Luận Văn Giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ vùng núi

Thảo luận trong 'Đầu Tư' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ vùng núi phía Bắc

    LỜI NÓI ĐẦU
    Vùng Miền núi phía Bắc nước ta gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình; diện tích tự nhiên xấp xỉ 95.000 km2, dân số năm 2000 là 10,3 triệu người, chiếm gần 29% diện tích và 13,1% dân số cả nước. Đây là vùng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống cho hơn 30 triệu người dân miền núi, đồng bằng Trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nó là cơ sở quyết định sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
    Vùng miền núi phía Bắc có đặc điểm địa hình tự nhiên phức tạp, có nhiều khó khăn, tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều yếu kém nên trong nhiều năm qua đã được Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của vùng, của từng địa phương. Cùng với sự cố gắng vượt bậc của các dân tộc, bộ mặt kinh tế- xã hội của vùng có bước tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, cho đến nay miền núi phía Bắc vẫn là một vùng nghèo khó nhất so với cả nước. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế- xã hội chậm phát triển là sự yếu kém về hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt phải kể đến sự yếu kém của mạng lưới giao thông nhất là giao thông đường bộ.
    Việc đầu tư phát triển giao thông đường bộ cho vùng miền núi phía Bắc hiện nay điều khó khăn nhất là làm thế nào để có vốn. Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề này, trong quá trình thực tập tại Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã chọn đề tài "Phương hướng và giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ vùng miền núi phía Bắc giai đoạn 2001- 2010" để nghiên cứu làm báo cáo luận văn tốt nghiệp của mình.
    Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu những yếu tố đặc thù, những thuận lợi và khó khăn tác động đến sự hình thành và phát triển giao thông đường bộ, từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp thu hút vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển mạng lưới giao thông đường bộ của vùng Miền núi phía Bắc Việt Nam trong
    Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm 3 chương:
    Chương I: Vai trò của phát triển mạng lưới giao thông đường bộ với phát triển kinh tế-xã hội vùng Miền núi phía Bắc.
    Chương II: Thực trạng huy động và sử dụng vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ vùng Miền núi phía Bắc trong thời gian qua.
    Chương III: Phương hướng và giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ vùng Miền núi phía Bắc giai đoạn 2001- 2010.
    Tôi xin chân thành cảm ơn thầy giáo Th.s Vũ Cương, thầy giáo Th.s Phan Minh Tuệ cùng các cán bộ trong Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu chuyên đề thực tập. Tôi rất mong có được sự góp ý của các thầy cô giáo trong khoa, các cán bộ của Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ để tôi khắc phục những thiếu sót và hoàn thiện chuyên đề tốt nghiệp hơn nữa.

    Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2001
    Sinh viên Trần Thị Hoài An

