Luận Văn Hán văn Việt Nam thời Lê Tây Sơn

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Giới thiệu
    ​Chúng ta biết rằng, vào cuối đời Trần, đạo Thiền đã bắt đầu suy yếu. Các chùa chiền xây dựng khắp nơi xa hoa, hao người tốn của, các sư sãi thì thất học thiển cận. Đàm Sĩ Mông và Trương Hán Siêu là những người đầu tiên đã kích đạo Phật thời ấy (xem thơ văn Lý Trần, tập 1 và 2). Giữa lúc này Nho học có mầm mống từ trước được chấn hưng và mạnh dần lên. Từ đời Trần Thái Tông đã có khoa thi Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) chọn Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Tầng lớp Nho sĩ bắt đầu xuất hiện và ngày một đông. Chế độ tập ấm bắt đầu được thay thế bằng chế độ cử tử. Đoàn Nhữ Hài là người đầu tiên thuộc tầng lớp bình dân do đỗ Tiến sĩ mà được làm quan đến chức tương đương Tể tướng. Nghề khắc ván in bắt đầu từ sư Tín Học chuyên khắc kinh Phật lúc này cũng được khắc in Tứ thư, Ngũ kinh. Đời Phế đế (1384) một thư viện được lập trên núi Lạn Kha cạnh chùa Phật tích (thuộc Bắc Ninh ngày nay), danh Nho Trần Tôn được cử làm viện trưởng và dạy học trò.
    Đời Hồ Quý Ly việc đào tạo Nho sĩ được chú trọng hơn, họ Hồ gắn đạo Nho với thực tế, chống lại tư tưởng viển vông, nói suông của Tống nho. Ông cho dịch tứ thư, ngũ kinh sang chữ Nôm và viết lời tựa mới, chống cách giải thích của Chu Hy, Trình Hiệu. Hồ Quý Ly cho đưa môn toán pháp vào kỳ thi hương, ra dụ khuyến học và ra lệnh tổ chức các trường học từ Phủ, Huyện trở lên. Nhiều Nho sĩ danh tiếng như Nguyễn Trãi đều xuất thân từ các khoa thi đời Hồ.
    Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhà nước phong kiến Việt đạt đến giai đoạn cực thịnh. Nền kinh tế đại điền trang thời Lý- Trần lúc này thực sự được thay thế bằng nền kinh tế tư hữu ruộng đất. Chính người anh hùng Lê Lợi xuất thân từ tầng lớp địa chủ bình dân đến khi thắng quân Minh đã chăm lo xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền, định ra phép quân điền, tuy tư điền lúc này vẫn còn ít hơn so với công điền. Nhưng phương thức sản xuất tư nhân canh tác thời này đã đánh dấu một bước tiến bộ, làm nổi bật vai trò và địa vị xã hội của các tầng lớp bình dân. Đến đời Lê Nho học đã hoàn toàn chiếm ưu thế. Việc thi cử đã bắt đầu ổn định, Lê Thái Tổ tổ chức kỳ thi đặc biệt là Minh Kinh và Hoành Từ, thí sinh có nhiều Thái Học Sinh đời Trần như Triệu Thái, Trình Thuấn Du, Phan Phu Tiên. Từ Lê Thánh Tông, việc thi cử đã được quy định chặt chẽ và thường xuyên, số lượng cử nhân, tiến sĩ đời Lê tăng lên rất nhiều, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Lương Thế Vinh, Lê Đức Mao, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung những người sáng tác Hán văn từ đời Hậu Lê đến đời Quang Trung đều là các Nho sĩ được đào tạo từ sân Trình cửa Khổng nên Hán văn mà họ sử dụng có ít yếu tố khẩu ngữ hơn thơ văn Thiền đời Lý, Trần mà họ thường dùng văn ngôn trong các Kinh, Sử, Tử, Tập và thơ văn thời Đường Tống của người Hán.
    Hán văn Việt Nam trong giai đoạn này cũng không sao chép y nguyên cách hành văn cũng như các thể tài của người Hán. Người Việt Nam có những thay đổi, sáng tạo riêng cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Trước nhất về thơ, các nhà sáng tác thường làm thơ Đường luật vì họ được đào tạo cách làm thơ này trong khoa cử. Ngay từ buổi sơ học họ đã được dạy cách viết câu đối mà câu đối phải sử dụng đến cách đối thanh và đối ý, phải có cảm thức rõ rệt về bằng trắc, từ loại. Thơ chữ Hán- Việt Nam lấy âm Hán Việt làm cơ sở ngữ âm, mà âm Hán Việt lại xuất phát và rất ăn khớp với âm Hán đời Đường, do đó mà người Việt Nam làm thơ Đường luật bằng âm Hán Việt dễ dàng hơn nhiều so với người Nhật và người Triều Tiên, vì tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên không có thanh điệu nên sự phân biệt của họ về bằng trắc rất khó khăn. Hơn nữa tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên lại là các ngôn ngữ chắp dính, trong từ vựng có nhiều từ đa tiết nên kỹ thuật phân câu thành mỗi dòng 7 chữ hay 5 chữ cũng gặp khó khăn hơn người Việt. Ngoài thơ Đường luật nhiều danh gia còn sáng tác các thể thơ cổ thể vốn có trước đời Đường, các thể thơ nhạc phủ như Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi nhưng những bài thơ này không có vận luật gò bó, chặt chẽ, chỉ cốt nghe thuận tai, hài hoà là được. Thể tài thì có rất nhiều loại ít dùng ở người Hán nhưng lại rất thông dụng ở người Việt như: Ngẫu đề, ngẫu hứng, mạn hứng, ngụ hứng, hữu cảm, tức sự, vô đề vv.
