Thạc Sĩ Hành động bác bỏ trong tiếng Việt

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Hành động bác bỏ trong tiếng Việt​
    Information
    MS:LVNNH028
    SỐ TRANG:111
    TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
    CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC
    NĂM: 2010



    Information


    DẪN NHẬP
    1. Lý do chọn đề tài

    Giao tiếp là hoạt động đặc trưng của con người, là cách thức để các cá nhân trong cộng
    đồng gắn kết và phát triển. Trong xã hội hiện đại, giao tiếp ngày càng đóng vai trò quan trọng. Cùng
    với sự phát triển không ngừng của các liên ngành và một số phân ngành ngôn ngữ học như Ngôn
    ngữ học tâm lý, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tri nhận, Ngữ dụng học v.v , việc nghiên cứu
    những vấn đề liên quan đến giao tiếp trở thành một yêu cầu cấp thiết không chỉ của lý thuyết các
    ngành khoa học mà còn của nhu cầu thực tế. Hành động bác bỏ là một trong những hành động giao
    tiếp phổ biến và thông dụng của con người. Nó thúc đẩy tính hiệu quả và chuyển tải mong muốn đạt
    được một nhu cầu nào đó trong giao tiếp. Do đó, nghiên cứu loại hành động này sẽ có nhiều ý nghĩa
    thực tiễn và lý luận hữu ích để nghiên cứu các vấn đề khác có liên quan của hoạt động giao tiếp.
    Mặt khác, xã hội càng phát triển, các mối quan hệ giao tiếp liên nhân ngày càng trở nên
    phong phú về nội dung, phức tạp về cấu trúc, đa dạng về hành vi, đòi hỏi mỗi một cá nhân cần phải
    biết cách vận dụng để xử lý khéo léo các nguồn thông tin được tiếp nhận. Bên cạnh hành động chấp
    thuận, đồng tình được sử dụng một cách dễ dàng, tự nhiên, hành động bác bỏ lại chứa đựng nhiều
    yếu tố tinh tế, phức tạp. Đây là hành động giao tiếp cần thiết trong các cuộc hội thoại; nắm vững và
    sử dụng nhuần nhuyễn những hành động ngôn từ này sẽ giúp người giao tiếp đạt được hiệu quả giao
    tiếp cao hơn.
    Vấn đề nghiên cứu hành động bác bỏ thực ra không còn quá mới mẻ. Đã có một số công
    trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn mang tính chất riêng lẻ, chỉ
    xuất hiện rải rác trong những công trình nghiên cứu về ngữ pháp học, ngữ dụng học. Trên cơ sở sự
    quan tâm sẵn có đối với đề tài, thực trạng nghiên cứu hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu
    toàn diện về vấn đề này, chúng tôi đã chọn hành động bác bỏ tiếng Việt làm đề tài cho luận văn cao
    học.

    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của chúng tôi là những hành động bác bỏ được sử dụng trong
    môi trường giao tiếp bằng ngôn ngữ, trong hội thoại giữa người và người. Để củng cố thêm những
    nhận định và tính xác thực, chúng tôi sử dụng hệ thống dữ liệu trong các văn bản hội thoại hiện đại,
    các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài của một số tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, môi trường
    giao tiếp không chỉ đơn thuần liên quan tới yếu tố ngôn ngữ, mà còn có thể xuất hiện một số yếu tố
    phi ngôn ngữ khác như điệu bộ, cử chỉ, hành động nên những hành động thể hiện nhận định hoặc
    hành động bác bỏ phi lời cũng là đối tượng nghiên cứu bổ sung của chúng tôi.
    Do giới hạn của đề tài, chúng tôi không đi sâu vào việc đi tìm đặc trưng văn hóa trong hành
    động bác bỏ, hay đối chiếu hành động bác bỏ giữa các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau mà chỉ tập
    trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, tìm hiểu những phương thức, phương tiện bác bỏ đặc trưng
    được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng đi tìm một quan niệm
    thống nhất về hành động bác bỏ vốn đang ít nhiều gây tranh cãi trong giới ngôn ngữ học ngày nay.

