Luận Văn Giáo dục đạo đức

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đang đặt ra những yêu cầu to lớn về chất lượng nguồn lực con người. Đó là sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và một cách khái quát nhân cách nói chung của con người Việt Nam, mà trước hết là của thế hệ trẻ.

    Coi giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu, Đảng ta đòi hỏi phải "tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức và nhân văn, lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước" [29, tr. 29]. Từ đó cho thấy, giáo dục đạo đức là một trong những điểm chủ yếu, cốt lõi xuyên suốt và giữ vị trí chủ đạo trong toàn bộ quá trình giáo dục nhân cách, đào tạo con người trong nhà trường ở nước ta, đặc biệt là trong nhà trường phổ thông, đối với học sinh ở lứa tuổi thiếu niên.

    Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đang đi vào chiều sâu và được triển khai trên quy mô lớn, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cơ chế thị trường (CCTT), nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đang phát huy tác dụng tích cực, tạo nên sự phát triển năng động và thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở nước ta. Nhưng, kinh tế thị trường (KTTT) cũng ngày càng bộc lộ những mặt trái, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tinh thần, sự cảm thụ văn hóa - nghệ thuật cũng như trong tâm lý - đạo đức của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Những ảnh hưởng tiêu cực đó len lỏi, thẩm thấu vào mọi quan hệ xã hội, làm sai lệch các chuẩn mực giá trị, dẫn tới sự suy thoái về đạo đức ở một bộ phận xã hội, ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ.

    Vậy có thể ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức đó được không? Nhà trường, gia đình và toàn xã hội có thể chủ động trong một chương trình hành động phối hợp tích cực để thực hiện giáo dục đạo đức, để bảo vệ sự trong sạch, lành mạnh của đời sống đạo đức cho thế hệ trẻ được hay không?

    Phải chăng đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông là góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), chống lại âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực đế quốc chủ nghĩa nhằm thực hiện một cách tinh vi, thâm độc mà một trong những mũi tiến công là tàn phá đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ?

    Như thế, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ chính trị, với cuộc đấu tranh ý thức hệ hiện nay.

    Để đem lại câu trả lời cho vấn đề hệ trọng nêu trên, việc nghiên cứu đạo đức và giáo dục đạo đức vào lúc này đang là một đòi hỏi cấp bách, bức xúc.

    Bấy lâu nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông là đề tài nghiên cứu rất quen thuộc của khoa học sư phạm. Trong nhận thức của không ít người, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông dường như chỉ là đối tượng nghiên cứu của khoa học sư phạm, là vấn đề của đời sống học đường.

    Cần nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này. Đã đến lúc phải mở rộng nghiên cứu đề tài này theo hướng tiếp cận lý luận chính trị - xã hội của chủ nghĩa cộng sản (CNCS) khoa học, nghĩa là nghiên cứu vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông cũng như cho thế hệ trẻ nói chung từ góc độ lý luận chính trị, để từ đó, với những kiến giải khoa học đưa ra những phân tích triết học, chính trị - xã hội về đạo đức và giáo dục đạo đức.

    Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề giáo dục đạo đức được đặt ra với tầm quan trọng, tính cấp thiết và ý nghĩa xã hội rộng lớn như lúc này. Chăm lo cho sự phát triển đạo đức và đời sống tinh thần lành mạnh của cộng đồng xã hội là chăm lo tới tiềm lực phát triển lâu bền của cả một dân tộc.

    Nghiên cứu vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) trong điều kiện đổi mới hiện nay được đặt ra trong khung cảnh và ý nghĩa xã hội đó. TP. HCM có lịch sử 300 năm, từ ngày giải phóng đến nay đã tròn 1/4 thế kỷ và cùng cả nước đi vào sự nghiệp đổi mới từ 15 năm nay; nơi đang dẫn đầu cả nước về tốc độ, quy mô phát triển kinh tế. Trên địa bàn này, sự hội tụ những đặc điểm, những biểu hiện đạo đức của lớp trẻ và thực trạng giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông đang đặt ra hàng loạt vấn đề bức xúc cần phải nghiên cứu và giải quyết. Việc đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng các vấn đề và tình huống, phát hiện được những trở ngại và vướng mắc để tìm ra các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường ở TP. HCM sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực của đời sống đạo đức và giáo dục đạo đức hiện nay. Đó là một việc làm cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cho đất nước.

