Thạc Sĩ Giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Quyền con người, quyền công dân là những yếu tố cơ bản, nền tảng của một xã hội dân chủ, văn minh. Tư tưởng về quyền con người (nhân quyền) đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử nhân loại; nhưng không phải trong bất cứ hình thái kinh tế - xã hội nào, trong bất cứ kiểu Nhà nước nào nó cũng tồn tại và được thừa nhận một cách đầy đủ. Vì thế, quyền con người là một phạm trù lịch sử và là kết quả của cuộc đấu tranh không ngừng của toàn nhân loại vươn tới những lý tưởng, giải phóng hoàn toàn con người nhằm xây dựng một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, nhân đạo.
    Giai cấp tư sản khi thực hiện cách mạng tư sản, đã coi nhân quyền như một vũ khí của mình để tranh giành quyền lực với giai cấp phong kiến và để tập hợp lực lượng trong xã hội; do đó từ thế kỷ XVIII vấn đề nhân quyền đã được giai cấp tư sản đề cập đến như Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1789, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789.
    Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị đập tan năm 1945, vấn đề nhân quyền đã trở thành mối quan tâm của cả Nhà nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nên khi tổ chức Liên Hợp Quốc ra đời thì vấn đề cơ bản, đầu tiên của tổ chức này là vấn đề nhân quyền. Nhân quyền đã trở thành vấn đề quan trọng, thường xuyên được đề cập đến trong quan hệ quốc tế. Liên Hợp Quốc đã ban hành hàng loạt các văn kiện khẳng định các quyền và tự do của tất cả mọi người, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 thì vấn đề nhân quyền đã chuyển sang một bước ngoặt mới trong lịch sử nhân loại, trở thành một quan hệ cơ bản được điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế.
    Đến nay quyền con người đã được ghi nhận, khẳng định trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
    Ở Việt Nam, kể từ khi giành được độc lập (năm 1945), Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền con người. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 được coi là một văn kiện có tính lịch sử trên phương diện quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở đó, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước ta: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Điều 50 Hiến pháp năm 1992 của nước ta khẳng định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng và bảo đảm thực hiện". Gần đây nhất, vấn đề nhân quyền đã được tiếp tục khẳng định trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia" [35, tr. 134].
    Vấn đề nhân quyền có vai trò quan trọng như vậy, nên nhiều nước trên thế giới coi trọng việc giáo dục nhân quyền nhằm làm cho mỗi con người ý thức biết tôn trọng quyền của người khác và tự mình biết bảo vệ quyền của mình. Năm 1978 UNESCO cũng đã triệu tập Hội nghị quốc tế về giáo dục nhân quyền tại Viên (Thủ đô nước Áo) để phát triển hơn nữa những lý do cho việc giáo dục nhân quyền. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị công nhận rằng: "Giáo dục nên làm cho mỗi cá nhân thấy quyền của mình, đồng thời họ cũng phải biết tôn trọng những quyền của người khác", và đến 23/12/1994, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bằng Nghị quyết số 49/184 đã chính thức tuyên bố: "Thập kỷ giáo dục nhân quyền bắt đầu từ 1/1/1995 đến 1/1/2004".
    Nước ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì việc giáo dục nhân quyền lại càng có ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết, nhằm làm cho Việt Nam sớm hội nhập với thế giới và khu vực, góp phần xây dựng nền văn hóa nhân quyền toàn cầu. Thực hiện được điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã hưởng ứng, tham gia có hiệu quả "Thập kỷ giáo dục nhân quyền" của Liên Hợp Quốc.
    Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn trên đây, việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, đánh giá những thành tựu, ưu điểm đã đạt được và làm rõ những khuyết điểm tồn tại của vấn đề giáo dục nhân quyền; đồng thời xác định phương hướng, nội dung, phương pháp tiếp tục thực hiện giáo dục nhân quyền trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách.
