Thạc Sĩ Giải pháp phát triển hệ thống thông tin tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'Ngân Hàng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Lời mở đầu

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Hiện nay, hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động chính của ngân hàng thương mại (NHTM), với hai yếu tố đầu vào cơ bản là tiền vốn và thông tin. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng. Trong các thông tin phục vụ cho kinh doanh tín dụng của NHTM thì TTTD ngân hàng chiếm vị trí rất quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp đến khách hàng, gồm thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, đánh giá xếp loại, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy, TTTD ngân hàng đã thực sự trở thành quan trọng đối với sự sống còn của ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Ngày nay, TTTD càng trở nên cần thiết hơn khi nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế.
    Từ sự cần thiết đó, các tổ chức tài chính quốc tế đã nỗ lực nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm và tìm các biện pháp thúc đẩy phát triển hoạt động TTTD trên toàn cầu với hy vọng tạo thêm những lá chắn hữu hiệu hơn với nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Cùng với những nỗ lực chung của cộng đồng tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (VN) đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh hoạt động của hệ thống TTTD ngân hàng VN với mục tiêu nhằm hạn chế rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng VN để góp phần phát triển kinh tế đất nước.
    Tuy nhiên, do hoạt động TTTD ở VN còn mới mẻ, nên dù đã có nhiều cố gắng nhưng hệ thống TTTD ngân hàng VN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phát triển hệ thống TTTD ngân hàng VN đang thực sự là một yêu cầu cấp thiết cả trên phương diện lý luận và thực tiễn hoạt động ngân hàng, không những đối với riêng VN mà còn là yêu cầu bức bách đối với những nước đang phát triển, đặc biệt là đối với những nước đang chuyển sang kinh tế thị trường.
    Trong bối cảnh đó tôi đã lựa chọn đề tài “Giải pháp phát triển hệ thống thông tin tín dụng trong hệ thống ngân hàng VN hiện nay” với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé trong sự nghiệp phát triển ngành ngân hàng vì mục tiêu phát triển phồn thịnh của nền kinh tế đất nước. Sau đây cụm từ hệ thống TTTD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam được gọi tắt là hệ thống TTTD ngân hàng Việt nam.

    2. Mục đích nghiên cứu của luận án

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận TTTD và hệ thống TTTD ngân hàng, các điều kiện để phát triển hệ thống TTTD ngân hàng, trong đó có tham khảo và học tập kinh nghiệm của thế giới.
    - Đánh giá thực trạng của hệ thống TTTD ngân hàng VN, phân tích các hạn chế, nguyên nhân và đánh giá mức độ phát triển hệ thống TTTD ngân hàng VN.
    - Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp có tính khả thi, các kiến nghị nhằm phát triển hệ thống TTTD ngân hàng VN.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu của luận án là mối quan hệ giữa TTTD, hệ thống TTTD ngân hàng và các thành phần tham gia cấu thành hệ thống đó với hoạt động tín dụng ngân hàng.
    Phạm vi nghiên cứu của luận án là hệ thống TTTD ngân hàng nói chung và hệ thống TTTD ngân hàng VN nói riêng, không nghiên cứu về TTTD phục vụ cho các ngành khác. Cũng như không nghiên cứu về mặt kỹ thuật tin học, kỹ thuật lập trình cho hệ thống TTTD ngân hàng.

    4. Phương pháp nghiên cứu

    Một số phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản được sử dụng trong luận án bao gồm: Phương pháp điều tra thống kê; Phương pháp phân tích và tổng hợp; Áp dụng mô hình kinh tế lượng; Phương pháp so sánh; Phương pháp diễn dịch; Phương pháp quy nạp; Phương pháp logic biện chứng.