    Những lý do trên đã nói lên tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu này, là động lực thôi thúc nội tâm để tác giả, từ thực tiễn và kinh nghiệm sư phạm của mình trong nhiều năm, lựa chọn vấn đề: "Giáo dục đạo đức cho học sinh trường trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện đổi mới hiện nay" làm đề tài nghiên cứu và viết công trình luận án.

    2. Tình hình nghiên cứu đề tài

    Trong những năm 60, 70 nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục đạo đức của nhiều tác giả trong nước đã được công bố từ góc độ tâm lý học, giáo dục học.

    Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những đóng góp rất quan trọng vào lĩnh vực nghiên cứu này với các tác giả Hà Thế Ngữ, Nguyễn Đức Minh, Phạm Hoàng Gia, Phạm Minh Hạc, Phạm Tất Dong và nhiều tác giả khác. Để đi đến các quan niệm và giải pháp về giáo dục đạo đức, các tác giả đã lựa chọn cho mình những cách tiếp cận khác nhau, tạo ra một sự đa dạng, phong phú về nội dung và phương pháp nghiên cứu.

    - Nguyễn Đức Minh nghiên cứu và trình bày cơ sở tâm lý - giáo dục học của giáo dục đạo đức.

    - Hà Thế Ngữ chú trọng đến vấn đề tổ chức quá trình giáo dục đạo đức thông qua giảng dạy các bộ môn khoa học, nhất là các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, rèn luyện phương pháp tư duy khoa học để trên cơ sở đó giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, bồi dưỡng ý thức đạo đức, hướng dẫn thực hiện các hành vi đạo đức cho học sinh.

    - Phạm Minh Hạc xuất phát từ đặc trưng tâm lý học để khảo sát hành vi và hoạt động, nghiên cứu đạo đức trong cấu trúc của nhân cách, thực hiện giáo dục đạo đức trong quá trình phát triển nhân cách, xem đó như mục tiêu quan trọng nhất của việc thực hiện chất lượng giáo dục.

    - Phạm Tất Dong đã đi sâu nghiên cứu cơ sở tâm lý học của hoạt động giáo dục lao động, giáo dục hướng nghiệp, gắn kết các hoạt động này với giáo dục đạo đức nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đạo đức nghề nghiệp và lý tưởng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ.

    Có những tác giả tuy không đi sâu vào giáo dục đạo đức, nhưng khi bàn về giáo dục đã đề cập tới giáo dục đạo đức. Ví dụ, Hồ Ngọc Đại, khi đề xuất "công nghệ giáo dục", tìm kiếm những giải pháp hiện đại hóa (HĐH) "nền giáo dục giành cho trăm phần trăm dân cư" đã công bố một số công trình có liên quan tới giáo dục đạo đức.

    Phạm Hoàng Gia nghiên cứu mối quan hệ giữa giáo dục nhận thức khoa học với giáo dục đạo đức, những biểu hiện nhân cách trong lối sống và đưa ra dự báo mô hình nhân cách thanh niên năm 2000.

    Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội hết sức nhức nhối đối với hiện tượng suy thoái, thậm chí băng hoại đạo đức ở một bộ phận thanh thiếu niên do tác động tiêu cực từ những mặt trái của CCTT và đã có nhiều bài viết đáng quan tâm.

    Trong các công trình nghiên cứu về giáo dục đạo đức từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), cần kể đến một số đề tài như công trình mang mã số NN7: "Cải tiến công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân" do Phạm Tất Dong làm chủ nhiệm.

    Đề tài NN7 đã mang lại nhiều nội dung mới về giáo dục đạo đức, chính trị và tư tưởng trong các trường từ tiểu học đến đại học những năm đầu của thập kỷ 90.

    Trong công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, do nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của nhân tố con người, nhiều nhà khoa học có uy tín đã tập hợp trong chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc gia KX.07 (1991 - 1995) do Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm nhằm nghiên cứu các đề tài về con người với tư cách là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Trong phạm vi của chương trình nghiên cứu này đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách. Đáng lưu ý nhất là vấn đề giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng đã được các tác giả đề cập và lý giải trên cơ sở khoa học.

