Luận Văn Giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại xã quyết thắng tp. Thái nguyên tỉnh

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    A. MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa (CNH-ĐTH) mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. CNH-ĐTH đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Hòa trong xu thế đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đang dốc sức thực hiện chủ trương CNH-ĐTH, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố (TP.) Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc nên hơn hết được sự ưu tiên đầu tư phát triển, tốc độ CNH-ĐTH tại đây đang diễn ra rất nhanh chóng và mạnh mẽ.
    Xã Quyết Thắng là một xã thuộc phía tây TP. Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 1.155,52 ha. Quyết Thắng được xác định là trọng điểm trong quy hoạch phát triển về phía tây của TP. Thái Nguyên. Chiến lược quy hoạch xã Quyết Thắng đến năm 2020 là sự tổng hợp giữa quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn xã nhằm mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 nhằm thực hiện đường lối CNH-ĐTH của Đảng và Nhà nước.
    Để thực hiện CNH-ĐTH mà trọng tâm là xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, Quyết Thắng cần một quỹ đất khá lớn (525,47ha chiếm 45,47% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã) trong đó diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất phục vụ cho các dự án là 80,52ha. Ước tính, việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của trên 600 người dân và trên 150 hộ dân. Từ chỗ đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính của người nông dân nay bị thu hồi để phục vụ cho các dự án đã khiến họ đứng trước nguy cơ mất đất dẫn đến mất việc làm. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người nông dân. Làm thế nào để giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất là vấn cấp thiết đối với các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của người dân.
    Bản thân tác giả là một công dân đang sinh sống và học tập tại địa phương nhận thấy đây là chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước góp phần đẩy nhanh quá trình CNH-ĐTH xây dựng hạ tầng kinh tế phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Tuy nhiên, chính sách cũng bộc lộ một số hạn chế cần tháo gỡ. Đó là việc thu hồi đất sẽ khiến cho một bộ phận không nhỏ dân cư toàn xã bị mất hoặc thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, làm giảm nguồn thu ngân sách địa phương và dẫn đến các hệ lụy về an ninh - trật tự, an toàn xã hội.
    Từ những lý do trên, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên”.
    2. Lịch sử nghiên cứu
    Hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình CNH-ĐTH đã được rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm, nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể:
    Các tác giả PTS.Nguyễn Hữu Dũng, PTS. Trần Hữu Trung (chủ biên) trong cuốn sách: “Về chính sách giải quyết việc làm ở Việt Nam” Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997 đã trình bày tổng quát về phương pháp luận và phương pháp tiếp cận chính sách việc làm cũng như làm rõ thực trạng việc làm ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó khuyến nghị định hướng một số chính sách cụ thể về việc làm trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    Luận văn thạc sỹ kinh tế chuyên ngành kinh tế nông nghiệp (năm 2008) của tác giả Lương Mạnh Đông: “Giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động nông thôn huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên”. Tác giả đã đi sâu phân tích và rút ra kết luận về thực trạng lao động và việc làm của các nông hộ trên địa bàn huyện; đồng thời đưa ra các định hướng và 9 giải pháp chủ yếu nhằm giải giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
    Luận văn Thạc sỹ kinh tế chuyên ngành kinh tế nông nghiệp (năm 2008) của tác giả Đinh Quang Thái: “Giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên”. Trên cơ sở phân tích thực trạng việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ về quy mô, chất lượng nguồn lao động, công tác đào tạo nghề cũng như sử dụng nguồn lao động và thực trạng việc làm của hộ gia đình, tác giả đã đưa ra phương hướng và 4 giải pháp cơ bản nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn nghiên cứu.
    Luận văn thạc sỹ ngành kinh tế - chính trị (năm 2010) của tác giả Vũ Trường Giang: “Vấn đề việc làm cho nông dân bị thu hồi đất ở tỉnh Hải Dương”. Tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng việc làm cho nông dân bị thu hồi đất ở tỉnh Hải Dương, đồng thời đưa ra phương hướng và 6 giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH-HĐH, Đô thị hóa tỉnh Hải Dương.
    Luận văn thạc sỹ ngành kinh tế chính trị (năm 2012) của tác giả Nguyễn Đức Quỳnh: “Việc làm ở khu vực nông thôn TP. Hà Nội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trên cơ sở làm rõ tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến việc làm của lao động ở nông thôn, sự cần thiết của việc giải quyết việc làm và những nhân tố ảnh hưởng đến việc làm, tác giả đã phân tích kinh nghiệm của một số địa phương trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phân tích thực trạng việc làm, giải quyết việc làm ở nông thôn Hà Nội (năm 2011-2012), qua đó đưa ra 6 giải pháp giải quyết việc làm cơ bản. Tác giả đưa ra kết luận “Để thực hiện được mục tiêu và phương hướng giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp của TP. trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền nhà nước trong việc định hướng về nhu cầu thị trường lao động và thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động và mở rộng cơ hội việc làm cho nhiều người lao động nói chung và nhiều người lao động ở khu vực nông thôn nói riêng”.
    Luận văn Thạc sỹ ngành kinh tế phát triển (năm 2012) của tác giả Hoàng Tú Anh: “Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang TP. Đà Nẵng”. Luận văn đã phân tích thực trạng việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang và đưa ra 4 giải pháp cơ bản nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn nghiên cứu.
    Đề tài nghiên cứu khoa học: “Thực trạng và giải pháp giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương” (năm 2011) của tác giả Lê Thị Hồng Phương. Tác giả đã phân tích tình hình việc làm của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng và qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất trên địa bàn nghiên cứu.
    Bài viết: “Chiến lược sống qua những dự định nghề nghiệp của cư dân ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa” của tác giả Phan Thị Mai Hương đăng trên Tạp chí Tâm lý học số 12 (117).12-2008, trong bài viết, tác giả đã tiến hành điều tra, khảo sát về những dự định nghề nghiệp của người dân ngoại thành Hà Nội trong khoảng thời gian từ 5-10 năm tới trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ; qua đó, đưa ra đánh giá về chiến lược sống thông qua dự định nghề nghiệp của từng nhóm đối tượng khác nhau.
    Bài viết: “Thực trạng chuyển đổi nghề nghiệp của cư dân vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa” của tác giả Đỗ Thị Lệ Hằng đăng trên Tạp chí Tâm lý học số 3 (108).3-2008 đã phân tích thực trạng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và thu nhập của người dân vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa của ba khu vực giáp nội thành Hà Nội là Yên Sở, Yên Mỹ và Mỹ Đình.
    Nhìn chung, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nói chung và lao động là nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng đã được rất nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, tác giả khác nhau. Thông qua công trình, đề tài nghiên cứu của mình các tác giả đã phân tích thực trạng giải quyết việc làm và đề xuất được một số giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân tại địa bàn nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên, mỗi đề tài lại nghiên cứu theo một góc độ khác nhau, tại một thời điểm khác nhau và địa bàn khác nhau nên kết quả nghiên cứu về thực trạng và các giả pháp đưa ra cũng không đồng nhất. Đề tài của tác giả là đề tài đầu tiên nghiên cứu trên địa bàn xã Quyết Thắng về vấn đề này, tiếp tục kế thừa cơ sở lý luận về vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
    3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
    3.1 Mục tiêu nghiên cứu
    Trên cơ sở mô tả thực trạng thu hồi, sử dụng đất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên, tác giả đề xuất một số giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại địa bàn này.
    3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
    - Làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của đề tài nghiên cứu.
    - Làm rõ thực trạng thu hồi, sử dụng đất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
    - Đề xuất một số giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại địa bàn nghiên cứu.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...