1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Việc làm và giải quyết việc làm là một vấn đề kinh tế xã hội có tính toàn cầu, là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, quan niệm về phát triển được hiểu đầy đủ là: Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; phải xoá đói, giảm nghèo, giảm thiểu thất nghiệp . Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống một đời hạnh phúc” [dt 23,tr.17]. Tư tưởng của người luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết việc làm cho người lao động. Ở nước ta hiện nay, nông thôn chiếm 74,37% dân số và 75,6% lực lượng lao động (32,7 triệu trong 43 triệu lao động cả nước) và gần 90% số người nghèo của cả nước vẫn đang sống ở nông thôn. Tỷ lệ thời gian nhàn rỗi ở nông thôn chiếm 19,3%, thất nghiệp ở thành thị 5,1%. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhận định: “Tỷ trọng trong nông nghiệp còn quá cao. lao động thiếu việc làm và không có việc làm còn nhiều. Tỷ lệ qua đào tạo rất thấp” [dt 14,tr.166] . Thất nghiệp, thiếu việc làm đang và sẽ diễn biến rất phức tạp, cản trở quá trình vận động và phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết cho từng ngành, địa phương và từng gia đình. Tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, một mặt, nhằm phát huy tiềm năng lao động, nguồn lực to lớn ở nước ta cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, là hướng cơ bản để xoá đói, giảm nghèo có hiệu quả, là cơ sở để cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: “Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản. Bằng nhiều biện pháp, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng quỹ thời gian lao động được sử dụng, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn. Các thành phần kinh tế mở mang các ngành nghề, các cơ sở sản xuất, dịch vụ có khả năng sử dụng nhiều lao động. Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Khôi phục và phát triển các làng nghề . sớm xây dựng và thực hiện chính sách trợ cấp cho người lao động thất nghiệp” [dt 16,tr.140,150]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân và cho lao động nông thôn, nhất là các vùng nhà nước thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở phi nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giảm nhanh tỉ trọng lao động làm nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động làm công nghiệp và dịch vụ. Tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm .” [dt 14,tr.195] Trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã có một số biện pháp nhằm giải quyết vấn đề việc làm trong lao động nông thôn, nhưng qua thực tiễn cho thấy cũng chỉ giải quyết được một số vấn đề nhỏ. Huyện Đồng Hỷ là một huyện phần lớn là sản xuất nông nghiệp, trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp và là nơi tập trung các dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội chưa thực sự phát triển, vấn đề lao động nông thôn dư thừa đang còn là những bất cập cần được giúp đỡ và giải quyết. xã hội ngày càng phát triển mạnh nhưng ở Đồng Hỷ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề việc làm nông thôn, xuất phát từ những lí do trên tác giả lựa chọn đề tài: "Giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên" làm đề tài luận văn thạc sĩ. 2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU 2.1. Mục tiêu chung Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng về việc làm của lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, sẽ thấy có những ưu điểm, những tồn tại và tiềm năng về lao động và việc làm, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống con người lao động nông thôn của huyện, góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 2.2. Mục tiêu cụ thể - Góp phần hệ thống hoá về cơ sở lý luận và thực tiễn về lao động và nhu cầu việc làm nói chung, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói riêng. - Phân tích đánh giá thực trạng việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. - Đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. 3. ĐỐI TưỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là các vấn đề liên quan đến việc làm và nhu cầu việc làm của người lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Nội dung nghiên cứu: Đề tài chủ yếu nghiên cứu về thực trạng của lao động nông thôn của huyện Đồng Hỷ - Về không gian nghiên cứu trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. - Về thời gian nghiên cứu thực trạng huyện Đồng Hỷ từ năm 2005 - 2007, số liệu sơ cấp được thu thập ở các hộ nông dân năm 2007. 4. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI Đề tài là công trình khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, là tài liệu giúp huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn. 5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở khoa học về vấn đề việc làm của người lao động nông thôn và phương pháp nghiên cứu. Chương 2: Thực trạng việc làm của người lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. Chương 3: Một số giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên.