Luận Văn Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Ngân Hàng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI MỞ ĐẦU

    1. Tầm quan trọng của đề tài:

    Công ty chứng khoán với vai trò là định chế trung gian gắn kết các hoạt động của thị trường, kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán chính là hàn thử biểu của thị trường chứng khoán. Theo số liệu thống kê, năm 2010 và năm 2011 có khá nhiều các công ty chứng khoán bị lỗ. Vậy triển vọng của cổ phiếu ngành chứng khoán năm 2012 sẽ ra sao?
    Nhìn lại năm 2010, có thể thấy thị trường chứng khoán gần như đi ngang với chỉ số VN-Index đầu năm và cuối năm đóng cửa xung quanh mức 500 điểm. Tỷ giá bất ổn, lãi suất cao và đặc biệt là lạm phát tăng cao trong giai đoạn cuối năm 2010 khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán trở nên khan hiếm. Điều này tạo ra rất nhiều thách thức và sự phân hóa rõ nét trong hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán.
    Dư chấn từ cuối năm 2010 và năm 2011 đã ảnh hưởng sang giai đoạn đầu năm 2012. Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những khó khăn (căng thẳng tỷ giá, lãi suất tăng cao, một loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu tăng giá) khiến Chính phủ phải ra Nghị quyết để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong nhiều giải pháp là thắt chặt tiền tệ, trong đó có hạn chế cho vay vào lĩnh vực như chứng khoán và bất động sản.
    Lãi suất thực vay tại các ngân hàng lên đến trên 20% khiến DN phải hết sức cân nhắc trước khi sử dụng kênh huy động vốn này. Nhà đầu tư cũng không mặn mà dùng đòn bẩy khi thị trường chưa thể hiện xu hướng tăng trưởng, lãi suất cho vay tăng cao. Như vậy, mặc dù giá nhiều cổ phiếu đã xuống khá thấp (P/E xoay quanh 10 lần), nhưng lợi nhuận thu được trên cổ phiếu năm 2011 không hứa hẹn cao khiến nhà đầu tư dè dặt.
    Bên cạnh đó, chỉ khi xu hướng sáp nhập các CTCK diễn ra, đưa số CTCK hoạt động trên TTCK về còn 35 - 40 công ty thì cổ phiếu chứng khoán mới hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động các CTCK là không dễ khi các cổ đông lớn của khối doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường sau khi đã đầu tư số tiền không nhỏ vào công nghệ và xây dựng bộ máy.
    Trong điều kiện khó khăn chung của toàn thị trường chứng khoán và theo dự thảo tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán của ủy ban chứng khoán Nhà nước thì bản thân mỗi công ty chứng khoán muốn tồn tại và phát triển thì vấn đề nâng câo năng lực cạnh tranh chính là vấn đề cấp thiết cần quan tâm hàng đầu hiện nay.
    Khi thực tập tại Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), tìm hiểu hoạt động của công ty từ khi thành lập đến nay em nhận thấy công ty cần phải có biện pháp nâng cao năng lực canh tranh để có thể đứng vững trong điều kiện áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Với mong muốn đóng góp một số ý kiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty nên em đã lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh”.
    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài:
    ü Đối tượng nghiên cứu: thực trạng năng lực cạnh tranh và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần chứng khoán HSC.
    ü Phạm vi nghiên cứu: là hoạt động kinh doanh chứng khoán của HSC từ 2008 đến nay từ nhiều nguồn.
    ü Phương pháp nghiên cứu: trong quá trình nghiên cứu và viết bài có sử dụng: phương pháp duy vật biện chứng, thống kê, phân tích, và phương pháp so sánh-tổng hợp.
    2. Nội dung của đề tài gồm 3 phần chính là:
    Chương 1: Cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh của Công ty chứng khoán.
    Chương 2: Thực trạng về năng lực cạnh tranh của Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
    Chương 3: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

    Hà Nội ngày 2/5/2012

    Sinh viên thực hiện:

