Tiến Sĩ Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1965

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 23/4/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    #1 Nhu Ely, 23/4/14
    Chỉnh sửa cuối: 23/4/14
    LUẬN ÁN TIẾN SỸ
    NĂM 2014

    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài

    1.1. Trong mọi thời đại, giáo dục luôn có vị trí quan trọng và là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam cũng vậy, trong lịch sử dựng nước, giữ nước, ông cha ta sớm có ý thức về vai trò của giáo dục và quan niệm rằng muốn xây dựng đất nước phải mở mang giáo dục, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ngay từ thời Lê, Đông các Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã khẳng định: ‘‘Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên» [66; tr. 86, 87].
    Kế thừa và phát huy truyền thống trọng giáo dục, trọng nhân tài của ông cha, từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập cho đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và chăm lo công tác giáo dục. Năm 1945, nước Việt Nam vừa mới ra đời đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Trong hoàn cảnh khó khăn, để giữ vững chính quyền cách mạng, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ba nhiệm vụ cấp bách của đất nước là «chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm». Song, để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Người khẳng định: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [61; tr. 40].
    Ngày nay, khi đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập với khu vực, quốc tế, Đảng, Nhà nước càng quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, luôn coi phát triển giáo dục, đầu tư cho giáo dục là quốc sách trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới» [42; tr.106]. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển giáo dục đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” [43; tr.108, 109] ; “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển” [43; tr.77].
    1.2. Là một khu vực rộng lớn, nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số của đất nước với trình độ phát triển khác nhau, các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, nơi đây là trung tâm lãnh đạo cách mạng của cả nước, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây vừa là căn cứ địa cách mạng vừa là nơi diễn ra nhiều chiến dịch lớn góp phần quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến, như Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, đặc biệt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, v.v . Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các tỉnh miền núi phía Bắc được xác định là hậu phương sâu của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc đã đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa miền Bắc nói chung và giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng.
    1.3. Các tỉnh miền núi phía Bắc còn là nơi tiếp giáp với các nước láng giềng, có vị trí quan trọng trong vấn đề an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, do trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế nên các thế lực thù địch luôn lợi dụng tình trạng này để tuyên truyền, kích động, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, thậm chí họ còn lôi kéo, dụ dỗ đồng bào chống lại Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, việc xây dựng, phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào miền núi là rất cần thiết, có vị trí quan trọng. Chỉ bằng việc mở mang giáo dục mới giúp đồng bào nâng cao nhận thức, hiểu biết để chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.
    1.4. So với các vùng, miền khác trong cả nước, cho đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, nền kinh tế và đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, là vùng chậm phát triển nhất của cả nước. Đến năm 2012, tỷ lệ nghèo đói của vùng cao miền núi phía Bắc vẫn cao nhất cả nước, nhiều huyện có tới 2/3 số xã thuộc diện “đặc biệt khó khăn” như huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 21 xã; huyện Sông Mã (Sơn La) có 14 xã, v.v [81; tr.36]. Chính vì vậy, nghiên cứu về các lĩnh vực nói chung, giáo dục nói riêng trong từng giai đoạn lịch sử, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và phát triển miền núi hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
    1.5. Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ trẻ Việt Nam đối với nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi mà trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đồng bào đã hết lòng ủng hộ cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    1.6. Từ trước đến nay, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục trong giai đoạn 1954-1965 nhưng vẫn chưa có một công trình sử học nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về quá trình xây dựng, phát triển, cũng như những khó khăn, thăng trầm của giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam trong giai đoạn này.
    Với những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài «Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1965» làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
    2. Mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
    2.1. Mục đích nghiên cứu:
    Thực hiện luận án này, chúng tôi mong muốn phục dựng bức tranh tương đối hoàn chỉnh và toàn diện về quá trình xây dựng, phát triển, những giai đoạn thăng trầm, khó khăn của giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam qua hai giai đoạn: 1954-1960 và 1961-1965; Đưa ra những nhận xét, đánh giá và rút ra một số bài học kinh nghiệm qua quá trình xây dựng và phát triển giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 1954 đến năm 1965.
    2.2. Đối tượng nghiên cứu:
    Đề tài tập trung nghiên cứu giáo dục từ góc độ sử học, cụ thể là giáo dục bình dân (xóa mù chữ), giáo dục bổ túc (bổ túc văn hóa) và giáo dục phổ thông ở mười tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
    2.3. Nhiệm vụ nghiên cứu:
    - Phân tích yếu tố tự nhiên, xã hội, con người vùng núi phía Bắc, yêu cầu xây dựng và phát triển giáo dục ở khu vực này trong giai đoạn khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế-xã hội.
    - Làm rõ chủ trương của Đảng về xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nói chung và giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng.
    - Quá trình xây dựng và phát triển của các ngành học: giáo dục bình dân, giáo dục bổ túc và giáo dục phổ thông qua hai giai đoạn 1954-1960 và 1961-1965.
    - Công tác đào tạo giáo viên, biên soạn sách giáo khoa cho miền núi.
    - Đánh giá và chỉ ra nguyên nhân của những thành tựu, khó khăn, hạn chế của giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 1954 đến năm 1965.
    - Rút ra một số bài học kinh nghiệm về công tác giáo dục ở khu vực này trong giai đoạn 1954-1965 và xem đây là những gợi mở nhằm góp phần xây dựng, phát triển giáo dục ở các tỉnh miền núi, vùng cao trong giai đoạn hiện nay.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...