LỜI NÓI ĐẦU Sau những năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Ngày nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các mối quan hệ kinh tế không chi bó hẹp trong phạm vi một vùng, một quốc gia mà lan rộng trên phạm vi toàn Thế giới. Các hợp đồng kinh tế ngày càng được phát triển về quy mô, giá trị các hợp đồng ngày càng lớn, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao. Các bên đối tác không biết rõ thông tin về nhau và không có đủ độ tin cậy lẫn nhau. Do đó đòi hỏi cần có một tổ chức có năng lực tài chính mạnh, có uy tín cao đứng ra làm trung gian đảm bảo quyền lợi của các bên đối tác, nghiệp bảo lãnh ngân hàng đã ra đời để đáp ứng yêu cầu đó. Như vậy cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nghiệp vụ bảo lãnh cũng ra đời và phát triển như một hệ quả tất yếu khách quan. Năm 1995, lần đầu tiên chi nhánh Ngân hàng ĐT-PT Hà Nội đưa nghiệp vụ này vào hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế và đa dạng hóa loại hình hoạt động của ngân hàng, thỏa mãn tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng. Trong những năm qua, quy trình nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện. Với sự cần thiết của nghiệp vụ bảo lãnh, qua thời gian thực tập ở Ngân hàng ĐT-PT Hà Nội, em chọn đề tài: “ Giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng ĐT-PT Hà Nội ” làm chuyên đề tốt nghiệp của mình. Nội dung gồm 3 phần: - Phần I: Ngân hàng thương mại và hoạt động bảo lãnh ngân hàng thương mại. - Phần II: Thực trạng hoạt động bảo lãnh ở Ngân hàng ĐT-PT Hà Nội. - Phần III: Các giải pháp nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh ở Ngân hàng ĐT-PT thành phố Hà Nội. Em xin trân trọng cám ơn thầy giáo Đặng Anh Tuấn, các thầy cô giáo trong khoa Ngân hàng Tài chính trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các cô chú, anh chị cán bộ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội đã nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ em trong thời gian thực tập và hoàn thành bài viết này.