Luận Văn Hệ thống chùa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu


    1. Lí do chọn đề tài

    MỞ ĐẦU



    Văn hoá làng xã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hoá dân tộc. Chùa lại là nhân tố phổ biến góp phần tạo nên hệ thống văn hoá làng xã truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những ngôi chùa như một phần không thể thiếu trong bức tranh về làng quê chúng ta xưa và nay.
    Việt Nam là nước nông nghiệp nên hệ thống chùa luôn gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của mỗi người dân nông thôn. Nó không chỉ có vị trí đặc biệt trong văn hoá làng mà còn tác động sâu sắc, toàn diện đến nhiều mặt của xã hội cổ truyền. Chùa với người Việt không chỉ là không gian tôn giáo, nơi phục vụ các hoạt động thờ cúng, tâm linh mà còn là một nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi in dấu những thiết chế lâu đời. Dân gian có câu “đất vua - chùa làng - phong cảnh bụt” là vì thế. Do vậy, đã từ lâu chủ đề này trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, trong đó có khoa học lịch sử.
    Hiện nay, dưới tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, diện mạo của thôn làng, xóm ngõ . có nhiều biến đổi. Trong quá trình hội nhập, những yếu tố văn hoá ngoại quốc đang có xu thế lấn át và làm mai một đi những yếu tố văn hoá cổ truyền. Vậy làm thế nào để chọn lọc, giữ gìn và phát huy được các giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống, trong đó có hệ thống chùa làng. Đây là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta quan tâm. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu khoa học xã hội.
    Từ lâu hệ thống chùa Việt Nam nói chung và hệ thống chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, tìm hiểu đề tài này ở một địa phương cụ thể thì chưa có nhiều, nhất là các địa phương khu vực trung du miền núi lại càng ít hơn. Thái Nguyên là

    tỉnh nằm ở trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc, cửa ngõ nối liền với vùng châu thổ Bắc Bộ, là địa bàn chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng. Việc đi sâu nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết hệ thống chùa làng ở đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa được quan tâ m sâu sắc.
    Chính vì vậy, qua luận văn thạc sĩ của mình, chúng tôi mong muốn được tìm hiểu toàn diện và đầy đủ hơn vấn đề còn bỏ trống đó. Việc nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương nói riêng và nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói chung, nhằm góp thêm những hiểu biết về ngôi chùa ở vùng trung du miền núi phía Bắc, thấy được sự giao thoa văn hoá giữa đồng bằng và miền núi trong tiến trình lịch sử.
    Chọn đề tài “Hệ thống chùa huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên” làm luận văn Thạc sĩ, bản thân tôi là người địa phương cũng như mọi người dân địa phương khác có nhu cầu hiểu biết về đời sống văn hoá tinh thần của người dân quê hương qua hệ thống chùa làng và mong muốn những truyền thống tốt đẹp của quê hương sẽ luôn được phát huy trong cuộc sống hiện tại.
    2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

    Ngôi chùa là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, là một trong những biểu tượng của làng xã Việt Nam truyền thống. Thêm nữa, chùa là cơ sở thờ tự của đạo Phật - một tôn giáo gắn bó với dân tộc ta từ lâu đời và có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế, chùa từ lâu là đối tượng quan tâm của các nhà nghiên cứu dưới nhiều góc độ: văn hoá dân gian, kiến trúc, điêu khắc, tôn giáo, khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử .
    Trước hết phải kể đến cuốn “Chùa Việt” của tác giả Trần Lâm Biền xuất bản năm 1996. Cuốn sách đã khái quát diễn biến của ngôi chùa Việt, phân tích văn hoá, hướng, bố cục chung và khảo tả về hệ thống tượng thờ trong chùa.

    Cuốn sách “Chùa Việt Nam” của tác giả Hà Văn Tấn là công trình kết tinh các hình ảnh và giá trị của khối di sản văn hoá và tôn giáo - tín ngưỡng, được các tác giả thể hiện tinh tế, súc tích qua bài dẫn luận công phu về toàn cảnh chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và quá trình du nhập đạo Phật ở Việt Nam. 118 ngôi chùa trong cả nước đã được phủ kín trong sách “Chùa Việt Nam”; đặc biệt thêm hai dạng chùa mới ít thấy xuất hiện là chùa miền núi và chùa miền hải đảo.
    Trong cuốn “Đình chùa, lăng tẩm nổi tiếng ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Mạnh Thường xuất bản năm 1999, tác giả đã giới thiệu các công trình kiến trúc cổ được xếp hạng cấp quốc gia trên phạm vi cả nước.
    Gần đây, đề tài chùa làng còn được nghiên cứu, thống kê dưới hình thức các cuốn địa chí hay từ điển như cuốn Từ điển di tích văn hoá Việt Nam do tác giả Ngô Đức Thọ chủ biên xuất bản năm 2003, cuốn Địa chí tôn giáo - lễ hội Việt Nam của tác giả Mai Thanh Hải xuất bản năm 2004.
    Các công trình nghiên cứu kể trên chủ yếu tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ. Việc tìm hiểu “Hệ thống chùa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” trước nay chưa được thực hiện. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực và khía cạnh khác nhau, các nhà nghiên cứu đã có đề cập tới nó một cách trực tiếp hay gián tiếp. Như cuốn “Thái Nguyên đất và người” do Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thái Nguyên xuất bản năm 2003 điểm qua một số di tích lịch sử văn hoá ở Phú Bình, cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Bình” cung cấp thêm một số tư liệu khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội, truyền thống đấu tranh bất khuất quật cường của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình, trong đó có đề cập đến một số ngôi chùa là di tích lịch sử, nơi in ấn các tài liệu cách mạng, che giấu các chiến sĩ yêu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa.
    Vì thế, tìm hiểu hệ thống chùa ở một huyện trung du miền núi Bắc Bộ -

    huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên - là mới mẻ và cần thiết. Trong quá trình

    thực hiện luận văn, chúng tôi tôn trọng thành quả của những người đi trước, tham khảo và coi đó là ý kiến gợi mở quý báu, tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục vào nghiên cứu đề tài khoa học của mình.
    3. Đối tượng, phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

    3.1. Đối tượng nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận văn là hệ thống chùa huyện Phú Bình về các khía cạnh như: niên đại ngôi chùa, các vị thần, Phật được thờ ở chùa, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của ngôi chùa . Từ đó, thấy được sự ảnh hưởng của chùa làng với đời sống văn hoá tinh thần của cư dân Phú Bình, sự giao lưu văn hoá giữa miền xuôi với miền ngược và hiện trạng của các ngôi chùa ở Phú Bình.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu

    Phạm vi nghiên cứu của luận văn bao gồm những ngôi chùa đang còn hiện diện, còn dấu ấn trong nhân dân và cả những ngôi chùa mới được xây dựng lại trên địa bàn huyện Phú Bình.
    3.3. Mục đích nghiên cứu

    Thực hiện đề tài “Hệ thống chùa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên”, chúng tôi mong muốn tìm hiểu và phản ánh được một cách khoa học, chân thực hệ thống chùa của một huyện cụ thể ở khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, để từ đó có được nhận thức sâu sắc hơn về ngôi chùa và tôn giáo thờ Phật của cư dân miền núi.
    Thực hiện đề tài này, chúng tôi còn nhằm cung cấp cho giáo viên, học sinh, cán bộ văn hoá và nhân dân địa phương một cái nhìn khách quan về văn hoá chùa làng. Từ đó, người dân có những hành động đúng về tín ngưỡng, tôn giáo, không đi chệch hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
    3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu

    - Khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội – văn hóa của huyện

    Phú Bình.

    - Tìm hiểu hệ thống chùa huyện Phú Bình

    - Tìm hiểu vai trò của chùa trong đời sống cư dân Phú Bình.

    4. Nguồn tư liệu

    - Nguồn tư liệu chung: bao gồm một số sử sách và địa chí được viết dưới các triều đại phong kiến như: Dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí, ; các sách chuyên khảo về chùa và liên quan đến chùa Việt Nam nói chung, chùa ở Thái Nguyên nói riêng. Các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: tài liệu về kiến trúc, điêu khắc dân gian, văn hoá làng xã, tôn giáo đặc biệt là đạo Phật,
    - Nguồn tư liệu điền dã: hương ước, sắc phong, thần tích, câu đối còn lưu lại trong các ngôi chùa làng. Ngoài ra, còn các tư liệu truyền miệng do các cụ cao niên ở Phú Bình cung cấp (truyện thần thoại, truyền thuyết lịch sử, những nghi lễ thờ tế).
    5. Phương pháp nghiên cứu

    Trong quá trình nghiên cứu và biên soạn luận văn, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu. Do có một số tư liệu chữ Hán nên công tác giám định tư liệu cũng được chú trọng. Với đối tượng nghiên cứu là hệ thống chùa trên địa bàn huyện Phú Bình, chúng tôi đã sử dụng phương pháp miêu tả, thống kê, tổng hợp, hệ thống hoá bằng bảng biểu, phương pháp phân loại, phương pháp đối sánh. Đồng thời, kết hợp với các phương pháp liên ngành như: điều tra xã hội học, điền dã dân tộc học,
    6. Đóng góp của Luận văn

    Đề tài “Hệ thống chùa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá cổ truyền của đồng bào các dân tộc huyện Phú Bình qua việc khảo tả hệ thống chùa trên địa

    bàn huyện và đánh giá ảnh hưởng của nó với đời sống văn hoá tinh thần của cư dân địa phương. Từ đây, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước và trách nhiệm đối với việc bảo tồn các giá trị văn hoá cho các thế hệ người dân Phú Bình.
    7. Cấu trúc của luận văn

    Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận, phần Nội dung của luận văn được chia thành 3 chương.
    Chương 1: Khái quát về huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
    Chương 2: Hệ thống chùa huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên
    Chương 3: Vai trò của chùa trong đời sống cư dân Phú Bình
    Ngoài ra trong luận văn còn có các phần: Tài liệu tham khảo, Phụ lục

    và Mục lục.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...