Luận Văn Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến​
    Information
    PHẦN MỞ ĐẦU

    1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
    Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc nói chung và văn học cổ điển nói riêng. Thơ văn Nguyễn Khuyến là điểm sáng của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - những năm đầu thế kỷ XX. Cùng với sự xuất hiện của nhiều ngòi bút cổ điển tên tuổi, Nguyễn Khuyến là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc.
    Nguyễn Khuyến sáng tác nhiều thơ văn, câu đối cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Có bài ông viết bằng chữ Hán rồi tự dịch ra chữ Nôm hoặc ngược lại, cả hai đều rất điêu luyện. Phần lớn thơ văn Nguyễn Khuyến là thơ văn biểu thị thái độ của ông đối với thời thế và trong thơ văn của ông – thơ văn chữ Hán chiếm tỷ lệ lớn. Song không phải do vậy mà thơ Nguyễn Khuyến trở nên khó hiểu, cứng nhắc, trái lại thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến bình dị, tinh tế, mang nhiều màu sắc Việt Nam với những giá trị truyền thống đạo đức, văn hoá sâu sắc mà gốc rễ của nó đã ăn sâu vào đất Việt, góp phần tạo nên tâm hồn Việt.
    Nguyễn Khuyến là vị đại diện khá tiêu biểu cho lớp người do Xã hội phong kiến đào tạo. Nhắc đến Nguyễn Khuyến là nhắc đến một nhà nho, một ông quan – mà cái trật tự của những quy phạm chặt chẽ của đạo Nho, của lễ giáo phong kiến không thể không có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của ông. Song, vượt lên trên hết có thể nói rằng: giáo lí Nho gia khoa bảng và xiêm áo của triều đình đã không che lấp nổi nhà thơ nhân bản Nguyễn Khuyến, được nuôi dưỡng từ nhân bản Việt Nam – đó chính là tiếng cười bất hủ, cái điệu sống, hồn thơ gắn bó sâu nặng với quê hương, làng cảnh; tiếng nói nhân tình, dân tình và cả tấm lòng yêu nước ở mức Nguyễn Khuyến, theo kiểu Nguyễn Khuyến Tất cả, quy lại là giá trị nhân bản Việt Nam đã được kết tinh thành nghệ thuật trong thơ ca Nguyễn Khuyến.
    Đó là lí do như một lực hút nam châm, thúc đẩy chúng tôi đi đến tìm hiểu “Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến”. Đề tài này được khai thác ở một bình diện mới mà chúng tôi chỉ dám có vài ý kiến nhỏ góp phần giúp, hiểu rõ và hoàn thiện hơn bức tranh thế giới nghệ thuật, cũng như phong cách thơ, con người thơ của Tam Nguyên Yên Đổ.
    2. lịch sử nghiên cứu vấn đề
    Là một trong những cây đại thụ của nền văn học dân tộc, cuộc đời cũng như sự nghiệp thơ văn Nguyễn Khuyến từ trước tới nay đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Thơ văn Nguyễn Khuyến được đăng tải đầu tiên là trên tạp chí Nam Phong vào trước những năm 20 của thế kỷ (đăng trong mục Thơ ca Yên Đổ trên Nam Phong Nhưng cũng phải đợi đến gần hai chục năm sau thì công tác văn học sử trên đường hình thành mới tìm đến Nguyễn Khuyến. Với công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (Nha học chính Đông Pháp xuất bản, Hà Nội, 1943), ngành nghiên cứu văn học mà trước hết là lịch sử văn học bắt đầu chú ý đến Nguyễn Khuyến. Dõi theo lịch trình nghiên cứu tác gia có phong cách tài hoa này, có thể thấy lịch trình ấy diễn ra qua bốn chặng đường.
    Chặng đường thứ nhất là trước 1945. Ở chặng đường này Nguyễn Khuyến còn ít được biết đến và nếu được biết đến cũng chủ yếu qua thơ Nôm của ông. Người có ý kiến về Nguyễn Khuyến sớm nhất (1918) có lẽ là Phan Kế Bính, trong công trình Việt – Hán văn khảo (1930), khi “luận riêng về phép làm thơ”.