    Sau thơ, phú cũng sáng tác nhiều. Đời Trần phú thường viết theo thể văn phú lưu thuỷ như: Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi. Từ đời Lê, các bài luật phú được phát triển nhiều hơn như: Xương Giang phú, Chí Linh sơn phú cũng như thơ Đường luật, lụât phú cũng được rèn luyện từ trong khoa cử. Mỗi kỳ thi hương, cử tử đều phải làm một bài luật phú. Và cũng nhờ ở vần và sự đối lập bằng trắc trong thanh điệu Hán- Việt mà người Việt Nam làm phú Đường luật thành thạo không kém gì người Hán.
    Ngoài thơ phú ra, một số thể loại như cáo, bi ký, chế, chiếu, biểu, dụ Ở người Hán có thể viết bằng văn xuôi nhưng ở Việt Nam những bài đó lại thường và có thể viết bằng biền văn như Bình Ngô đại cáo, Biểu tạ ơn của Nguyễn trãi Điều ấy làm cho biều văn trong Hán văn Việt Nam có một khối lượng khá phong phú. Ngoài biền văn thuần túy ra, có nhiều bài còn pha trộn cả biền văn và văn xuôi vào với nhau như bài Trung tân quán bi ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trích diễm thi tập tự của Hoàng Đức Lương.
    Tản văn chữ Hán ở Việt Nam nếu đời Trần chỉ thưa thớt có vài tác phẩm như Phổ thuyết sắc thân, thiền uyển tập anh và một vài bộ sử nay đã thất truyền như Việt chí của Trần Phổ, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, vv. Thì sang đời Lê tản văn chữ Hán đã được phát triển mạnh mẽ. Ngay khi còn chống giặc Minh, Nguyễn Trãi đã soạn thảo Quân trung từ mệnh tập và sau đó là Dư địa chí. Thời đầu Lê đã có Lĩnh Nam trích quái, Việt điện u linh (tuy cả hai sáng tác đời Trần nhưng người sưu tập đã viết lại ở đời Lê), Thánh Tông di thảo, các bài thi tự, Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và cuối cùng là cuốn tiểu thuyết kiêm sử ký đồ sộ Hoàng Lê nhất thống chí. Những tác phẩm tản văn này tuy dùng ngôn ngữ của người Hán nhưng hành văn giản dị hơn, có pha các từ Hán Việt riêng của người Việt và chỉ sử dụng một số lượng hữu hạn những hư từ đơn giản, cần và đủ.
    Bài viết này, không phải là một bài khảo luận về văn học sử, tư tưởng sử. Vì thế, cũng không thể bao quát hết được mọi tác phẩm Hán văn có giá trị nhất của một thời kỳ. Chúng tôi chỉ mong giới thiệu được một giai đoạn Hán văn trong sự phát triển của Hán văn Việt Nam nhằm tìm hiểu sâu hơn một số phương diện về từ vựng, ngữ pháp, thể tài, loại hình, văn phong vv.
    Do yêu cầu ấy nên các bài giới thiệu trong giáo trình này không nhất thiết phải trình bày theo một thể lệ thống nhất. Tuỳ theo độ dài ngắn, mức độ dễ khó của mỗi bài mà có bài xếp chữ Hán, phiên âm, nghĩa của mỗi từ liền vào nhau kèm theo đó là phần chú giải một số điển cố điển tích. Tóm lại, tuỳ theo yêu cầu của từng bài mà mỗi bài có những cách trình bày khác nhau.
    Những bài trích trong tập giáo trình này cũng không phải là những bài nổi tiếng nhất, hay nhất về giá trị văn học, lịch sử hay triết học, hay trích lục từ những bài của các tác gia nổi tiếng nhất và tiêu biểu nhất. Nó là sự tổng hợp có nhân nhượng tất cả những yêu cầu khác nhau miễn sao cho người học có thể nắm được Hán văn Việt Nam ở một thời kỳ lịch sử vv.
    Tóm lại, việc học tập Hán văn phải gắn với việc học tập nhiều bộ môn liên ngành. Vì thế, việc tự học là rất quan trọng. Tập giáo trình này được biên soạn cho sinh viên chuyên ngành Hán Nôm năm thứ 3, trong này chắc hẳn còn nhiều thiếu sót. Mong anh chị em sinh viên đóng góp những ý kiến trong khi học tập và nghiên cứu.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...