    3. Lịch sử vấn đề

    Trước khi đi vào tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề hành động bác bỏ, chúng tôi không thể
    không đề cập đến lịch sử nghiên cứu hành động ngôn ngữ - tiền đề lý thuyết quan trọng nhất của đối
    tượng nghiên cứu.
    Lý thuyết hành động ngôn từ, hay còn gọi là lý thuyết hành động lời nói được đánh cột mốc
    ra đời kể từ công trình nghiên cứu “Những cơ sở lý thuyết của ký hiệu” (1938) của nhà ký hiệu học
    Mỹ Charles W. Morris. Lần đầu tiên ông đã xem xét ký hiệu trên ba bình diện: Kết học, Nghĩa học
    và Dụng học (tức Ngữ dụng học). Tuy nhiên, Ngữ dụng học chỉ phát triển rực rỡ trong vòng ba thập
    niên gần đây. Sự phát triển của nó kéo theo sự phát triển của các lý thuyết mới như Lý thuyết hành
    động ngôn từ.
    Nếu Morris là người khởi xướng những tiền đề nghiên cứu thì chính John L.Austin là người
    đã xây dựng nền móng cho lý thuyết hành động ngôn từ với công trình được công bố sau khi ông
    qua đời hai năm “How to do things with words”. Tên gọi của công trình đã hé mở cho chúng ta thấy
    lý thuyết hành động ngôn từ chính là lý thuyết về các hoạt động ngôn ngữ, trong đó, tác giả đã điều
    chỉnh lại một cách sâu sắc mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói vốn được tách bạch từ thời của
    Ferdinand de Saussure.
    Hành động bác bỏ được Austin xếp vào lớp lớn thứ năm trong năm lớp lớn: 1. Phán xét; 2.
    Hành xử; 3. Cam kết; 4. Ứng xử; 5. Bày tỏ. Ông coi bác bỏ, cũng như khẳng định, phủ định, giải
    thích, minh họa, báo cáo, luận điểm là những hành động dùng để trình bày các quan niệm, dẫn dắt
    các lập luận, giải thích từ ngữ, đảm bảo sự quy dẫn. Sự phân loại này, ngay chính Austin cũng cảm
    thấy còn có những điều không thỏa mãn, có chỗ chồng chéo, có chỗ mơ hồ không rõ ràng. Searle
    bằng cách bổ sung thêm tiêu chí về nội dung, lại phân chia hành động bác bỏ này vào lớp thứ ba
    được gọi là lớp chi phối, song song với các hành động như mệnh lệnh, thách thức, hỏi, yêu cầu, đề
    nghị v.v
    Từ thời Aristotle, hành động phủ định, bác bỏ đã được chú ý nghiên cứu, nhưng dưới góc
    nhìn của của Triết học và Logic học. Phải đến những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây, hành động
    bác bỏ mới được xem như một trong những đối tượng nghiên cứu của Ngữ dụng học- một phân
    ngành của Ngôn ngữ học và dần được đề cập trong các công trình nghiên cứu độc lập.
    Panfilov trong công trình Grammar and Logic đã tiến hành khảo sát hành động phủ định
    theo hướng logic-cú pháp và nhận định sự phủ định như một hiện tượng ngôn ngữ phổ quát. A. M.
    Peshkovsij là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ câu phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận. Ông cho
    rằng câu phủ định toàn bộ là câu mà vị ngữ bị phủ định, câu phủ định bộ phận là câu mà những bộ
    phận khác bị phủ định.
    Tại Việt Nam, trước đó trong ngôn ngữ học truyền thống, câu biểu thị hành động bác bỏ
    được xem như một dạng câu song song bên cạnh những dạng như miêu tả, khẳng định, trần thuật ,
    đôi khi nó được đồng nhất với câu phủ định. Lúc bấy giờ, câu chỉ được đánh giá là đúng hay sai về
    mặt ngữ nghĩa theo tiêu chuẩn logic, và được phân tích chủ yếu dựa trên cơ sở cấu trúc hoặc những
    khái niệm về chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ v.v Những trợ từ, tiểu từ bị xem nhẹ và được coi