    2. Tình hình nghiên cứu
    - Vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân đã được Liên Hợp Quốc, các nhà khoa học pháp lý nước ta và thế giới quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng giáo dục pháp luật đã bao hàm cả giáo dục quyền con người, quyền công dân nên các nhà luật học nước ta mới chỉ tập trung nghiên cứu về giáo dục pháp luật mà chưa quan tâm nghiên cứu vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân như là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, riêng biệt. Vì thế thời gian qua, ở nước ta đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về giáo dục pháp luật như: "Giáo dục ý thức pháp luật với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa", luận án Phó tiến sĩ của Trần Ngọc Đường; "Ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa và giáo dục pháp luật cho nhân dân lao động (ở Việt Nam)", luận án Phó tiến sĩ của Nguyễn Đình Lộc; "Giáo dục pháp luật cho nhân dân" của Nguyễn Ngọc Minh (Tạp chí Cộng sản, số 10, 1983); "Giáo dục ý thức pháp luật để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng con người mới" của Phùng Văn Tửu (Tạp chí Giáo dục lý luận, số 4, 1985); "Giáo dục ý thức pháp luật" của Nguyễn Trọng Bình (Tạp chí Xây dựng Đảng, số 4, 1989); "Cơ sở khoa học của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật" đề tài khoa học cấp nhà nước, mã số 07-17 do Viện Nhà nước - Pháp luật thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn chủ trì; "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới", đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 92-98-223ĐT của Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp; "Tìm kiếm mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong một số dân tộc ít người" đề tài khoa học cấp bộ của Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý; "Giáo dục pháp luật trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (không chuyên luật) ở nước ta", luận án Phó tiến sĩ của Đinh Xuân Thảo; "Giáo dục pháp luật qua hoạt động tư pháp ở Việt Nam", luận án Phó tiến sĩ của Dương Thị Thanh Mai; "Giáo dục pháp luật cho dân tộc Khơme - Nam Bộ (qua thực tiễn tỉnh An Giang)", luận án Thạc sĩ của Lê Văn Bền; "Bàn về giáo dục pháp luật" sách của Trần Ngọc Đường - Dương Thị Thanh Mai; "Xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật" sách của Đào Trí Úc chủ biên; "Một số vấn đề về phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay" của Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp; "Đổi mới giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường chính trị ở nước ta hiện nay", Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; "Thực trạng và phương hướng đổi mới giáo dục pháp luật hệ đào tạo trung học chính trị ở nước ta hiện nay", luận văn Thạc sĩ của Đặng Ngọc Hoàng .
    Trong khi đó vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân mới chỉ được nghiên cứu ở mức độ rất hạn chế. Đến nay chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu vấn đề này một cách có hệ thống, đầy đủ; nên số lượng các công trình nghiên cứu chưa nhiều và cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ các bài viết, như: "Giáo dục nhân quyền hướng tới thế kỷ XXI" của Tường Duy Kiên (Tạp chí Thông tin Khoa học thanh niên, số 4, 1997).
    Vì vậy, có thể nói, luận văn này là công trình đầu tiên trình bày tương đối có hệ thống về vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.
    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    3.1. Mục đích nghiên cứu

    Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn của vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân để đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác giáo dục quyền con người - quyền công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.
    3.2. Nhiệm vụ của luận văn
    - Làm rõ cơ sở lý luận về giáo dục quyền con người, quyền công dân.
    - Đánh giá thực trạng giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay.
    - Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác giáo dục quyền con người, quyền công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở
    Việt Nam.
    4. Giới hạn nghiên cứu của luận văn
    Luận văn tập trung vào vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay, qua khảo sát thực tiễn vấn đề này ở nước ta thời gian qua.
    5. Cái mới của luận văn
    - Là công trình chuyên khảo nghiên cứu tương đối có hệ thống về giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay.
    - Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, tính đặc thù của giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
    - Đánh giá thực trạng và phân tích nguyên nhân, làm hạn chế hiệu quả giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta trong thời gian qua; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện tốt vấn đề giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
    6. Phương pháp nghiên cứu
    - Luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền với quyền con người, quyền công dân, về giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta.
    Luận văn đặc biệt coi trọng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu nhà nước pháp quyền với việc giáo dục quyền con người - quyền công dân; sử dụng phương pháp thống kê, hệ thống, so sánh, phân tích, tổng hợp để đánh giá thực trạng giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay nhằm phân tích, luận chứng một cách khoa học khi đề ra sự cấp thiết, phương hướng, giải pháp tăng cường giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta.
    7. Kết cấu luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia làm 3 chương, 8 tiết
     
Đang tải...