    Nguyễn Thị Thùy Trang


    CHƯƠNG 1
    CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

    1.1. Những vấn đề chung về công ty chứng khoán

    1.1.1. Khái niệm và mô hình công ty chứng khoán

    1.1.1.1. Khái niệm về công ty chứng khoán

    Thị trường chứng khoán là nơi các chứng khoán được phát hành và trao đổi. Thị trường chứng khoán hoạt động vì các mục tiêu: hoạt động có hiệu quả, điều hành công bằng, phát triển ổn định. Để đạt được các mục tiêu trên, TTCK phải hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:
    · Nguyên tắc cạnh tranh tự do
    · Nguyên tắc giao dịch công bằng
    · Nguyên tắc công khai
    · Nguyên tắc trung gian mua bán
    Theo nguyên tắc trung gian mua bán, thì trên TTCK các giao dịch được thực hiện thông qua tổ chức môi giới để đảm bảo các loại chứng khoán được giao dịch là chứng khoán thực tế và hợp pháp, tránh sự giả mạo lừa đảo trong giao dịch. Các công ty chứng khoán bằng việc thực hiện các nghiệp vụ của mình đảm nhận vai trò trung gian cho cung và cầu chứng khoán gặp nhau. Trên thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư thường không mua trực tiếp từ nhà phát hành mà mua từ các nhà bảo lãnh phát hành. Trên thị trường thứ cấp, thông qua các nghiệp vụ môi giới, kinh doanh, các công ty chứng khoán mua chứng khoán giúp các nhà đầu tư hoặc mua chứng khoán của nhà đầu tư, kinh doanh kiếm lời.
    Vậy công ty chứng khoán là gì?
    Theo giáo trình thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán của nhà xuất bản tài chính năm 2009 thì: “Công ty chứng khoán là một loại hình định chế trung gian đặc biệt trên thị trường chứng khoán, thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán như ngành nghề chính “.
    Còn theo Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 và NĐ số 14/2007/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán thì :Công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau:
    · Môi giới chứng khoán (VPĐ 25 tỷ VNĐ)
    · Tự doanh chứng khoán(VPĐ 100 tỷ VNĐ)
    · Bảo lãnh phát hành chứng khoán (VPĐ 165 tỷ VNĐ)
    · Tư vấn đầu tư chứng khoán (VPĐ 10 tỷ VNĐ)
    Công ty chứng khoán chỉ được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
    Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh trên CTCK còn được phép cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.
    Ngoài ra, do đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán các CTCK còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề chứng khoán.
    1.1.1.2. Mô hình hoạt động của công ty chứng khoán

    Các công ty chứng khoán có thể thực hiện hoạt động theo một trong hai mô hình sau:
    · Mô hình chứng khoán đa năng
    Ngân hàng thương mại là những công ty có số vốn khổng lồ và sẵn sàng gia nhập những ngành kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Chính vì vậy mà trong thời kì đầu hình thành thị trường chứng khoán, tại Mỹ các ngân hàng thương mại tự bỏ vốn để hình thành các công ty trực thuộc sự quản lý, điều hành của mình. Đến năm 1929-1931 do các ngân hàng thương mại đổ quá nhiều tiền vào chứng khoán, khi thị trường chứng khoán sụt giảm đã ảnh hưởng đến một loạt các ngân hàng thương mại khiến cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng, suy thoái trầm trọng. Ngay sau cuộc khủng hoảng này, chính phủ Mỹ đã ra quyết định các ngân hàng thương mại muốn kinh doanh chứng khoán phải thiết lập công ty chứng khoán độc lập hoạt động tách rời. Đó chính là mô hình ban đầu của công ty chứng khoán đa năng hoàn toàn và công ty chứng khoán đa năng một phần. Từ đó, ta có thể khái quát:
    - Mô hình chứng khoán đa năng một phần:
    Các tổ chức tài chính thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng, hay bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán phải lập công ty hoạt động tách rời.
    - Mô hình chứng khoán đa năng toàn phần:
    Các tổ chức tài chính thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng, hay bảo hiểm, được kinh doanh chứng khoán. Với lợi thế về kinh nghiệm, vốn và chuyên môn, ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng trong kinh doanh. Cũng nhờ có lợi thế trên mà các ngân hàng thương mại có thể lũng đoạn thị trường. Song cũng dễ bị ảnh hưởng ngược lại bởi những thay đổi của nền kinh tế.
    · Mô hình chứng khoán chuyên doanh
    Theo mô hình này, hoạt động kinh doanh chứng khoán sẽ do các công ty chứng khoán độc lập đảm nhiệm với sự chuyên môn hoá. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của thị trường đồng thời hạn chế được rủi ro cho các ngân hàng, các tổt chức tài chính khác.
    Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác các công ty chứng khoán chủ yếu theo hai mô hình: Chuyên doanh và đa năng một phần.
    1.1.1.3. Mô hình tổ chức của công ty chứng khoán

    Trên thế giới hiện nay có ba hình thức tổ chức cơ bản của công ty chứng khoán là: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
    · Công ty hợp danh:
    Là loại hình kinh doanh có từ 2 chủ sở hữu trở lên. Thành viên của công ty hợp danh bao gồm: thành viên góp vốn và thành viên hợp danh. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về nghĩa vụ của công ty. Các thành viên góp vốn không tham gia điều hành công ty, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình đối với các khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh không được phép phát hành bất cứ loại chứng khoán nào.
    · Công ty trách nhiệm hữu hạn:
    Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phép phát hành cổ phiếu.
    · Công ty cổ phần:
    Công ty cổ phần là một pháp nhân độc lập, các chủ sở hữu của công ty là các cổ đông. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán hiện hành.
    Do ưu điểm của loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn so với công ty hợp danh nên chủ yếu các công ty chứng khoán thường tổ chức theo 2 hình thức này. Hiện nay ở Việt Nam các công ty chứng khoán được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...