LỜI MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Nghèo đói là một vấn đề mang tính chất toàn cầu, luôn tồn tại trong xã hội, nghèo đói làm cho nền kinh tế chậm phát triển, xã hội không ổn định, giải quyết vấn đề nghèo đói là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Ngay cả những nuớc có nền kinh tế phát triển cao cũng có tình trạng nghèo đói, đó là một thách thức lớn cho sự phát triển của toàn nhân loại . Việt Nam là một trong những nước nghèo trên thế giới, với gần 70% dân cư sống ở khu vực nông thôn, lực lượng lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn, sự lạc hậu về kinh tế và trình độ phân công lao động xã hội kém dẫn tới năng suất lao động và mức tăng trưởng xã hội thấp. Tình trạng nghèo đói ở Việt Nam diễn ra rất phổ biến và phức tạp đặc biệt khu vực miền núi và nông thôn chiếm tỷ lệ cao, có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn giữa thành thị và nông thôn. Nghèo đói làm cho trình độ dân trí không thể nâng cao, đời sống xã hội không thể phát triển được. Chính vì vậy trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước Đảng và Nhà nước ta luôn đặt mục tiêu xoá đói giảm nghèo lên hàng đầu, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống và tạo mọi điều kiện để đáp ứng đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của người nghèo, đưa đất nước ta tiến vào kỉ nguyên mới nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xuất phát từ mục tiêu trên, ngày 04/10/2002 Thủ Tướng chính phủ đã có quyết định số 131/TTg thành lập ngân hàng chính sách xã hội, trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo trước, để thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng khác. Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) ra đời là tổ chức tín dụng của Nhà nước, là cầu nối đến với người dân tạo nguồn vốn cho người nghèo thoát khỏi cảnh đói nghèo nhằm: xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định xã hội . Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo bắt đầu được triển khai từ năm 1998 theo quyết định số 51/1998/QĐ-TTg, thời gian này do Ngân hàng công thương Việt nam cho vay. Sau đó được thay thế bởi quyết định số 107/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và từ Ngân hàng công thương Việt nam chuyển bàn giao sang NHCSXH cho vay. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tại những nơi có Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngày 02/05/2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 316 về chính sách tín dụng đối với các đối tượng chính sách. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nuớc, nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo điều kiện, cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần trang trải chi phí, sinh hoạt, nâng cao đời sống. Quyết định 316 ra đời đã giành được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành, mọi người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính. Mở rộng ra các đối tượng đựoc vay vốn là hộ nghèo, về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hoả hoạn, dịch bệnh được vay vốn. Mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 0.65%/ tháng, với mục đích cho vay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ . Được thành lập tháng 7/2003, Phòng giao dịch (PGD) ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Trung qua gần 9 năm thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách, PGD đã góp phần tích cực vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sông nhân dân các xã trong toàn huyện. Tuy nhiên, với NHCSXH thì vốn vẫn là nỗi lo lâu dài, trung bình vay vốn sau 3 năm mới bắt đầu trả nợ, song một số hộ nghèo vẫn chưa đủ khả năng trả nợ đúng kì hạn nên cũng là khó khăn cho NHCSXH thu hồi vốn đúng kì hạn . Bởi vậy để đưa ra giải pháp cho NHCS khắc phục, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên phát triển cùng cộng đồng nên em chọn đề tài "Giải pháp nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Trung -tỉnh Thanh Hoá "