    Chặng đường thứ hai, từ 1945 đến 1970. Ở chặng đường này, việc giới thiệu, tìm hiểu nghiên cứu về Nguyễn Khuyến đã có bước phát triển mới. Ngoài Nguyễn Khuyến với tư cách một nhà thơ trào phúng xuất sắc được tiếp tục khẳng định, thì nhiều tư cách nhà thơ khác của Nguyễn Khuyến (nhà thơ trữ tình – yêu nước, nhà thơ thiên nhiên) được phát hiện và tìm hiểu trên nhiều khía cạnh. Tìm hiểu những phương diện ấy trong tư tưởng - thẩm mỹ Nguyễn Khuyến, các tác giả cũng đã đề cập và phân tích ít nhiều đến bút pháp nghệ thuật của nhà thơ. Công trình bề thế nhất trong nghiên cứu về Nguyễn Khuyến chặng đường này là của Văn Tân với tên gọi Nguyễn Khuyến, nhà thơ Việt Nam kiệt xuất, gồm 204 trang, 5 chương.
    Chặng đường thứ ba, từ 1971 đến 1984. Bắt đầu từ năm 1971, NXB. Văn học, Hà Nội cho in cuốn Thơ văn Nguyễn Khuyến, dày ngót 500 trang do Xuân Diệu giới thiệu. Kể từ đây việc nhìn nhận, đánh giá Nguyễn Khuyến đã mở ra một giai đoạn mới. Năm 1984, Nguyễn Khuyến tác phẩm, công trình sưu tầm biên dịch, giới thiệu về Nguyễn Khuyến đầy đủ nhất ra đời do Nguyễn Văn Huyền thực hiện (NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984). Có thể coi đây như một năm mốc khép lại một chặng đường dài và chuẩn bị mở ra một chặng đường mới trong tìm hiểu nghiên cứu Nguyễn Khuyến.
    Chặng đường thứ tư, từ năm 1985 đến nay. Đây là chặng đường có thành tựu lớn nhất trong tìm hiểu nghiên cứu về Nguyễn Khuyến, trước hết được đánh dấu bằng Hội nghị khoa học lớn kỷ niệm 150 năm sinh nhà thơ (do Viện văn học phối hợp với Sở Văn hóa thông tin và Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh tổ chức ngày 15.2.1985). Nhiều phát hiện và ý kiến mới, có giá trị trong khảo cứu, nhận định về Nguyễn Khuyến, từ con người lịch sử đến con người thơ tác giả được công bố, phần lớn sau này được lựa chọn, tập hợp trong Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ (Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1994). Có thể coi đây là công trình chuyên khảo quy mô nhất về Nguyễn Khuyến. Gần đây, cuối năm 1998, cuốn sách Nguyễn Khuyến, về tác gia và tác phẩm, do Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1998, “tập hợp một cách rộng rãi những bài viết và công trình khoa học tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Khuyến từ xưa đến nay”.
    Ngoài ra, chúng tôi lần lượt đi khảo sát ở một số công trình nghiên cứu khác về con người cũng như thơ văn Nguyễn Khuyến.
    Đặc biệt tìm hiểu về giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến có công trình nghiên cứu của Nguyễn Đình Chú (1985), “Nguyễn Khuyến với thời gian”, Tạp chí Văn học, số 4, đã khẳng định Nguyễn Khuyến là nhà thơ nhân bản của Việt Nam.
    Nguyễn Bá Thành (2006) với Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân Văn, NXB. Quốc gia, Hà Nội, cũng khẳng định ý kiến đó.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Với đề tài này, chúng tôi khảo sát trên toàn tập thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến, đặc biệt đi sâu vào khảo sát bản dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến trong Tuyển tập thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến do Trần Văn Nhĩ tuyển chọn và dịch thơ, NXB. Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến.


    4. Phương pháp nghiên cứu
    Thực hiện đề tài “Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến”, chúng tôi sử dụng các phương pháp:
    - Phương pháp thống kê.
    - Phương pháp phân tích.
    - Phương pháp so sánh, đối chiếu.
    - Phương pháp tổng hợp.
    - Phương pháp khái quát hoá.
    5. Cấu trúc khoá luận
    Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung của khoá luận được tổ chức thành ba chương:
    Chương 1: Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Khuyến
    Chương 2: Giá trị nhân bản trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến nhìn từ bình diện nội dung và phương thức biểu hiện
    Chương 3: Tư tưởng nhân bản của Nguyễn Khuyến trong dòng chảy chung văn học trung đại

    Ngoài ra còn có phần Tài liệu tham khảo với 36 công trình lớn nhỏ.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...