Luận Văn Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thư

Thảo luận trong 'Thương Mại' bắt đầu bởi taitailieu_16, 23/5/12.

  1. PHẦN MỞ ĐẦU
    1.1. Tính cấp thiết của đề tài
    § Về mặt lý thuyết:
    Ngày nay, với sự hỗ trợ tích cực của mạng thông tin toàn cầu và sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các hoạt động kinh doanh đã trở nên đa dạng và hiệu quả hơn, tuy nhiên những rủi ro theo đó cũng phát sinh nhiều hơn và phức tạp hơn. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các doanh nghiệp luôn kinh doanh trong một môi trường với nhiều yếu tố biến động nhanh chóng như sự thay đổi về công nghệ, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng khách hàng, tính không ổn định về chính trị, sự thay đổi liên tục của các chính sách kinh tế và pháp luật . Tất cả điều đó có thể đã tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp song đi kèm với nó luôn là các rủi ro khó lượng định. Cơ hội kinh doanh càng lớn thì rủi ro cũng dần lớn hơn cả về tần suất và mức độ. Điều này đòi hỏi các nhà quản trị phải biết cách nhận biết các loại rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong tương lai để có thể đưa ra những đối sách thích hợp. Nói theo cách khác, trong hoàn cảnh như vậy, quản trị rủi ro là rất cần thiết trong mỗi doanh nghiệp.
    § Về mặt thực tiễn:
    Công ty cổ phần XNK & TM Facare là một doanh nghiệp thương mại kinh doanh các mặt hàng gia dụng, thiết bị dùng trong gia đình - một ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ các nhân tố kinh tế, văn hóa và sự cạnh tranh (không chỉ chịu sự canh tranh từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ phía các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam). Thành lập và đi vào hoạt động kinh doanh sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần XNK & TM Facare đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhưng bên cạnh đó nó cũng gặp không ít các rủi ro. Đặc biệt, công ty luôn phải đương đầu với những rủi ro lớn trong bán hàng – một khâu quan trọng trực tiếp mang lại lợi nhuận cho công ty, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của công ty. Do vậy, để hạn chế tổn thất và giảm thiểu rủi ro mỗi khi nó xảy ra, công ty cần hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro trong đó tập trung nhất vào khâu phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng.
    1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
    Từ trước tới nay, việc nghiên cứu rủi ro trong các công ty để đề xuất ra các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro đã được một số người nghiên cứu, học giả quan tâm, đề cập tới như:
    1. “Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động mua thiết bị viễn thông của Công ty cổ phần Viễn Tin” – Trịnh Đức Duy – Luận văn tốt nghiệp –Khoa quản trị doanh nghiệp - Trường ĐHTM năm 2009.
    Tác giả đã đưa ra một số lý luận về rủi ro, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro đồng thời đề xuất những giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu những tổn thất trong quá trình mua thiết bị viễn thông tại Công ty cổ phần Viễn Tin.
    2. “Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động mua hàng của Công ty cổ phần đầu tư GFC” – Vũ Thị Thùy Dương – Luận văn tốt nghiệp – Khoa Quản trị doanh nghiêp – Trường ĐHTM năm 2010
    Tác giả đã đưa ra một số lý luận về rủi ro, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro đồng thời đề xuất những giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu những tổn thất trong hoạt động mua hàng Công ty cổ phần đầu tư GFC
    3. “Các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại than Uông Bí – Trần Thị Thu Hương – Luận văn tốt nghiệp – Khoa quản trị doanh nghiệp – Trường ĐHTM năm 2010
    Tác giả đã đưa ra một số lý luận về rủi ro, rủi ro trong kinh doanh, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro đồng thời đề xuất những giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu những tổn thất kinh doanh của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại than Uông Bí.
    Toàn bộ những luận văn trên đã ít nhiều cung cấp về cơ sở lý luận cũng như tình hình thực tế về phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và trong công tác mua hàng trong một số doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa có bài viết, đề tài nào chọn đối tượng nghiên cứu là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại Facare, và chọn mục tiêu nghiên cứu là Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh giới hạn ở phạm vi Bán hàng. Do đó, đề tài được lựa chọn là “Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại Facare”.
    1.3. Mục tiêu nghiên cứu
    Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực hiện công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại Facare, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng cho công ty này.
    Để đạt được mục tiêu trên, đề tài tập chung giải quyết những vấn đề chính sau đây:
    + Nghiên cứu về mặt lý luận các vấn đề liên quan đến rủi ro, quản trị rủi ro, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong trong bán hàng.
    + Từ kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng, tình hình thực hiện công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mạị Facare.
    + Cuối cùng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiể rủi ro trong bán hàng cho công ty.
