Luận Văn Giải phóng phụ nữ: từ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng C

Thảo luận trong 'Các Môn Khác' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Quyền con người đã từng là vấn đề xuyên suốt của các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong lịch sử, và cho đến nay nó vẫn là một trong những vấn đề nổi bật của thời đại chúng ta. Quyền con người, dĩ nhiên trước hết là quyền cho mỗi cá nhân, quyền được khẳng định mình là một chủ thể với những quyền lợi, nghĩa vụ như mọi người khác. Thế nhưng loài người đã từng vạch đôi xã hội, một nửa là đàn ông, nửa kia là đàn bà, trong đó đàn bà đã từng bị hạn chế hoặc bị loại trừ khỏi những quyền con người cơ bản. Chính vì lẽ đó, vấn đề giải phóng con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ luôn được các nhà tử tửụỷng xã hội chủ nghĩa quan tâm và ngày nay nó là vấn đề chung của toàn nhân loại, bởi lẽ quan tâm đến phụ nữ cũng có nghĩa là quan tâm đến nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
    Lịch sử xã hội đã chứng minh rằng sự tiến bộ của xã hội sẽ chậm lại nếu trong xã hội có một bộ phận đông đảo người bị áp bức bóc lột, bị hạn chế hoặc bị loại trừ. Vì vậy vấn đề giải phóng phụ nữ đã được đặt ra từ rất lâu. Từ giữa thế kỷ thứ XIX chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đã góp phần rất quan trọng trong việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ (mà ngày nay theo cách gọi của các nhà khoa học hiện đại ở Việt Nam là bình đẳng giới) như là một trong những nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đây cũng là một trong những đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự phát triển của khoa học giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
    Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến to lớn, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên truyền thống của chính giới mình.
    Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ, ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và đặt nền móng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Điều 9 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ. Trải qua nhiều lần sửa đổi Hiến pháp, song tư tưởng về bình đẳng giới luôn được bổ sung và hoàn thiện. Tất cả các Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 đều khẳng định: phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra còn có hàng loạt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết khác khẳng định quyền bình đẳng nam nữ như Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 37 CT/TW, Chỉ thị 44/CT . Gần đây nhất, sau khi thực hiện thành công Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 và Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2005.
    Nhìn chung, trong những năm qua việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng ghi nhận. Địa vị của người phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định và đề cao bởi những đóng góp to lớn của họ trong thành tựu chung của cả nước và sự quan tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
    Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ sự khác biệt về giới, chưa vận dụng tiếp thu những thành tựu lý luận quan trọng mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã để lại cho khoa học giới nên sự nghiệp bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ", nạn ngược đãi đối với phụ nữ, tác phong gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán của không ít đàn ông, sự thiếu bình đẳng trong việc ra các quyết định lớn như đầu tư sản xuất, định hướng hôn nhân, nghề nghiệp cho con cái vẫn đang tồn tại ở không ít nơi trong nhiều gia đình. Maởt khaực xã hội và gia đình chưa thực sự nhìn nhận, đánh giá hết những cống hiến của phụ nữ cũng như những khó khăn của họ, về mặt nào đó còn nặng về huy động, khai thác sự đóng góp của phụ nữ mà chưa coi trọng đúng mức việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống. Chính những điều này đã làm chậm quá trình thực hiện mục tiêu công bằng xã hội và bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.
    Tình hình trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận về giải phóng phụ nữ một cách thấu đáo từ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin đến thực tiễn Việt Nam, góp phần khẳng định và tìm ra những điều kiện cơ bản, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện công cuộc giải phóng phụ nữ, phát huy vai trò phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa thời sự cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, trước hết là các ngành, các cấp, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Chính thực tế trên đã thôi thúc tôi chọn đề tài: "Giải phóng phụ nữ: từ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn ở nước ta" làm luận văn tốt nghiệp của mình.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
    Vấn đề giải phóng phụ nữ từ lâu đã được nhiều nhà tư tưởng và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin quan tâm nghiên cứu và được đề cập rất sớm trong nhiều tác phẩm, điển hình như: "Mác - Ăngghen - Lênin về giải phóng phụ nữ"; "Ba cuộc cách mạng với vấn đề giải phóng phụ nữ" (1976); "Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ" (1990). Ngoài ra còn có những tác phẩm lý luận quan trọng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin như: "Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh"; "Gia đình thần thánh"; "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"; "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước"; "Chủ nghĩa tư bản và lao động nữ"
    Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu của cách mạng cũng giành sự quan tâm thích đáng trong việc đề ra chủ trương, đường lối, chính sách nhằm giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, sự tâm huyết của các nhà khoa học, một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu phụ nữ đã được đặt ra, xem xét và có hướng giải quyết đúng đắn. Nhiều cuộc Hội thảo khoa học ở các Trung tâm nghiên cứu đã đi vào các khía cạnh khác nhau về vai trò của phụ nữ như những công trình: "Thực trạng gia đình Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong đình" (1990); "Gia đình, người phụ nữ và giáo dục gia đình" (1993); "Gia đình Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước và vấn đề xây dựng con người" (1995); "Đánh giá sự tiến bộ của phụ nữ từ 1985-1995" (1995). Những công trình trên đã chỉ ra thực trạng vai trò của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ở nước ta, nêu lên những kiến nghị nhằm thay đổi và bổ sung những chính sách xã hội đối với phụ nữ để họ có điều kiện phát huy hết vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới. Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết với quyển "Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại" đã làm nổi bật vai trò phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ buổi đầu dựng nước đến những năm 1968.
    Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về vai trò của phụ nữ trong gia đình như: "Vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam" do Giáo sư Lê Thi làm chủ nhiệm; "Phụ nữ giới và phát triển" (1996) của tác giả Trần Thị Vân Anh và Lê Ngọc Hùng; "Phụ nữ và bình đẳng giới trong đổi mới ở Việt Nam" (1998) của Giáo sư Lê Thi; "Luận cứ về khoa học cho việc đổi mới chính sách xã hội đối với phụ nữ và gia đình" do Phó giáo sư Trần Thị Vân Anh làm chủ nhiệm. Tất cả những công trình trên đều phản ánh những thay đổi về vai trò của phụ nữ trong gia đình và bước đầu đã có một số kiến nghị nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và trong công cuộc đổi mới. Ngoài ra còn có các luận văn, luận án như "Bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay" (2002) của tác giả Chu Thị Thoa; "Gia đình Việt Nam và vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện nay" của tác giả Dương Thị Minh; "Học thuyết Mác - Lênin về phụ nữ và liên hệ với thực tiễn hiện nay ở nước ta" (2002) của tác giả Lê Ngọc Hùng . Đó là những tác phẩm, luận văn, luận án bước đầu đặt cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu phụ nữ và gia đình theo phương pháp tiếp cận giới - một phương pháp nghiên cứu mới mẻ nhưng lại rất hiệu quả. Các công trình nghiên cứu kể trên là những tư liệu tham khảo hết sức quan trọng giúp tôi hoàn thành đề tài luận văn.
    Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, những nghiên cứu chuyên sâu các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về phụ nữ còn rất ít. Trong thư mục các công trình nghiên cứu và bài viết đã công bố, xuất bản của cán bộ Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ có rất ít ấn phẩm chuyên bàn về vấn đề giải phóng phụ nữ. Trước tình hình đó, tác giả chọn đề tài: "Giải phóng phụ nữ: từ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn ở nước ta" với mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nỗ lực chung của toàn xã hội đối với vấn đề giải phóng phụ nữ cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
    3. Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu của luận văn
    3.1. Mục đích

    Trên cơ sở làm rõ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về giải phóng phụ nữ, tác giả luận chứng những điều kiện cơ bản và những giải pháp chủ yếu nhằm giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    3.2. Nhiệm vụ
    Để đạt được mục đích đề ra, tác giả luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau đây:
    - Hệ thống hóa, khái quát hóa những quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề giải phóng phụ nữ và làm rõ sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
    - Làm rõ thực trạng vấn đề giải phóng phụ nữ ở nước ta hiện nay.
    - Phân tích những điều kiện cơ bản và những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ, tiến tới bình đẳng giới trong tình hình hiện nay.
    3.3. Phạm vi nghiên cứu
    Đề tài nghiên cứu tiến trình giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta trong lịch sử cũng như hiện nay ở Việt Nam, cả về lý luận và thực tiễn.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    - Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới.
    - Luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu: lôgíc và lịch sử; phân tích và tổng hợp tư liệu thực tế để giải quyết nhiệm vụ đặt ra. Tác giả luận văn cũng đã kế thừa các công cụ phân tích giới để tìm hiểu, phân tích, lý giải thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
    5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn
    - Lần đầu tiên vấn đề giải phóng phụ nữ trong lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta được nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống. Tác giả luận văn bước đầu đã kết hợp chặt chẽ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với phương pháp tiếp cận giới trong xem xét và lý giải vấn đề bình đẳng giới, đây được coi là bước phát triển lôgíc của quá trình nhận thức, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới.
    - Luận văn chỉ ra những điều kiện cơ bản và những giải pháp chủ yếu thực hiện công cuộc giải phóng phụ nữ, tiến tới bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
    6. Ý nghĩa thực tiễn của luận văn
    Với những đóng góp mới về mặt khoa học trên đây, luận văn góp phần vào việc nghiên cứu những vấn đề lý luận đối với công cuộc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới đồng thời cung cấp thêm các cơ sở khoa học, các căn cứ cho việc hoạch định chiến lược tổng thể và chính sách cụ thể vì sự tiến bộ của phụ nữ, thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ nhằm phát huy mọi khả năng sáng tạo của họ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng dạy về gia đình, về giới trong hệ thống các trường Đảng, các trường đào tạo cán bộ nữ và các trường trung cấp lý luận chính trị ở nước ta.
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu làm 3 chương, 7 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...