MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tỷ giá hối đoái là một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Không ít nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn do tỷ giá hối đoái gây ra. Tỷ giá hối đoái đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các học giả, các nhà kinh tế, các nhà chính trị và nó đã trở thành một chủ đề thảo luận sôi nổi và kéo dài không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đã có nhiều nghiên cứu, tìm tòi nhằm đưa ra một cơ chế, chính sách điều hành tỷ giá hối đoái hiệu quả và khôn ngoan. Tuy nhiên, cho đến nay lời giải đáp hoàn chỉnh vẫn còn đang ở phía trước. Một nền kinh tế mở, tiến tới hội nhập với thị trường thế giới đòi hỏi phải xác định một chính sách tỷ giá hối đoái thích hợp để có thể khuyến khích, tận dụng nguồn lực sản xuất trong nước và cả bên ngoài nhằm mở rộng nền kinh tế hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Việc xác định một tỷ giá hối đoái phù hợp với sức mua của đồng nội tệ và quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại tệ sẽ giúp quốc gia chủ động được trong việc can thiệp vào tỷ giá khi có biến động bất thường để giữ cân bằng mà tránh cho nền kinh tế thoát khỏi những cú sốc. Từ đó, giúp ổn định giá cả, ổn định tiền tệ, thu hút đầu tư, kiểm soát được lạm phát, hạn chế thất nghiệp, tạo được lòng tin của người dân vào đồng nội tệ, vào chính sách kinh tế. Việc xây dựng một chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp còn giúp đảm bảo một chính sách tiền tệ độc lập, một chính sách tài chính vững mạnh, giải quyết một cách chủ động và hiệu quả các vấn đề khác như: ổn định ngân sách, ổn định tiền tệ, nợ nước ngoài Vấn đề tỷ giá và điều hành chính sách tỷ giá hối đoái thời gian qua ở nước ta cũng đạt được một thành tựu đáng kể, tuy nhiên, trong tình hình mới đòi hỏi phải có cơ chế tỷ giá và điều hành chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt hiệu quả hơn. Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó, luận văn đã chọn đề tài:”Giải pháp điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong ngoại thương Việt Nam” để thực hiện. 2. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở lý luận về tỷ giá hối đoái, những tư liệu thực tiễn của chính sách tỷ giá hối đoái trong và ngoài nước từ đó mục đích của luận văn nghiên cứu là: - Hệ thống lại những vấn đề lý luận về tỷ giá hối đoái và chính sách tỷ giá hối đoái. - Nghiên cứu thực trạng điều hành chính sách tỷ giá và những tác động của nó đến ngoại thương Việt Nam. - Từ thực tiễn đưa ra những giải pháp điều hành chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp trong ngoại thương Việt Nam trong thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận văn lấy cơ chế điều hành chính sách tỷ giá hối đoái ở nước ta làm đối tượng nghiên cứu.Trong đó nghiên cứu chính sách tỷ giá hối đoái và tác động của nó đến ngoại thương Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Từ đó đưa ra các giải pháp điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong ngoại thương của nước ta trong thời gian tới. 4. Phương pháp luận nghiên cứu Mang tính khoa học và ứng dụng trong thực tiễn nên trong quá trình nghiên cứu luận văn luôn dựa vào phương pháp duy vật biện chứng, đồng thời kết hợp với các phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp thống kê và các phương pháp khác nhằm làm sáng tỏ vấn đề đặt ra trong thực tế. 5. Giới thiệu về kết cấu đề tài Với phương châm viết ngắn gọn đầy đủ nội dung, xúc tích và dễ hiểu, kết cấu luận văn được trình bày gồm ba chương: Chương 1: Lý luận chung về tỷ giá hối đoái, chính sách tỷ giá hối đoái và tác động của nó đối với ngoại thương. Chương 2: Thực trạng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái và những tác động của nó đến ngoại thương Việt Nam. Chương 3: Giải pháp điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong ngoại thương Việt Nam trong thời gian tới.