Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: B2012–37-07NV
    Chủ nhiệm đề tài: GS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
    Các thành viên tham gia: PGS. TS Nguyễn Dục Quang
                                            ThS. Kiều Thị Bích Thủy
                                                PGS. TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng
                                                CN. Võ Quỳnh Anh
                                                PGS. TS. Đỗ Thị Bích Loan  

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển đất nước 05 năm (2011-2015) về lĩnh vực văn hóa (VH) là: 'Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại'. Điều này cũng được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ bổ sung năm 2011 'Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao'. ' . Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền VH và con người Việt Nam'. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Đảng ta vẫn xác định một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng là duy trì, kế thừa, phát huy bản sắc VHTT Việt Nam và văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ giao lưu và tiếp nhận thường xuyên những tinh hoa văn hoa tiến bộ của nhân loại và đề cao vai trò của giáo dục đối với việc duy trì nền VH này.

    Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa đã làm thay đổi mạnh mẽ điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam từ truyền thống và khép kín sáng hiện đại và hội nhập, đồng thời tác động đến hệ thống các giá trị VHTT của dân tộc. Trong đời sống xã hội, đã xuất hiện những quan niệm mới, cách nhìn mới về VH xã hội, con người, về các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và các giá trị đạo đức . Thực tiễn này đòi hỏi nhà trường phải quan tâm hơn đến việc giáo dục thế hệ trẻ biết hòa nhập, tiếp thu tinh hoa VH nhân loại trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị VHTT dân tộc. Hoạt động này phải được làm ngay từ trong nhà trường, thông qua nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục để tạo môi trường đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam vừa bắt kịp các tinh hoa văn hóa chung của nhân loại vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng đậm đà truyền thống dân tộc.

    Trong nội dung dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường Việt Nam hiện nay, giáo dục VHTT dân tộc đã được đưa thành một nội dung giáo dục quan trọng. Một số giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và quốc tế đã được đưa vào nhiều bài học ở các môn học và hoạt động giáo dục của trường phổ thông các cấp tiểu học, THCS và THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc giáo dục VHTT ở trường phổ thông trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số bất cập như chưa cập nhật được với những thay đổi của văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, chưa bắt kịp những đổi mới trong phương pháp, cách thức giáo dục văn hóa của KHGD dục hiện đại. Vì thế dự thảo Đề án đổi mới Chương trình, SGK GDPT sau năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: 'Chương trình GDPT phải đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục hệ thống giá trị tích cực cho học sinh theo hướng phát triển toàn diện nhân cách: bảo tồn các giá trị cao đẹp của truyền thống, tiếp nhận, hấp thu, chuyển hóa các giá trị mới một cách thích hợp; chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng nhân ái, tính trung thực và tinh thần dũng cảm; hình thành các năng lực cơ bản cần thiết, .'. Để bắt kịp với những đổi mới của Dự thảo. Đề án và khắc phục những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, việc nghiên cứu giáo dục văn hóa truyền thống thông qua nội dung các môn học và các hoạt động giáo dục ở nhà trường phổ thông Việt Nam là cần thiết, góp phần tạo những tiền đề lý luận và thực tiễn cho hoạt động triển khai xây dựng chương trình và SGK GDPT sau năm 2015.

    Với các lý do trên, có thể khẳng định rằng mặc dù là vấn đề khó, song nghiên cứu giáo dục VHTT trong trường phổ thông Việt Nam là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững. Nghiên cứu này sẽ xác định những giá trị VHTT cốt lõi cần giáo dục cho HS và những hủ tục, tập quán lạc hậu cần phê phán; Đề xuất các phương thức để đưa những giá trị VHTT vào trong nội dung các môn học và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông Việt Nam.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Trên cơ sở phân tích lý luận và từ thực tiễn nước ta đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh thông qua chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Về lý luận

    Đã xây dựng được cơ sở lý luận về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông. Đã làm sáng tỏ các khái niệm và quan niệm cơ bản liên quan: giá trị, văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và tính chất của giá trịu văn hóa truyền thống. Đã xác định được hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống cần đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông.

    Đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông của một số quốc gia, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

    Về thực tiễn

    Đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông ở nước ta. Đã phân tích những mặt được, những bất cập, nguyên nhân của các bất cập trong giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông hiện nay.

    Trên cơ sở phân tích lý luận và từ thực tiễn nước ta, đã đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 nhằm duy trì, củng cố và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    - Các giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng, phổ biến cho dân tộc Việt Nam nói chung.
    - Nghiên cứu ở một số môn học xã hội như: Đạo đức ở Tiểu học, Giáo dục công dân ở Trung học, môn Ngữ văn, Lịch sử, Mỹ thuật và Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL).
    - Bước đầu thử nghiệm giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong các hoạt động giảng dạy và ngoại khóa ở trường tiểu học, THCS và THPT tại 02 tỉnh có đặc trưng văn hóa truyền thống ( Hòa Bình và Đăk Lăk)

    6 . Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lý luận
    - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp Anket; Phương pháp phỏng vấn và thảo luận nhóm, Phương pháp quan sát, Phương pháp thực nghiệm.
    - Phương pháp khác: Phương pháp chuyên gia, Phương pháp xử lý số liệu.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương:

    Chương 1. Cơ sở lý luận về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông

    1.1. Các khái niệm và quan niệm cơ bản
    1.2. Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống
    1.3 Kinh nghiệm của một số nước về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông

    Chương 2. Thực trạng giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông Việt Nam

    2.1. Chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông
    2.2. Thực trạng giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông Việt Nam

    Chương 3. Đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông qua chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015

    3.1. Những căn cứ đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015
    3.2. Đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015
    3.3 Một số giải pháp giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã làm sáng tỏ những khái niệm về giá trị, văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và tính chất của giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng được khung lý luận với hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống cần đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông và kinh nghiệm của một số nước, từ đó đề xuất mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

    9. Kết luận và kiến nghị

    Kết luận

    GTVHTT là những GTVH có tính ổn định, được lưu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Việc nghiên cứu để xác định các GTVHTT đã được nhiều nhà khoa học quan tâm. Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một số GTVHTT cần giáo dục cho học sinh phổ thông hiện nay. Đó là các GTVHTT: yêu nước, nhân nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, hiếu học, đoàn kết, quý trọng gia đình, hòa bình, tôn sư trọng đạo, chung thủy, yêu thiên nhiên, .

    Quá trình đổi mới đã làm thay đổi cơ bản nền kinh tế, VH, XH và dẫn đến những biến đổi về các GTVHTT. Có xu hướng biến đổi tích cực hoặc trì chệ nhưng cũng có xu hướng biến đổi tiêu cực, ngược chiều với GTVHTT. Tuy nhiên, để hội nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa thì bên cạnh việc duy trì, bảo vệ và phát huy, phát triển các GTVHTT đã có sẵn thì cần bổ sung thêm một số GT mới như: năng động sáng tạo, hợp tác, tự tin, dám nghĩ dám làm, trách nhiệm cá nhân, lối sống lành mạnh, .

    Kiến nghị

    Đối với Bộ giáo dục và Đào tạo: chỉ đạo chặt chẽ việc đưa nội dung giáo dục GTVHTT vào chương trình GDPT năm 2015 theo một định hướng chung và có tính hệ thống, phân cấp nhất định; Bổ sung một số giá trị VH mới như: tính năng động, sáng tạo, tinh thấn hợp tác, tự tin, dám nghĩ dám làm, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, đề cao lối sống lành mạnh; Biên soạn một tài liệu hướng dẫn GV về giáo dục GTVHTT cho HS;

    Đối với các bộ, ngành khác: Nên xây dựng thành chuyên đề trình bày trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp cho mọi người dân nâng cao hiểu biết để ủng hộ nhà trường, cùng nhà trường làm tốt công tác giáo dục HS; Xuất bản sách báo, tài liệu về GTVHTT dân tộc cho mọi lứa tuổi.

    Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo: Cần coi trọng nội dung giáo dục GTVHTT, chú ý đưa GTVH địa phương vào nội dung giáo dục của nhà trường;


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
    Trang Phạm 241098 thích bài này.
Đang tải...