Giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: B2010-37-89CT (Đề tài Cấp bộ)
    Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đỗ Thị Bích Loan
    Các thành viên tham gia: GS.TSKH. Nguyễn Minh Đường; PGS.TS. Nguyễn Đức Trí; Ông Phạm Như Nghệ; PGS.TS. Phan Văn Nhân; ThS. Ngô Thị Thanh Tùng; TS. Trịnh Thị Anh Hoa
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 12 năm 2010/ tháng 12 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục là chủ trương được thực hiện từ rất lâu và luôn được quán triệt trong các văn kiện của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những đóng góp to lớn trong việc phát triển NNL với cơ cấu phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nước ta hiện nay đang cứng nhắc, thiếu mềm dẻo và linh hoạt, chưa thực hiện được phân luồng hợp lý sau trung học cơ sở và thiếu liên thông giữa các trình độ để chuẩn bị cho việc phát triển một đội ngũ nhân lực có chất lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tiến trình hội nhập. Mặt khác, do sự chia cắt về quản lý nhà nước nên hệ giáo dục nghề nghiệp và hệ giáo dục phổ thông chưa có sự phối hợp với nhau trong việc hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh phổ thông dẫn đến tình trạng bất cập, lãng phí. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách có hiệu quả là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo

    4. Nội dung nghiên cứu

    Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm 7 phần:

    - Cơ sở lý luận về vấn đề phân luồng và liên thông trong hệ thống GD quốc dân
    - Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục
    - Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục
    - Thực trạng phân luồng HS sau THCS và liên thông giữa các trình độ đào tạo TCCN, cao đẳng, đại học đối với một số lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu.
    - Đề xuất các giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục Việt Nam
    - Một số kiến nghị về thực hiện phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Đề tài giới hạn nghiên cứu phân luồng HS sau THCS và liên thông giữa các trình độ đào tạo dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; Nghiên cứu được thực hiện ở một số trường THCS, THPT, cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Phương pháp hồi cứu tư liệu; phương pháp nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; phương pháp chuyên gia, nghiên cứu điển hình.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Cơ sở lí luận phân luồng và liên thông
    1.1. Các khái niệm và quan niệm cơ bản về phân luồng và liên thông
    1.2. Cơ sở lí luận về phân luồng trong giáo dục
    1.3. Cơ sở lí luận về liên thông trong giáo dục
    1.4. Mối quan hệ giữa phân luồng với liên thông và giữa phân luồng, liên thông với phát triển nguồn nhân lực
    1.5. Kinh nghiệm quốc tế về phân luồng và liên thông trong giáo dục

    Chương 2: Thực trạng phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân
    2.1. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phần luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục
    2.2. Tổ chức khảo sát thực trạng phân luồng học sinh sau THCS và đào tạo liên thông
    2.3. Thực trạng phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân

    Chương 3: Các giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân
    3.1. Bối cảnh KT-XH và dự báo nhu cầu cơ cấu nguồn nhân lực đến 2020
    3.2. Quan điểm phát triển nhân lực Việt Nam đến 2020
    3.3. Quan điểm phát triển giáo dục – đào tạo đến 2020
    3.4. Định hướng phát triển giáo dục – đào tạo Việt Nam đến 2020
    3.5. Nguyên tắc đề xuất các giải pháp
    3.6. Các giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Về lý luận

    Xây dựng được cơ sở lý luận của việc phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục. Đã làm sáng tỏ các khái niệm liên quan: phân luồng, phân ban, phân hóa, liên thông trong giáo dục, đào tạo liên thông, đào tạo liên kết, nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực Đã xác định được cơ sở tâm sinh lý, cơ sở giáo dục học, cơ sở kinh tế- xã hội và các yếu tố ảnh hưởng, cũng như mối quan hệ giữa phân luồng và liên thông trong giáo dục với phát triển nguồn nhân lực.

    Đã tiến hành nghiên cứu tổng kết xu thế, kinh nghiệm về phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục của một số quốc gia (Đức, Australia, Singapore, Trung Quốc ), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thực hiện phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục.

    Về thực tiễn

    Đã tiến hành đánh giá thực trạng phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Đã phân tích rõ những mặt được, những bất cập, nguyên nhân của các bất cập trong phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục.

    Trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận và từ thực tiễn nước ta, đã đề xuất kiến nghị và một số giải pháp thúc đẩy phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của quốc gia và tạo cơ hội để ai cũng được học và học suốt đời, tiến tới xã hội học tập ở Việt Nam.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Mỗi con người nói chung, HSSV nói riêng, đều có những đặc điểm sinh học – di truyền, đặc điểm tâm lý- xã hội khác nhau, tạo nên những đặc điểm cá biệt, độc đáo không ai giống ai Do đó việc “phân hóa” trong học tập, “phân luồng”, “phân ngành nghề”, cấp bậc học cho phù hợp với đặc điểm mỗi cá nhân là có tính khoa học, nhân văn, là có lợi cho cá nhân và xã hội. Những đặc điểm cá nhân được hình thành và bộc lộ dần trong quá trình trưởng thành, được nhận thức dần dần qua các hoạt động, trải nghiệm trong cuộc sống. Vì vậy việc phân luồng vào học các cấp, bậc đào tạo, ngành nghề chỉ là những quyết định ban đầu, do đó hệ thống giáo dục cần tạo cơ hội liên thông dễ dàng để đáp ứng nguyện vọng và khả năng của từng cá nhân thay đổi con đường học tập của bản thân.

    Thực hiện phân luồng và liên thông trong GD&ĐT có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng các yêu cầu về nhân lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình CNH, HĐH đất nước và tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi người lao động được không ngừng phát triển trình độ nghề nghiệp phù hợp với năng lực của cá nhân. Phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục ngày nay được coi là một chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia và là một nhu cầu cấp thiết đang diễn ra trên khắp mọi quốc gia, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển.

    Ở Việt Nam, chủ trương phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, quán triệt và chỉ đạo trong các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, công tác phân luồng và liên thông trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục.

    Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng được nghiên cứu mở rộng để có được bản thảo sách chuyên khảo: “Các giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam”. Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng đã được công bố trong 7 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học về giáo dục và 3 bài viết, báo cáo tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế như: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và được chuyển tải trong Giáo trình “Phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục” trong Chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành “Quản lý giáo dục” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

    Khuyến nghị

    Để thực hiện thành công phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam cần có sự tham gia của toàn xã hội. Bộ GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông của Trung ương và các địa phương tổ chức tuyên truyền về phân luồng và liên thông trong giáo dục đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế-xã hội và người dân. Đồng thời, phối hợp với các Bộ/ngành có liên quan nghiên cứu đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo các nội dung sau:

    Đối với giáo dục phổ thông: 1/ Tăng tính mở của hệ thống, đảm bảo cho người học sau khi hoàn thành giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc, càng học lên càng có cơ hôi lựa chọn phương án học tập phù hợp với khả năng và điều kiện cá nhân; 2/ Tạo điều kiện cho việc phân luồng sau giáo dục cơ bản bắt buộc (giáo dục 9 năm bắt buộc) và sau từng cấp học tiếp theo. Tăng tính liên thông giữa các phân hệ để đảm bảo người học có thể lựa chọn bất kỳ phương án học tập nào; 3/ Cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng: a/ Sau THCS, học sinh học THPT được phân thành 2 nhánh: phân hóa và nghề (Nhánh Phân hóa: chỉ học 3 - 4 môn chung bắt buộc còn lại là các môn tự chọn theo hướng nghề nghiệp tương lai mà các em đã chọn; Nhánh Nghề : vừa dạy văn hóa phổ thông vừa dạy nghề với 50% thời lượng các môn văn hóa chung bắt buộc, thời gian còn lại học nghề, trong đó chú trọng đến học thực hành.); b/ Sau THPT, học sinh được chia thành 2 nhánh: hàn lâm và công nghệ (Nhánh hàn lâm: tuyển sinh chủ yếu học sinh tốt nghiệp THPT để đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH cho các ngành khoa học; Nhánh công nghệ: tập trung tuyển học sinh tốt nghiệp các trường THPT nghề để tạo nhân lực có trình độ CĐ và ĐH cho các ngành công nghệ. Thực hành chiếm một thời lượng lớn trong chương trình của nhánh công nghệ để đào tạo ra công nhân kỹ thuật trình độ cao, kỹ thuật viên hoặc kỹ sư có kỹ năng thực hành thành thạo, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững vàng đáp ứng cho yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.)

    Đối với giáo dục nghề nghiệp: 1/ Thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 2/ Cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng: a/ Đổi tên Sơ cấp nghề thành Sơ cấp kỹ thuật nghề nghiệp/nghiệp vụ, b/ Sáp nhập Trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề thành Trung cấp kỹ thuật nghề nghiệp/nghiệp vụ (TCKTNN); c/ Sáp nhập Cao đẳng và Cao đẳng nghề thành Cao đẳng kỹ thuật nghề nghiệp/nghiệp vụ.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...