Thạc Sĩ Hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngân hàng thương mại và kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng

Thảo luận trong 'Kinh Tế' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 19/11/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do nghiên cứu đề tài:
    Ngân hàng thương mại (NHTM) là một doanh nghiệp đặc biệt, là trung gian tài chính của nền kinh tế. Nó thực hiện huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế và sử dụng các nguồn vốn huy động này để thực hiện cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và các dịch vụ ngân hàng nhằm tạo ra lợi nhuận. Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nghiệp vụ tín dụng là nghiệp vụ sử dụng vốn quan trọng nhất của NHTM vì nó giúp quay vòng nguồn vốn huy động đầu vào và tạo ra lợi nhuận cao nhất cho NHTM. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao nhất. Rủi ro tín dụng là rủi ro phát sinh do khách hàng vay không trả được nợ gốc và lãi vay cho ngân hàng đúng hạn như đã cam kết. Rủi ro tín dụng là loại rủi ro nguy hiểm nhất đối với NHTM vì nó kéo các loại rủi ro khác cũng phát sinh theo và có thể dẫn đến sự phá sản của NHTM vì mất khả năng thanh toán các khoản huy động đầu vào do không thu hồi được vốn đã sử dụng để cho vay. Để hạn chế và ngăn ngừa rủi ro tín dụng, ngoài các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ tín dụng thì việc thiết kế một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả của NHTM đối với nghiệp vụ tín dụng sẽ góp phần rất quan trọng trong việc kiểm soát và giám sát rủi ro tín dụng, hạn chế được sự thất thoát vốn tín dụng cho ngân hàng.
    Kể từ khi thực hiện chuyển hệ thống ngân hàng một cấp sang mô hình ngân hàng hai cấp, hệ thống NHTM Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển lớn mạnh, đa dạng về loại hình. Tuy nhiên, quy mô của các NHTM Việt Nam còn nhỏ bé, năng lực quản trị, điều hành chưa cao và trình độ nghiệp vụ còn thấp. Mặc dù chất lượng hoạt động của các NHTM Việt Nam đã được cải thiện đáng kể sau quá trình thanh tra, tái cơ cấu, chấn chỉnh và sắp xếp lại nhưng vẫn còn tồn tại những yếu kém và các rủi ro tiềm ẩn do môi trường kinh doanh không ổn định, tạo nhiều sơ hở cho sự lừa đảo chiếm đoạt vốn của ngân hàng, do hành lang pháp lý bất cập và do sự thiếu tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ nghiệp vụ và một số lãnh đạo NHTM đã gây ra các sai phạm về những quy tắc hoạt động ngân hàng. Các sự kiện có liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam chưa cao, khả năng quản lý rủi ro tín dụng còn yếu kém. Từ đó có thể thấy rằng, trong điều kiện môi trường kinh doanh nhiều bất lợi cộng với bản chất rủi ro tiềm tàng của hoạt động tín dụng ngân hàng đòi hỏi các NHTM Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực quản lý rủi ro tín dụng – đặc biệt phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu nhằm giảm thiểu và kiểm soát rủi ro.
    Từ trước đến nay, các NHTM Việt Nam chỉ chú trọng đến việc thiết lập các chính sách tín dụng phù hợp với mục tiêu phát triển của từng ngân hàng, sự phát triển của các ngành kinh tế và tính an toàn trong cho vay và thiết kế các quy trình tín dụng phù hợp với các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng nhưng chưa chú trọng hoàn thiện kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng. Chính sự khiếm khuyết này đã tạo ra sơ hở cho các sai phạm về nghiệp vụ và đạo đức của những người làm công tác tín dụng và không tạo ra sự cảnh báo kịp thời về các khoản tín dụng có vấn đề cho các cấp lãnh đạo của ngân hàng. Chính vì thế, cần phải có sự nghiên cứu về kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng của các NHTM Việt Nam để đánh giá và khắc phục những tồn tại của hệ thống kiểm soát nội bộ trong
    vai trò kiểm soát và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
    Mặt khác, trong điều kiện ngày nay, khi nền kinh tế thế giới đã và đang trong quá trình toàn cầu hóa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với các NHTM Việt Nam nói riêng. Hội nhập đòi hỏi các NHTM phải nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý và đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Vì vậy, một trong các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các NHTM Việt Nam là hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng, đặc biệt là đối với nghiệp vụ tín dụng nhằm đảm bảo sự an toàn và lành mạnh trong hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam.

    2. Mục tiêu của đề tài:
    Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đáùnh giá các ưu điểm và tồn tại của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong các NHTM Việt Nam nói chung. Từ các ưu – nhược điểm được rút ra này, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng tại các NHTM Việt Nam.

