1. Lý do chọn đề tài Từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đặc biệt sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, ngoại thương ngày càng phát triển, đem lại nhiều đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để có được những thành công đó, không thể không kể đến những đóng góp của ngành vận tải nói chung và các hãng hàng không nói riêng, đặc biệt trong vòng vài năm trở lại đây. Do đó các đề tài nghiên cứu về hàng không luôn luôn thu hút các nhà nghiên cứu khoa hoc quản lý, các sinh viên đại học cũng như cao học, đặc biệt là ở khía cạnh chiến lược hoạt động hay các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không ở toàn mạng bay hay ở một số đường bay chiến lược. Thật sự đã có nhiều đề tài nghiên cứu về hàng không tại Việt Nam tuy nhiên phần lớn là tập trung vào chiến lược cho phát triển Vietnam Airlines , tập trung vào các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Vietnam Airlines (ví dụ như luận văn thạc sỹ của tác giả Vũ Thị Loan, 2001; Phùng Lệ Trinh, 2003 ). Một số khác thì nghiên cứu cho các hàng không giá rẻ (Luận văn tiến sỹ của tác giả Dương Cao Thái Nguyên) hay Công ty bay dịch vụ (Luận văn thạc sỹ của tác giả Phạm Minh Đức). Còn nghiên cứu về hành khách theo trên một thị trường cụ thể trên một đường bay cụ thể thì hầu như chưa có nhiều; mặt khác cũng chưa có ai nghiên cứu về đường bay Tp HCM đi Bangkok tại thị trường Việt Nam. Chính vì thế, sau khi kết thúc khóa học cao học 2005-2008, tôi mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu đường bay Tp HCM - Bangkok của Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không khác. Tuy nhiên trong lĩnh vực vận tải hàng không có một khía cạnh khác các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa khác là có chiến lược kinh doanh phức tạp theo từng thị trường. Vì thế, với hạn chế về thời gian và không gian, học viên chỉ nghiên cứu trong phạm vi là đối tượng khách Việt Nam sống và làm việc tại Thành Phố Hồ Chí Minh (Tp HCM) hay các vùng lân cận; thật ra đây cũng là điều khá thiết yếu vì theo điều tra các danh sách hành khách trên đường bay Tp HCM - Bangkok quý 4/2007 của các hãng hàng không thì thấy hầu hết hành khách có tên tiếng Việt có tỷ lệ trên 50%, có hãng lên tới hơn 70%, riêng Vietnam Airlines có đến 61,09%; thêm nữa, khảo sát 600 khách của Vietnam Airlines, có hơn 98% hành khách có tên Việt mua vé tại thị trường Việt Nam (Tp HCM và các tỉnh lân cận). Do vậy khách Việt Nam sống và làm việc tại Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của đường bay TP HCM - Bangkok. Như vậy đề tài “Giải pháp mở rộng khai thác đường bay Tp HCM – Bangkok của Vietnam Airlines tại thị trường Việt Nam” là có ý nghĩa và cần thiết. 2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu. Mục tiêu nghiên cứu Xem xét các yêu tố vĩ mô và vi mô trong môi trường kinh doanh thực tại có ảnh hưởng đến việc khai thác đường bay Tp HCM – Bangkok. Đồng thời nghiên cứu các đối tượng khách hàng Việt Nam là nghiên cứu các yếu tố giới tính, tuổi, thu nhập, nghề nghiệp và những ảnh hưởng như thế nào trong quá trình tìm hiểu và ra quyết định lựa chọn hãng hàng không trên đường bay Tp HCM - Bangkok. Và dựa trên các kết quả này, nghiên cứu sẽ đưa ra các biện pháp hay đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của đường bay này cho hãng Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Phạm vi nghiên cứu. Sử dụng các số liệu báo cáo của các đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam, các số liệu được công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng (thứ cấp) kết hợp với dữ liệu thu thập từ việc phỏng vấn trực tiếp hành hành khách đã từng đi máy bay chặng Tp HCM đi Bangkok (sơ cấp). Vì đặc trưng của địa lý nên đường bay Tp HCM - Bangkok, nên phần lớn khách khởi hành là sống và làm việc tại các tỉnh Nam bộ và một phần của Nam trung bộ vì nếu ở Miền Trung thì có xu hướng bay từ Đà Nẵng, còn phía bắc thì xuất phát từ Hà Nội. Một yếu tố khác là số người thực hiện các chuyến bay Tp HCM - Bangkok, là không lớn so với toàn bộ dân số nên không thể phân bổ mẫu theo vùng nên số liệu nghiên cứu sẽ lấy từ nhiều nguồn trong đó lấy Tp HCM là hạt nhân nghiên cứu. Mặt khác để số liệu không bị sự lạc hậu vì qúa cũ, không cập nhật đúng, kịp thời nên các hành khách được hỏi phải là những người đã thực hiện chuyến bay thẳng (trực tiếp) chặng bay Tp HCM - Bangkok trong vòng 3 năm 2006 - 2008. 3. Phương pháp nghiên cứu. Đối với nghiên cứu định tính: sử dụng phương pháp thảo luận nhóm nhỏ, lấy ý kiến chuyên gia nhằm xây dựng được một đề cương. Đối với nghiên cứu định lượng: tham khảo ý kiến hành khách bẳng phiếu câu hỏi và xử lý thống kê thu thập số liệu bằng công cụ nghiên cứu là phần mềm SPSS để tìm sự khác biệt hay mối liên hệ (nếu có), giữa ý kiến trả lời và các đặc điểm khác nhau của khách hàng (giới tính, nghề nghiệp, mức thu nhập, tuổi ) 4. Kết cấu của đề tài nghiên cứu. Luận văn ngoài phần mở đầu và kết luận được chia làm 3 chương. Chương I trình bày cơ sở lý thuyết về hành vi tiêu dùng nói chung và các nét đặc trưng trong lĩnh vực vận tải hành khách trong hàng không. Chương II trình bày sơ nét về lịch sử phát của Vietnam Airlines và hoạt động thực tiễn của Vietnam Airlines và các hãng hàng không đối thủ trong đường bay Tp HCM - Bangkok. Chương III là thực hiện điều tra hành khách người Việt Nam tại Tp HCM và các địa phương khác, xử lý các số liệu và đưa ra các biện pháp, đề xuất kiến nghị nhằm mở rộng khai thác hiệu qủa đường bay Thành Phố Hồ Chí Minh – Bangkok của Vietnam Airlines.