    5. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu

    Sau khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, việc nghiên cứu hoạt động TTTD trên thế giới đã được đẩy mạnh, đã có rất nhiều bài viết, công trình khoa học được công bố, đây chính là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu luận án. Ví dụ một vài nghiên cứu về TTTD đã đăng tải trên diễn đàn WB( tại địa chỉ web site ở phần tài liệu tham khảo) như: Bài toán mô hình kinh tế lượng chứng minh hiệu quả TTTD của tác giả Craig Mcintosh và Bruce wydick, giáo sư trường đại học Francisco, tháng 9/2004; Nghiên cứu về vai trò và hiệu quả của chia sẻ TTTD, của tác giả Tulllio Jappelli và Mareo Pagano, năm 2005; Báo cáo kết quả khảo sát hoạt động TTTD trên thế giới năm 2001 và năm 2003; Nghiên cứu về hệ thống báo cáo TTTD trên toàn cầu, vai trò của nhà nước đối với hệ thống, của tác giả Margaret Miller, năm 2000; Nghiên cứu sự phát triển của hệ thống báo cáo TTTD trên thế giới của tác giả Leora Klapper, thuộc nhóm nghiên cứu phát triển về tài chính WB, năm 2003; Nghiên cứu sự phát triển của TTTD tiêu dùng ở Nam Á của nhóm nghiên cứu phát triển về tài chính WB, năm 2004; Nghiên cứu về xếp loại tín dụng (phương pháp, các chỉ tiêu và khả năng rủi ro tín dụng) biên soạn bởi Michael K.Ong , nhà xuất bản RiskBook, năm 2003. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên thế giới về TTTD cũng chưa hệ thống, vẫn mang tính rời rạc, chủ yếu là tập trung nghiên cứu về hiệu quả, lợi ích của TTTD và xây dựng cơ chế vận hành cho cơ quan TTTD tư nhân, khuyến khích cho việc hình thành, phát triển cơ quan TTTD tư nhân tại các nước đang phát triển.
    Đối với VN, nghiên cứu về hoạt động của hệ thống TTTD ngân hàng là vấn đề còn rất mới mẻ. Trước đây đã có những công trình nghiên cứu liên quan đến một số khía cạnh của hệ thống, nhưng thực sự chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về vấn đề này. Một số công trình đã công bố có liên quan đến đề tài nghiên cứu như sau:
    (i) Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện của Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN VN, "Giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin tín dụng NHNN VN đến năm 2010”, Mã số VNH.03.01. Nội dung cơ bản: nghiên cứu về lý luận TTTD, chủ yếu đi sâu vào nghiên cứu về cơ quan TTTD công trực thuộc NHTW, nghiên cứu thực trạng hoạt động TTTD của NHNN VN với trọng tâm chính là Trung tâm TTTD và đưa ra các giải pháp phát triển đối với Trung tâm TTTD đến năm 2010. Đánh giá mặt tích cực: Công trình đã nghiên cứu về cơ sở lý thuyết của hoạt động TTTD, đã đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể cho phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm TTTD NHNN đến năm 2010. Đánh giá một số mặt hạn chế: chưa khái quát đầy đủ lý luận về TTTD, về cấu trúc, vận hành hệ thống, chưa đưa ra được các loại hình dịch vụ TTTD, đặc biệt là chưa nghiên cứu về dịch vụ xếp loại tín dụng doanh nghiệp; chủ yếu đi sâu đánh giá hoạt động TTTD và giải pháp đối với các đơn vị thuộc NHNN VN, chưa đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp tổng thể đối với toàn bộ hệ thống TTTD NH, gồm cơ quan TTTD công và các cơ quan TTTD tư, các NHTM; chưa nghiên cứu về thị trường và giải pháp tác động thị trường để thúc đẩy phát triển hệ thống TTTD ngân hàng.
    (ii) Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện của Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN VN, “Giải pháp hoàn thiện một bước việc phân tích, xếp loại doanh nghiệp đối với hoạt động thông tin tín dụng”, mã số VNH.02.27. Nội dung chính của đề tài: nghiên cứu đưa ra phương pháp xếp loại tín dụng doanh nghiệp có quan hệ tín dụng để đáp dụng trong thực tiễn tại trung tâm TTTD. Đánh giá mặt tích cực: đưa ra một phương pháp đánh giá, xếp loại doanh nghiệp tương đối chi tiết, đề tài đã đi vào đánh giá, xếp loại doanh nghiệp tương đối kỹ về mặt tài chính doanh nghiệp, đồng thời đưa ra một thang tính điểm hợp lý và xếp doanh nghiệp thành 9 loại. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống ngân hàng VN đưa ra việc cho điểm và xếp loại doanh nghiệp, thực sự là một thành công đáng kể của các nhà chính sách ngân hàng trung ương thời kỳ đó. Đánh giá một số mặt hạn chế: Việc lựa chọn các chỉ tiêu để phân tích cũng như phương pháp phân tích thiên về tình hình tài chính của doanh nghiệp, còn thông tin về phi tài chính được coi là tham khảo, đánh giá xếp loại doanh nghiệp chưa thật khách quan, không đánh giá được thực chất trên tất cả mọi mặt.

    (iii) Ngoài ra, còn có một số luận án thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng đã nghiên cứu về hệ thống TTTD ngân hàng, nhưng chỉ nghiên cứu về một số khía cạnh, một số dịch vụ cụ thể của TTTD, chưa có một luận án nghiên cứu tổng thể về hệ thống TTTD ngân hàng.
    Tóm lại, trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống, có cơ sở khoa học và thực tiễn về phát triển hệ thống TTTD ngân hàng đang là một vấn đề rất cấp bách đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt nam.

    6. Tên và kết cấu luận án

    Tên luận án: Giải pháp phát triển hệ thống thông tin tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
    Kết cấu luận án: Ngoài phần mở đầu, danh mục các chữ viết tắt, danh mục các bảng biểu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục công trình nghiên cứu khoa học của tác giả và phần phụ lục, luận án gồm 3 chương:

    Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển hệ thống TTTD ngân hàng

    Chương 2: Thực trạng phát triển hệ thống TTTD ngân hàng VN

    Chương 3: Giải pháp phát triển hệ thống TTTD ngân hàng VN
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...