1. Lý do chọn đề tài. Tại Việt Nam, thu nhập cơ bản của các NHTM vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng với nhiều áp lực và rủi ro. Chính vì thế rủi ro từ hoạt động tín dụng là rủi ro chủ yếu và quản trị rủi ro tín dụng tốt hay xấu sẽ quyết định đến sự thành bại trong hoạt động của các ngân hàng. Một biện pháp đang được các NHTM áp dụng là chú trọng công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro để hạn chế và bù đắp rủi ro trong hoạt động tín dụng. Qua thực tế tình hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương CN Đồng Nai (VCB Đồng Nai), tác giả thấy có nhiều vấn đề cần nghiên cứu trong mối quan hệ tác động giữa công tác xử lý rủi ro tín dụng với vấn đề quản trị kinh doanh ngân hàng. Vì lý do đó, tác giả mạnh dạn chọn đề tài “Giải pháp quản trị nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại VCB Đồng Nai” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn của mình. 2. Mục tiêu nghiên cứu. Nghiên cứu này nhằm tiếp cận cơ sở lý luận về rủi ro tín dụng, xem xét kinh nghiệm của các nước trên thế giới về trích lập dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; đồng thời phân tích thực trạng công tác phân loại nợ và trích lập DPRR tại VCB Đồng Nai. Từ kết quả nghiên cứu này, đề tài sẽ cho thấy được những thành tựu cũng như những hạn chế tồn tại của công tác phân loại nợ và trích lập DPRR tín dụng tại VCB Đồng Nai. Qua đó, đề tài nghiên cứu mạnh dạn đề xuất những giải pháp để quản trị nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập DPRR tại chi nhánh trong thời gian tới được tốt hơn. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. - Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quy trình phân loại nợ và công tác trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được áp dụng tại VCB Đồng Nai thực hiện theo Quyết định 493, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. - Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung chủ yếu vào hoạt động của VCB Đồng Nai giai đoạn 2006- Q1/2009. Lý do của giới hạn phạm vi nghiên cứu như trên là do Quyết định 493 ra đời từ tháng 4/2005 và bắt đầu thể hiện rõ nét thông qua kết quả phân loại nợ từ năm 2006. Đặc biệt kể từ khi Quyết định 493 được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN. Đây cũng là giai đoạn VCB TW triển khai quy trình phân loại nợ theo chuẩn mới. 4. Phương pháp nghiên cứu. Để thực hiện luận văn này, tác giả sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và một số phương pháp nghiên cứu khác như: Phương pháp thống kê và mô tả, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp . 5. Điêm mới của luận văn. Trước xu thế hội nhập và quốc tế hóa lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, các NHTM tại Việt Nam đang nỗ lực học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng các mô hình quản trị rủi ro tín dụng các các ngân hàng nước ngoài để nâng cao khả năng chống đỡ và phòng ngừa rủi ro tín dụng. Luận văn trình bày sự cần thiết phải quản trị nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại VCB Đồng Nai. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả đóng góp những điểm mới trong đề tài này như sau: - Đánh giá được những ưu điểm và hạn chế trong công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng tại VCB Đồng Nai, tập trung chủ yếu vào quá trình thực hiện phân loại nợ theo QĐ 493, phân tích được nguyên nhân phát sinh các khoản nợ xấu cũng như tình hình xử lý và thu hồi nợ xấu tại chi nhánh trong thời gian qua. - Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống XHTD nội bộ, một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể thực hiện phân loại nợ theo điều 7 QĐ 493, đồng thời nêu lên một số giải pháp đối với VCB TW nhằm hoàn thiện chương trình hỗ trợ phân loại nợ trên toàn hệ thống. - Kết quả của đề tài nghiên cứu này có thể được áp dụng vào công tác thực tiễn vì Vietcombank đang trong quá trình hoàn thiện quy trình phân loại nợ và chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới việc áp dụng phân loại nợ định tính theo điều 7 QĐ 493 nhằm phù hợp với chính sách tín dụng và cơ cấu tổ chức mới sau cổ phần hóa. 6. Kết cấu của luận văn. Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được trình bày thành 3 chương: Chương 1: Tổng quan về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Chương 2: Thực trạng công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại VCB Đồng Nai. Chương 3: Giải pháp quản trị nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại VCB Đồng Nai.