    1.4. Phạm vi nghiên cứu
    - Thời gian: Thông tin dữ liệu thu thập được lấy trong khoảng thời gian là từ năm 2009-2011. Tuy nhiên, đề xuất giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro được nêu ra trong khóa luận là tính từ thời điểm hiện tại đến năm 2015.
    - Không gian: Nghiên cứu được tiến hành tại Công ty cổ phần XNK & TM Facare.
    - Nội dung: Do giới hạn về mặt thời gian và thông tin nên đề tài này chủ yếu tập trung nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng ngừa giảm thiểu trong bán hàng của Công ty cổ phần XNK & TM Facare.
    1.5. Phương pháp nghiên cứu
    1.5.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
    Để nắm rõ được tình hình hiện tại về quản trị rủi ro trong hoạt động bán hàng tại Công ty cổ phần XNK & TM và hoàn thành đề tài, việc thu thập thông tin và dữ liệu liên quan đến hoạt động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của công ty được tiến hành theo hai hướng sau:
    § Một là, phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp
    - Phương pháp điều tra trắc nghiệm: Đây là phương pháp sử dụng bảng câu hỏi điều tra được chia thành 2 bảng điều tra, dành cho nhà quản trị và bảng điều tra dành cho nhân viên.
    Bảng câu hỏi điều tra nhân viên gồm 10 câu hỏi, nhà quản trị gồm 11 câu hỏi liên quan đến vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại Facare.
    + Tổng số phiếu điều tra: 17 phiếu, số phiếu phát ra và thu về 17(100%)
    + Đối tượng điều tra: Gồm 5 nhà quản trị (giám đốc, trưởng phòng hành chính – kế toán, trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng kỹ thuật, trưởng phòng giao nhận) và 12 nhân viên trong các phòng ban của công ty.
    + Nội dung điều tra: Chỉ ra những rủi ro thường xuyên xảy ra trong bán hàng của công ty, mức độ tổn thất của các rủi ro gây ra, nguyên nhân, các biện pháp đã được công ty áp dụng để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng.
    - Phương pháp phỏng vấn chuyên sâu: Sử dụng phương pháp này, tác giả đã dùng bảng câu hỏi được thiết kế sẵn gồm 7 câu hỏi liên quan vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng tại công ty.
    + Số phiếu điều tra: 5 phiếu, số phiếu phát ra và thu về 5(100%)
    + Đối tượng điều tra: Nhà quản trị
    + Nội dung: Gồm các câu hỏi liên quan đến công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của công ty trong thời gian qua và trong tương lai sắp tới.
    § Hai là, phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp
    - Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Là phương pháp thu thập các thông tin có sẵn không phải tự mình tiến hành điều tra. Việc thu thập thông tin phục vụ cho nghiên cứu đề tài được lấy từ hai nguồn sau:
    + Dữ liệu bên trong công ty: Báo cáo tài chính trong ba năm 2009, 2010, 2011, cơ cấu tổ chức, bảng lương, quy trình quản trị rủi ro của công ty.
    + Dữ liệu từ bên ngoài công ty: gồm sách báo tài liệu liên quan đến quản trị rủi ro trong kinh doanh, quản trị tác nghiệp bán hàng, các đề tài nghiên cứu có liên quan đến quản trị rủi ro trong kinh doanh trước đó.
    1.5.2 Phương pháp phân tích, tổng hợp dữ liệu
    Để phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu đã thu thập từ đó đưa ra những kết luận cần thiết, các dữ liệu được phân tích và đánh giá qua 3 phương pháp sau:
    - Phương pháp so sánh: Là phương pháp được sử dụng để so sánh các dữ liệu của kỳ nghiên cứu với các kỳ trước đó về cả số tuyệt đối và số tương đối, từ đó chỉ ra sự thay đổi về mặt lượng của sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu.
    - Phương pháp thống kê: Là phương pháp sử dụng các kỹ thuật thống kê để tập hợp các kết quả đã điều tra nghiên cứu được, từ đó tìm ra đặc điểm chung nổi bật đại diện cho vấn đề cần nghiên cứu.
    - Phương pháp tổng hợp: Là phương pháp tổng hợp, tập hợp lại những kết quả đã nghiên cứu trước đó để rút ra được kết luận về bản chất của sự vật hiện tượng đang nghiên cứu.
    1.6. . Kết cấu của khóa luận
    Ngoài phần mở đầu, lời cảm ơn, danh mục bảng biểu sơ đồ, danh mục tài liệu tham khảo, mục lục và phụ lục, khóa luận được chia làm ba chương chính như sau:
    Chương 1: Một số vấn đề lý luận cơ bản về phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng
    Chương 2: Phân tích và đánh giá thực trạng phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của Công ty cổ phần XNK & TM Facare
    Chương 3: Một số giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bán hàng của Công ty cổ phần XNK & TM Facare
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...