắc tên ông trên văn đàn Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc sống đổi thay, khi mà người ta không còn “vui cái vui thuở trước, buồn cái buồn thuở trước”, những giá trị truyền thống dần lui vào quá khứ nhường bứơc cho cái mới thâm nhập, bao trùm đời sống xã hội, “Ông đồ” là một cách ứng xử đẹp của một lớp hậu thế đối với nền Nho học đã xa thời hoàng kim.


    Cùng nằm trong vùng văn hoá á Đông lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiếp xúc, giao lưu với văn hoa Trung Hoa, chữ Hán và nền Nho học đã du nhập vào Việt Nam. Việc viết và chơi câu đối cũng được đưa đến đất Việt, ngấm dần thành một cách tự nhiên thành nét văn hoá dân tộc trong mỗi dịp tết đến xuân về. Đó cũng là một cách làm giàu văn hoá dân tộc một cách sáng tạo khi du nhập, chắt lọc những yếu tố văn hoá nước ngoài. Đến tết, nhà nhà lại tìm đến những nhà nho, thầy đồ xin hoặc mua câu đối treo trong nhà để thưởng thức cái hay cái đẹp của chữ nghĩa và cũng là mong cầu những điều tốt lành trong năm mới như một thú chơi tao nhã không thể thiếu. Đã hàng trăm năm, cái nếp ấy trở thành một nét đẹp làm nên phong vị Tết cổ truyền dân tộc
    Trong xã hội mới, cuộc sống mới đã không còn chỗ cho ông đồ, vì thế, sự biến mất của ông là một tất yếu nhưng dường như vẫn gây nên cảm giác ngỡ ngàng, thiếu vắng với tác giả, người đang nhìn lại thời hoàng kim của Nho học một cách trân trọng và day dứt bởi cái tình của một thế hệ kế cận với bậc đàn anh lớp trước trong buổi giao thời vẫn còn nặng lắm. Câu hỏi đặt ra cuối cùng như muốn tìm lại, níu lại một thời, một thế hệ đã qua hay muốn tìm lại những tâm hồn trong buổi cũ về chứng kiến để xẻ chia nỗi lòng với những người hôm nay, đó là câu hỏi không lời đáp. Chỉ có thi sĩ là người đang nói theo lối dung dị cũ, cảm theo cách cảm của người xưa về một giá trị truyền thống đang bị đổi thay, quên lãng để rồi ông trở thành một cái tên còn đựơc nhắc đến ngày hôm nay vì chính bài thơ tuyệt bút này.


    Ngày nay, câu đối tết vẫn còn được nhắc đến, người ta làm câu đối bằng những máy móc hiện đại với công nghệ in phun như là những mô hình để người đời nay tưởng tượng về một nét văn hoá của thời đã qua. Những ông đồ xưa được gợi lại trong ký ức và ở nơi làng quê đâu đó vẫn có những người già hay chữ Hán trổ tài nghiên bút mỗi dịp hội hè đình đám. Không ai có thể trách đựơc thế hệ sau không duy trì nguyên nếp truyền thống văn hoá cũ bởi mỗi thời mỗi khác, khi con người ta ngày càng bận rộn với cuộc sống công nghiệp thì việc nhắc và nhớ đến những truyền thống của dân tộc một cách trân trọng là một điều đáng quý. Tâm thức, ứng xử với cuộc sống mới và các hiện tượng văn hoá ngày càng đa dạng và mới mẻ trong cuộc sống hiện đại sẽ tạo nên những giá trị văn hoá tương ứng bồi đắp vào nền văn hoá của dân tộc và những giá trị văn hoá truyền thống sẽ được lưu giữ, truyền tụng cho đời sau bởi những người con yêu đất Việt.
     
Đang tải...