    3. Phương pháp luận nghiên cứu:
    Để nắm một cách đầy đủ thực trạng, tác giả phải tiến hành thực hiện các
    cuộc khảo sát như sau:
    ã Sử dụng Bảng câu hỏi về Hệ thống kiểm soát nội bộ để khảo sát thực trạng kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng tại một số NHTM tiêu biểu của Việt Nam. Đó là những ngân hàng có quy mô lớn và có tỷ trọng dư nợ tín dụng cao trong tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng.
    ã Thảo luận với một số nhà quản lý, kiểm toán viên nội bộ và một số cán bộ tín dụng tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh và cổ phần của Việt Nam về các vấn đề về rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, các biện pháp kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng hiện đang áp dụng và hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam.
    ã Tổng hợp và phân tích các bài viết, các báo cáo về một số vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng mà nguyên nhân chủ quan do sự yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng.
    ã Phỏng vấn các kiểm toán viên độc lập có kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực ngân hàng và đã từng tham gia các cuộc kiểm toán chuyên đề về tín dụng. Thông qua đánh giá của các chuyên gia ngân hàng về chất lượng tín dụng và năng
    lực quản trị, điều hành của các NHTM Việt Nam và kết quả thu thập được từ các cuộc khảo sát, tác giả rút ra các rút ra những ưu điểm và tồn tại của kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong các NHTM Việt Nam hiện nay.

    4. Phạm vi nghiên cứu:
    Phạm vi giới hạn của đề tài này là nghiên cứu vấn đề kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong các NHTM Việt Nam nói chung.

    5. Ý nghĩa của việc nghiên cứu:
    Mục đích của việc nghiên cứu kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong NHTM là đánh giá tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát và những yếu kém, nhược điểm của nó làm cho hệ thống không phát hiện, không hạn chế được các gian lận và sai sót dẫn đến rủi ro tín dụng. Từ đó, nghiên cứu các giải pháp khắc phục các nhược điểm của hệ thống nhằm đem lại khả năng kiểm soát tối ưu của NHTM về hoạt động tín dụng. Vì hoạt động tín dụng là hoạt động kinh doanh chủ yếu đem lại nguồn thu nhập cao nhất cho các NHTM và cũng là hoạt động rủi ro cao nên nếu kiểm soát tốt hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của NHTM và đem lại hiệu quả sử dụng vốn cho NHTM. Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng như sau:
    ƒ Đối với Nhà nước: Kết quả nghiên cứu của đề tài là một tư liệu để Nhà nước hoàn thiện hơn các chính sách, các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng của các NHTM và có những biện pháp giám sát thích hợp đối với các NHTM về hoạt động tín dụng nói riêng và đặt ra vấn đề về đánh giá rủi ro của các NHTM nói chung.
    ƒ Đối với các NHTM: Giúp các NHTM Việt Nam soi rọi lại các tồn tại, yếu kém trong hệ thống kiểm soát nội bộ về hoạt động tín dụng của mình. Các kiến nghị của đề tài có ý nghĩa đối với các NHTM trong việc hoàn thiện môi trường kiểm soát nội bộ nói chung và KSNB đối với nghiệp vụ tín dụng nói riêng đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro tín dụng tốt hơn.
    ƒ Đối với các nghiên cứu tiếp theo: Kết quả của đề tài góp phần tạo thêm cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu về kiểm soát nội bộ đối với hoạt động tín dụng của các NHTM và quản lý rủi ro tín dụng.

    6. Nội dung của đề tài:
    Với mục tiêu và phương pháp luận trình bày ở trên, nội dung của đề tài được
    chia làm 03 chương lớn:
    ™ Chương 1: Khái quát quá trình hình thành các lý luận về hệ thống kiểm soát nội bộ nói chung và hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng nói riêng. Trong chương này, tác giả cũng giới thiệu Báo cáo của Uûy ban Basle về các tiêu chuẩn đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng. Cuối cùng, bàn về hoạt động tín dụng ngân hàng bao gồm vai trò của nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, rủi ro tín dụng và kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng ngân hàng.
    ™ Chương 2: Trong chương này, tác giả giới thiệu quá trình hình thành, phát triển và các đặc điểm của nghiệp vụ tín dụng ngân hàng tại Việt Nam. Trọng tâm của chương 2 là nhận định và phân tích các nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam và đánh giá các ưu và nhược điểm của kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong các NHTM Việt Nam từ kết quả các cuộc khảo sát về KSNB trong các NHTM Việt Nam.
    ™ Chương 3: Nêu ra một số giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng trong các NHTM Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...