    là những từ hư. Vì thế, những dạng câu như:
    - Con ở nhà.
    - Con ở nhà chứ bộ.
    - Con ở nhà mà.
    đều được coi là đồng nhất về cấu trúc và ngữ nghĩa. Do đó, các công trình nghiên cứu về hành động
    bác bỏ theo quan điểm này hầu không có nhiều ý nghĩa, vì phần đông các câu có hành động bác bỏ,
    hoặc bị đồng nhất vào những kiểu cấu trúc nhất định, hoặc không được nghiên cứu đến. Sau này,
    khi đối tượng nghiên cứu được tiếp cận dưới những nền tảng lý thuyết mới của logic học, ngữ dụng
    học, hành động bác bỏ dần được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu.
    Hầu hết các công trình ngữ pháp, ngữ nghĩa trong giới Việt ngữ học đều đề cập ít nhiều đến
    một đối tượng rất gần gũi và có khi thống nhất với hành động bác bỏ là câu phủ định. Từ Trần
    Trọng Kim, Lê Văn Lý, Hoàng Tuệ, Nguyễn Đức Dân, Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê tới
    Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thị Hai đều đề cập đến đối tượng nghiên cứu
    này.
    Công trình nghiên cứu có ý nghĩa lý thuyết quan trọng phải kể đến là bài viết “Phủ định và
    bác bỏ” của Nguyễn Đức Dân đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 1-1983 và sau này được đề cập hoàn
    chỉnh hơn trong công trình Logic- Ngữ nghĩa- Cú pháp. Tác giả là người đầu tiên có xu hướng xác
    định ranh giới giữa phủ định và bác bỏ, phần nào phá bỏ thế nhập nhằng trước đây về hai loại hành
    động này. Các tác giả khác, với những cách tiếp cận khác nhau, ít nhiều đề cập đến những mặt đa
    diện về phương thức và cách thức của loại hành động này. Tiêu biểu có Hành động từ chối trong
    tiếng Việt hiện đại của Nguyễn Thị Hai, Cách biểu hiện hành động từ chối lời cầu khiến bằng các
    phát ngôn lảng tránh của Trần Chi Mai. Một số khác lại chú trọng vào việc nghiên cứu chiến lược
    dùng trong giao tiếp như Một số chiến lược phản bác thường dùng trong tiếng Việt của Nguyễn
    Quang Ngoạn, Một số kiểu hồi đáp tích cực của hành vi chê của Nguyễn Thị Hoàng Yến. Đi theo
    con đường đối chiếu có các tác giả như Dương Bạch Nhật, Siriwong Hongsawan. Nếu Dương Bạch
    Nhật chỉ tiến hành đối chiếu một khía cạnh nhỏ của hành động bác bỏ (khía cạnh lịch sự trong từ
    chối lời mời) thì Siriwong Hongsawan trong bài báo “Đối chiếu hành động bác bỏ gián tiếp thông
    qua hàm ý trong giao tiếp tiếng Thái và tiếng Việt” đã chủ trương đi sâu nghiên cứu phương thức
    bác bỏ bằng hàm ý, cụ thể ở đây là đối chiếu giữa tiếng Thái và tiếng Việt.
    Vấn đề của lập luận và lịch sự cũng được khá đông các nhà nghiên cứu quan tâm như
    Nguyễn Đức Dân, Lê Thị Kim Đính, Lê Tô Thúy Quỳnh, Dương Bạch Nhật, Nguyễn Như Ý,
    Nguyễn Thị Hoàng Yến Ngoài các công trình dưới dạng sách, báo, tạp chí, một số luận án, luận
    văn cao học viết về bác bỏ, lập luận, lịch sự cũng đã xuất hiện.
    Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy, hành động bác bỏ không phải là một đề tài mới mà đã
    được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận ở các góc độ cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, chưa có một công
    trình nào xem xét hành động này một cách toàn diện dưới góc độ Ngữ dụng học, và tìm hiểu đầy đủ
    những phương thức và phương tiện biểu hiện hành động này. Đó cũng chính là cơ sở để chúng tôi
    quyết định bắt tay vào thực hiện đề tài.

