Tài liệu Giặc giã ở trong nước

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    GIẶC GIÃ Ở TRONG NƯỚC
    1. VIỆC RỐI LOẠN TRONG NƯỚC. Vua Dực Tông vốn là ông vua có lòng chăm chỉ về việc trị dân, ngay từ năm Canh Tuất (1850), là năm Tự Đức thứ 3, ngài đã sai ông Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược đại sứ Bình Định, Phú Yên , Khánh Hoà và Bình Thuận; ông Nguyễn Đăng Giai làm Kinh lược đại sứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá. Các ông ấy đi khám xét công việc các quan lại và sự làm ăn của dân gian, có điều gì hay dở phải sớ tâu về cho vua biết.
    Tuy vậy mặc lòng, không có đời nào lắm giặc giã bằng đời ngài làm vua. Chỉ được vài ba năm đầu thì còn có hơi yên trị, còn từ năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 trở đi, thì càng ngày càng nhiều giặc hơn cả, bởi vì đất Bắc kỳ là đất của nhà Lê cũ, dân tình cũng có nhiều người tưởng nhớ đến tiền triều, nên cho những người muốn làm loạn, hoặc tự nhận là dòng dõi nhà Lê, hoặc tìm một người nào giả nhận dòng dõi nhà Lê, rồi tôn lên làm minh chủ để lấy cớ mà khởi sự.
    Lại nhân lúc bấy giờ bên Tàu có giặc Thái Bình nổi lên đánh nhà Thanh, đến khi giặc ấy tan thì dư đảng chạy tràn sang nước ta cướp phá mạn thượng du. Nào giặc Khách, nào giặc ta, quan quân cứ phải đi đánh dẹp luôn. Ở trong nước thì thỉnh thoảng lại có tai biến, như nước lụt, đê vỡ, . Ở Hưng Yên, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn Giang thành ra bãi cát bỏ hoang, dân gian đói khổ, nghề nghiệp không có, cho nên người đi làm giặc càng ngày càng nhiều vậy.
    2. GIẶC TAM ĐƯỜNG. Năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4, có giặc Khách là bọn Quảng Nghĩa Đường, Lục Thắng Đường, Đức Thắng Đường . tục gọi là giặc Tam Đường, quấy nhiễu ở mặt Thái Nguyên, vua sai ông Nguyễn Đăng Giai ra kinh lược Bắc kỳ. Ông ấy dùng cách khôn khéo dụ được chúng nó về hàng. Bởi vậy trong hạt lại được yên một độ. Nhưng đến cuối năm Giáp Dần (1854) là năm Tự Đức thứ 7, Nguyễn Đăng Giai mất, đất Bắc kỳ lại có loạn.
    3. GIẶC CHÂU CHẤU. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), ở tỉnh Sơn Tây có một bọn người đem Lê Duy Cự là dòng dõi nhà Lê ra lập lên làm minh chủ để khởi sự đánh nhà Nguyễn. Lúc ấy có Cao Bá Quát, người làng Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, thi đỗ cử nhân, ra làm quan, được bổ chức giáo thụ phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Cao Bá Quát có tiếng là người văn học giỏi ở Bắc Kỳ, mà cứ bị quan trên đè nén, cho nên bức chí, bỏ quan về đi dạy học, rồi theo bọn ấy xưng là quốc sư để dấy loạn ở vùng Sơn Tây là Lê Thuận đi đánh bắt được Cao Bá Quát đem về chém tại làng.
    Nhân vì mùa tháng năm ấy ở vùng tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây có nhiều châu chấu ra phá hại mất cả mùa màng, rồi đến cuối năm lại có giặc ấy, cho nên người thời bấy giờ gọi là giặc châu chấu.
    Cao Bá Quát chết rồi, Lê Duy Cự còn quấy rối đến mấy năm sau mới dẹp yên được. Từ đó trở đi, không năm nào là năm không có giặc, nhưng kiệt hiệt hơn cả là có giặc tên Phụng và giặc Khách ở mạn Thượng du.
    4. GIẶC TÊN PHỤNG. Năm Tân Dậu (1861), quân nước Pháp và nước I-pha-nho sang đánh Quảng Nam, có mấy người ở Bắc kỳ theo vào làm lính mộ. Trong ấy có tên Tạ Văn Phụng trước đã theo giáo sĩ ra ngoại quốc đi học đạo, sau lại theo Trung tướng Charner về đánh Quảng Nam.
    Đến tháng chạp, thì tên Phụng ra Bắc kỳ, tự xưng là Lê Duy Minh dòng dõi nhà Lê, rồi tự xưng làm minh chủ, cùng với một người đạo trưởng tên là Trường làm mưu chủ, và tên Ước, tên Độ dấy binh ở Quảng Yên. Đảng tên Phụng đem quân giặc Khách ở ngoài bể vào đánh lấy phủ Hải Ninh, rồi lại thông với giặc Khách và giặc ta ở các tỉnh, để làm loạn ở Bắc kỳ.
    Tháng ba năm Nhâm Tuất (1862), ở Bắc Ninh có tên cai tổng Nguyễn Văn Thịnh (tục gọi là cai tổng Vàng) xưng làm nguyên suý, lập tên Uẩn mạo xưng là con cháu nhà Lê, lên làm minh chủ, rồi nhập đảng với tên Phụng, đem binh đi đánh phủ Lạng Giang, huyện Yên Dũng, và vây thành Bắc Ninh.
    Bấy giờ quan bố chính tỉnh Hà Nội là Nguyễn Khắc Thuật, quan bố chính tỉnh Sơn Tây là Lê Dụ và quan phó lĩnh binh tỉnh Hưng Yên là Vũ Tảo đem quân ba tỉnh về đánh giải vây cho tỉnh Bắc. Vũ Tảo đánh nhau với quân giặc hơn 10 trận mới phá được quân giặc.
    Ở phía đông thì tên Phụng vây đánh thành Hải Dương, tỉnh thần dâng sớ cáo cấp. Triều đình bèn sai quan Thượng thư bộ Hình là Trương Quốc Dụng ra làm Tổng đốc Hải An (Hải Dương và Quảng An) quân vụ, cùng với Phan Tam Tỉnh, Đặng Hạnh, Lê Xuân, đem quân Kinh và quân Thanh, Nghệ ra tiến tiễu. Lại sai Đào Trí làm tham tán đại thần, Nguyễn Bá Nghi làm Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây Hưng Hoá và Tuyên Quang) Tổng đốc, để cùng với Trương Quốc Dụng đánh giặc ở Bắc kỳ.
    Lúc ấy, tỉnh Thái Nguyên thì có giặc Nông và giặc Khách đánh phá, tỉnh Tuyên Quang thì có bọn tên Uẩn, tên Nông Hùng Thạc quấy nhiễu, tỉnh Cao Bằng thì có tên giặc Khách Lý Hợp Thắng vây đánh, tỉnh Bắc Ninh thì có cai tổng Vàng cướp phá, các quan lo rối cả lên. Vua Dực tông lại sai Nguyễn Tri Phương ra làm Tây bắc tổng thống quân vụ đại thần, cùng với Phan Đình Tuyển và Tôn Thất Tuệ ra đánh mặt Bắc Ninh, Thái Nguyên và Tuyên Quang.
    Tháng 3 năm Quí Hợi (1863) Vũ Tảo đánh lấy lại thành Tuyên Quang và bắt được tên Uẩn đóng cũi giải về trị tội. Qua tháng 4, Nguyễn Tri Phương dẹp xong giặc ở Bắc Ninh, rồi đem binh lên lấy lại thành Thái Nguyên, bắt được tên Thanh tên Đắc, tên Vân và lại phá được sào huyệt của giặc ở núi Ma Hiên, thuộc châu Bạch Thông.
    Còn ở mặt Hải Dương và Quảng Yên, thì tuy Trương Quốc Dụng và Đào Trí đã giải được vây cho thành Hải Dương, nhưng thế quân giặc ở mặt bể còn mạnh lắm. Vua Dực tông lại sai Nguyễn Tri Phương làm tổng thống Hải An quân vụ, Trương Quốc Dụng làm Hiệp thống đem quân ra đánh mặt ấy.
    Lúc bấy giờ bọn tên Dung có sai người vào cầu viện quan Thiếu tướng Bonard ở trong Nam kỳ, ước hễ lấy được Bắc kỳ thì xin để nước Pháp bảo hộ. Nhưng vì trong Nam kỳ còn lắm việc, mà sự giảng hoà với triều đình ở Huế đã sắp xong, cho nên Thiếu tướng không nhận. Đảng tên Phụng vẫn chiếm giữ đất Quảng Yên và những dải ở ngoài bể, để làm sào huyệt, rồi cho binh thuyền đi cướp phá các nơi. Quan quân đi đánh, nhiều người bị hại.
    Cuối năm Quí Hợi (1863) là năm Tự Đức thứ 16, quân giặc họp hơn 500 chiếc thuyền ở đảo Cát Bà và ở núi Đồ Sơn, có ý muốn đem quân vào đánh đất Kinh kỳ, nhưng chẳng may phải bão, thuyền đắm mất nhiều. Quan Đề đốc là Lê Quang Tiến và quan bộ phủ Bùi Huy Phan được tin ấy liền đem quân ra đánh, bị quân giặc đánh tập hậu, quan quân bỏ chạy. Lê Quang Tiến và Bùi Huy Phan phải nhảy xuống bể tự tận.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...