    CHƯƠNG I
    VAI TRÒ CỦA PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI VÙNG MIỀN NÚI PHÍA BẮC

    I. VỊ TRÍ VÙNG MIỀN NÚI PHÍA BẮC ĐỐI VỚI CẢ NƯỚC
    1. Vị trí của vùng kinh tế miền núi phía Bắc
    Vùng miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên 95.000 km2, dân số năm 2000 là 10,3 triệu người, chiếm 29% về diện tích và 13% về dân số cả nước. Đất tự nhiên phần lớn có độ cao phổ biến từ 200m đến 2.000m, có độ dốc lớn nhất cả nước. Đây là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có nhiều tiềm năng và thế mạnh về đất sản xuất nông lâm nghiệp, khoáng sản, lâm sản, nguồn thủy năng, có điều kiện phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế cả nước.
    Đất sản xuất nông nghiệp tuy hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của vùng, nhưng trong những năm đổi mới, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, tăng giống mới, đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông, thuỷ lợi nhằm phục vụ cho sản xuất nên sản phẩm hàng hoá từ nông nghiệp ngày càng tăng, kể cả lương thực, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi, Nhìn chung ở những vùng có hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông phát triển hơn thì kinh tế hàng hoá ở đó cũng phát triển nhanh hơn.
    Rừng của vùng miền núi phía Bắc là "mái nhà xanh" của khu vực phía Bắc nước ta, đặc biệt là cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Vùng có diện tích đất rừng và rừng lớn nhất so với cả nước. Theo số liệu năm 1998, đất rừng có khoảng 2.970.946 ha, chiếm 31,29% diện tích đất tự nhiên toàn vùng và 24,78% diện tích đất lâm nghiệp của cả nước. Rừng hiện có 291.200 ha chiếm 25% tổng diện tích rừng của cả nước, trữ lượng gỗ cây đứng khoảng 250 triệu m3, trong đó: Hoà Bình có 49,3 triệu m3(46 triệu m3 gỗ rừng tự nhiên và 3,2 triệu m3 gỗ rừng trồng), các tỉnh khác như Lào Cai 12,6 triệu m3 . Rừng miền núi phía Bắc có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn rửa trôi đất, điều tiết nguồn nước lâu bền cho các công trình thủy điện, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong vấn đề môi sinh, môi trường. Sự biến đổi môi trường sinh thái của vùng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả đồng bằng Bắc Bộ và các vùng lân cận.
    Vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng nhất cả nước, nhưng trong nhiều năm qua chỉ có một số khoáng sản được đầu tư khai thác như than đá, apatit, quặng sắt, và một số khoáng sản khác. Một số trung tâm công nghiệp lớn đang được phục hồi như Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang; một số cơ sở công nghiệp mới đang được hình thành như Hòn Gai, các cơ sở công nghiệp ở các thị xã của các tỉnh. Công nghiệp phát triển đặt ra cho ngành giao thông vận tải những đòi hỏi mới. Trong những năm qua giao thông phục vụ cho phát triển công nghiệp ở hầu hết các tỉnh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng.
    Vùng có đường biên giới quốc gia dài 1966 km, gồm đường biên giới giáp với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa dài 1353 km và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào dài 613 km; có 27 cửa khẩu, gồm: 3 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, 14 cửa khẩu địa phương (Số cửa khẩu của vùng này nhiều nhất so với các vùng khác, cửa khẩu quốc tế 3/8; cửa khẩu quốc gia 10/23; cửa khẩu địa phương 14/41). Cửa khẩu kết hợp với nhiều chợ đường biên, nhiều tuyến đường thông thương giữa Việt Nam với Trung Quốc, với Lào nên rất thuận lợi cho hoạt động giao lưu buôn bán qua biên giới đất liền. Nhờ có hoạt động kinh tế thương mại khu vực biên giới mà các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có thêm nhiều ưu thế lớn, trong những năm qua các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La đã tăng nguồn thu đáng kể, tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
    Vùng miền núi phía Bắc có 42 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm gần 50% dân số của các dân tộc thiểu số cả nước. Trong đó, tỉnh Hà Giang có 22 dân tộc, người H'mông chiếm 30%, Tày 26%, Dao 15%, Kinh 13%, 18 dân tộc còn lại chiếm 16% dân số; tỉnh Lào Cai có 27 dân tộc anh em, người Kinh chiếm 40% , các dân tộc khác chiếm 60% dân số; tỉnh Sơn La có 12 dân tộc, người Thái chiếm 54%, Kinh 18%, H'mông 12%, 9 dân tộc khác chiếm 16% dân số; Qua hàng ngàn năm lịch sử, các dân tộc trong vùng đã kề vai sát cánh bên nhau, cùng đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành và phát triển một cộng đồng các dân tộc anh em đoàn kết thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhân dân các dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống cách mạng kiên cường; nhiều nơi trong vùng đã trở thành khu căn cứ cách mạng của cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng bào các dân tộc đã có đóng góp to lớn trong các cuộc khánh chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    Vùng miền núi phía Bắc có nguồn nhân lực dồi dào, hiện tại số người trong độ tuổi lao động có khoảng 5,49 triệu người, chiếm 54,4% dân số của vùng, trong đó số lao động hiện đang làm việc là 4,91 triệu người. Đây là một tiềm năng, một lợi thế so sánh của vùng sẽ được phát huy mạnh mẽ nếu có chiến lược đầu tư và giải pháp phát triển thích hợp nhằm đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, có chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật cho người lao động.
    Mỗi dân tộc trong vùng đã hình thành và phát triển một loại hình văn hoá riêng, với nhiều dân tộc đã tạo thành các bản sắc văn hoá đa dạng, phong phú, độc đáo mà các vùng khác không thể có được.
    Miền núi phía Bắc cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử như Tân Trào, Pắc Bó, Điện Biên Phủ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Sapa, Mẫu Sơn, Hồ Ba Bể, Đây sẽ là tuyến du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
    Miền núi phía Bắc tuy có nhiều tiềm năng thế mạnh nhưng hiện nay vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất so với các vùng khác trong cả nước, nền kinh tế- xã hội của vùng đang ở điểm xuất phát thấp, thu không đủ chi, hàng năm hầu hết các tỉnh vẫn phải nhận trợ giúp từ Trung ương; địa hình tự nhiên hết sức phức tạp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, sản xuất chưa phát triển, đồng bào trong vùng vẫn thiếu đói, kết cấu hạ tầng nhất là giao thông yếu kém và thiếu thốn; trình độ văn hoá của phần lớn dân cư thấp kém, tình trạng mù chữ còn khá phổ biến, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, mức sống dân cư cải thiện chậm, Nhiều năm qua các thế lực thù địch lợi dụng những mặt hạn chế, những khó khăn vốn có của vùng để thực hiện các âm mưu chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, thực hiện những mưu toan chống phá nước ta trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng luôn luôn là những vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
    2. Những hạn chế của vùng miền núi phía Bắc hiện nay
    Một là, do đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích núi cao nhiều, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, phân bố phân tán nên rất khó cho tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh để tạo ra sản phẩm hàng hoá trên quy mô lớn.
    Về khí hậu thời tiết tuy có những thuận lợi cơ bản để các địa phương phát triển nông nghiệp đa dạng, nhưng cũng chỉ thuận lợi cho sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, trong thực tế cho thấy những sản phẩm mà đồng bào trong vùng sản xuất được như: chè tuyết shan, thảo quả, quế, hồi, trẩu, đều rất phân tán, rải rác khắp vùng khó có điều kiện để thu gom, chế biến tạo thành sản phẩm hàng hoá có quy mô lớn. Mặt khác, cũng do phân tán nên điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các vùng, giữa các dân tộc cũng bị hạn chế, việc phối hợp đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân dân về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng khó khăn.
    Hai là, mật độ dân cư thưa thớt, có những vùng như Mường Tè (Lai Châu) bình quân chỉ có 29 người/km2, dân cư phân bố không đều, tình trạng du canh du cư, di dân tự do khá phổ biến. Hàng chục năm qua, các địa phương trong vùng rất chú trọng công tác định canh định cư, ổn định dân di cư tự do gắn với việc xây dựng vùng kinh tế mới, nhưng do khó khăn của các tỉnh nên việc hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất chưa nhiều, nhất là xây dựng đồng ruộng lúa nước rất hạn chế, nhiều vùng dân cư sống dựa vào điều kiện tự nhiên nên nghèo đói triền miên.
    Ba là, do địa hình của vùng phức tạp, dân cư phân tán nên việc phát triển hạ tầng phục vụ cho sản xuất như giao thông, thủy lợi, đòi hỏi phải có sự đầu tư rất tốn kém. Tuy Nhà nước đã hỗ trợ cho vùng nhiều mặt nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, nên chưa có điều kiện để nhân dân trong vùng phát triển sản xuất, trao đổi hàng hoá, hình thành kinh tế thị trường. Nhiều hộ gia đình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, đến mùa thu hoạch thì không có nơi tiêu thụ, giá rất thấp, phải bán rẻ, đồng tiền thu được không bù nổi chi phí sản xuất, có nơi phải chặt phá cây trồng.
    Bốn là, công nghiệp của vùng miền núi phía Bắc phát triển thấp kém nhất so với toàn quốc. Một số tỉnh như Bắc Cạn, Hoà Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang trong những năm gần đây không phát triển thêm một doanh nghiệp nào đáng kể, bởi không có khả năng vay vốn, sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ, hoặc do vận tải quá xa nên chi phí sản xuất và lưu thông quá lớn. Bốn trung tâm công nghiệp đã có trong vùng là Bắc Giang, Thái Nguyên, Việt Trì, Lào Cai nhưng không có điều kiện phát triển như đã nói phần trên, nên nguồn thu ngân sách từ ngành công nghiệp của vùng chiếm tỷ lệ chưa cao, chưa có nguồn thu chủ lực.
     
Đang tải...