    4. Các phương pháp nghiên cứu

    Để thực hiện đề tài, ngoài những thủ pháp, phương pháp nghiên cứu khoa học chung như
    thu thập ngữ liệu, phân loại ngữ liệu , luận văn sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu sau.
    - Phương pháp phân tích ngữ dụng học. Trên cơ sở nguồn dữ liệu đã thu thập, chúng tôi tiến
    hành thao tác phân tích từng cơ sở dữ liệu về các mặt như mục đích phát ngôn, hành động
    ngôn từ, hình thức biểu hiện, ngữ cảnh v.v nhằm đem lại những nhận định có tính xác thực
    và khái quát nhất của từng vấn đề. Đây cũng là cơ sở giúp chúng tôi tiến hành xây dựng các
    biểu thức bác bỏ thông qua hệ thống dữ liệu thu thập được.
    - Phương pháp miêu tả. Vì đối tượng nghiên cứu là dạng hành động ngôn từ phổ biến và tồn
    tại trong giao tiếp, do đó trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phải tiến hành mô tả các dạng
    hành động bác bỏ từ hiện tượng tới bản chất, những nội dung rút ra từ miêu tả sẽ là cơ sở để
    chúng tôi xây dựng các tiêu chí phân loại cũng đồng thời giúp chúng tôi giải thích, minh họa
    cho các nhận định của mình.
    - Phương pháp so sánh - đối chiếu. Chúng tôi tiến hành so sánh - đối chiếu trên cơ sở dữ liệu
    và giữa các quan điểm nghiên cứu. Đối với dữ liệu, chúng tôi tiến hành đối chiếu từng dữ
    liệu với nhau, hoặc giữa nhóm dữ liệu này với nhóm dữ liệu khác, từ đó tìm ra những điểm
    khác biệt hoặc tương đồng về hình thức hoặc nội dung, trên cơ sở đó có thể rút ra các nhận
    định cần thiết. Việc đối chiếu bổ sung với một số hành động bác bỏ của các nền văn hóa khác
    cũng là một cách thức để chúng tôi đi tìm bản sắc riêng trong hành động bác bỏ của tiếng
    Việt.

    5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

    a) Ý nghĩa khoa học
    - Vận dụng những thành tựu về lý thuyết ngữ dụng học nói chung và lý thuyết hành động ngôn
    từ, lý thuyết hội thoại, lý thuyết lập luận nói riêng vào việc khảo sát một hành động ngôn từ
    cụ thể là hành động bác bỏ trong tiếng Việt.
    - Xác định rõ khái niệm bác bỏ, phân biệt với các hành động ngôn từ khác trong giao tiếp.
    - Kết quả của luận văn có thể góp phần làm rõ hơn một số vấn đề lý thuyết như phương thức
    bác bỏ, mối quan hệ giữa hành động bác bỏ với vấn đề lập luận, vấn đề lịch sự.
    b) Ý nghĩa thực tiễn
    - Luận văn có thể là tài liệu hỗ trợ cho quá trình học và dạy tiếng Việt trong nhà trường.
    - Luận văn có thể là tài liệu tham khảo về các chiến thuật trong giao tiếp, về hành động bác bỏ.
    - Hệ thống cứ liệu, tuy không đồ sộ về quy mô, nhưng đã được chọn kỹ lưỡng để người đọc có
    thể hình dung về các phương thức, cách bác bỏ khác nhau trong tiếng Việt.
    - Tư liệu và nội dung của luận văn này, có thể là tài liệu tham khảo cho các công trình khác
    liên quan về ngữ dụng học, đặc biệt là các công trình có liên quan tới hành động bác bỏ.

    6. Bố cục của luận văn

    Luận văn bao gồm 133 trang chính văn, một danh mục các tài liệu tham khảo và tài liệu
    trích dẫn, một phụ lục gồm 70 trang. Phần nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương.
    Chương Một có tiêu đề Những cơ sở lý thuyết. Trong chương này, luận văn trình bày ba
    vấn đề lớn: lý thuyết hành động ngôn từ; lý thuyết hội thoại; tổng quan về hành động bác bỏ bao
    gồm các tiêu chí phân biệt bác bỏ và phủ định, khái niệm, mục đích của hành động bác bỏ.
    Chương Hai có tiêu đề Hành động bác bỏ trong tiếng Việt và vấn đề lịch sự, vấn đề lập
    luận. Chương này nghiên cứu về mối quan hệ qua lại giữa bác bỏ và lịch sự, bác bỏ và lập luận,
    cách thức để tăng hiệu quả và thể hiện sự lập luận cũng như lịch sự trong bác bỏ.
    Chương Ba có tiêu đề Phương thức, phương tiện biểu hiện của hành động bác bỏ trong
    tiếng Việt. Chương này nghiên cứu về những phương thức thực hiện hành động bác bỏ, và các
    phương tiện hình thức và biểu thức được sử dụng để bác bỏ.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...