    Trong những năm đổi mới, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết nhiều tác phẩm nghiên cứu về Hồ Chí Minh và về giáo dục, thể hiện tâm huyết đối với giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ mà ông xem là chức năng quan trọng của nhà trường. Ông đã viết: Nhà trường, từ mẫu giáo đến đại học là nơi rèn luyện, nơi đào tạo con người trở thành những người được trang bị tốt về phẩm chất, đạo đức, nghề nghiệp, phong cách và cống hiến, trở thành những người chiến sĩ của một sự nghiệp vĩ đại xây dựng Tổ quốc ta, dân tộc Việt Nam ta, sự nghiệp nước ta theo định hướng XHCN và tiến lên cao hơn nữa, tiến đến cái đích mà C. Mác đã chỉ rõ: "Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" [59, tr. 628].

    Tác giả đã kế thừa trực tiếp những thành quả nghiên cứu nêu trên đây, dựa vào những gợi mở của các tác giả đi trước về lý luận và phương pháp để triển khai công trình của mình.

    Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn rất hiếm những chuyên khảo về giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông nghiên cứu và trình bày từ góc độ lý luận chính trị - xã hội của chủ nghĩa cộng sản khoa học và hầu như chưa có một chuyên khảo đi sâu vào đề tài giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện đổi mới hiện nay. Tác giả mong muốn và hy vọng góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc khắc phục sự thiếu hụt nói trên.

    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

    3.1. Mục đích

    Mục đích của bản luận án này là làm rõ vai trò và ý nghĩa của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh trung học cơ sở (THCS) trong điều kiện đổi mới, nêu ra những định hướng và giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng đạo đức cho học sinh THCS tại TP. HCM nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH.

    3.2. Nhiệm vụ

    Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

    - Phân tích vai trò và ý nghĩa của giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông, những nhân tố tác động tới quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh THCS trong điều kiện đổi mới.

    - Đánh giá hiện trạng giáo dục đạo đức trong các trường THCS tại TP. HCM.

    - Đề xuất những định hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh THCS, phù hợp với hoàn cảnh và đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. HCM trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

    4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

    Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường THCS.

    Để giải quyết những vấn đề nêu trên, luận án giới hạn vào các trường THCS trên địa bàn TP. HCM trong khoảng 10 năm trở lại đây.

    5. Phương pháp nghiên cứu

    - Dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đặc biệt là nguyên lý về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội để cắt nghĩa sự tác động qua lại giữa nền KTTT với đạo đức và hoạt động giáo dục đạo đức.

    - Ngoài ra, luận án còn sử dụng các phương pháp lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp từ các tri thức lý luận chuyên ngành và liên ngành, tổng kết thực tiễn giáo dục trong các nhà trường phổ thông. Phân tích kinh nghiệm giáo dục đạo đức là một trong những phương pháp quan trọng được tác giả chú ý vận dụng.

    6. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án

    - Góp phần làm rõ thêm bản chất, nội dung và những đặc điểm của giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông từ hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của CNCS khoa học.

    - Phân tích những nhân tố tác động tới quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông trong bối cảnh đổi mới xã hội theo định hướng XHCN. Chỉ rõ những yêu cầu mới đặt ra đối với giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông trong điều kiện đổi mới và khả năng giải quyết yêu cầu đó từ thực tiễn xã hội và thực tiễn giáo dục.

    - Phân tích và đánh giá thực trạng giáo dục đạo đức hiện nay ở các nhà trường phổ thông tại TP. HCM trên quan điểm thực tiễn và phát triển. Đề xuất và luận chứng những định hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay.

    7. YÙ nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

    Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, đóng góp vào việc nghiên cứu giảng dạy và học tập lý luận chính trị thuộc chuyên ngành CNCS khoa học trong các trường chính trị, các trường đại học và cao đẳng, các trường sư phạm và quản lý giáo dục cũng như trong công tác chỉ đạo của các cán bộ quản lý giáo dục.

    8. Kết cấu của luận án

    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 6 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...