Sách Ebook Vết sẹo và cái đầu hói - Võ Văn Trực

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Vết sẹo và cái đầu hói: Tấm gương dị dạng về con người

    Nhân chuyến ra công tác Hà Nội, người bạn đem đến tặng cuốn sách và bảo: Anh đọc đi. Cuốn sách đang gây dư luận trong giới văn chương.

    Tôi cầm cuốn sách 400 trang quả thật rất phân vân. Nhưng tôi quyết tâm đọc. Phần vì muốn xem điều gì khiến cuốn sách gây xôn xao dư luận. Phần vì muốn biết con đường đi của một trí thức “đam mê quyền lực” – Một người mà cuốn sách muốn ám chỉ, nghe nói đã từng là bạn rất thân thiết của nhà văn. Quyết tâm ấy khiến tôi, mặc dù rất vất vả, đọc hết “Vết sẹo và cái đầu hói”.

    Võ Văn Trực quả đã mất không ít công phu khi dựng lại chân dung anh trí thức Quách Quyền Lực. Học hết cấp 3, đi bộ đội, có năng khiếu sáng tác văn chương, sau năm 1975 Lực được điều về làm việc tại Nhà xuất bản Văn nghệ Đại chúng. Từ đây, bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, cần cù và cả tài “láu lỉnh trong học thuật”, Lực đã có những bước thăng tiến chóng mặt trên con đường công danh. Từ phụ trách hành chính tuyên truyền, lên lãnh đạo một Nhà xuất bản rồi Viện trưởng Viện Văn hiến, Tổng Biên tập báo Văn hiến nghìn năm, được phong giáo sư và được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn hiến Quốc gia. Thủ đoạn tiến thân của Lực là chà đạp, lừa lọc, mị dân, mị từ cấp dưới đến cấp trên. Nhưng có một điều lạ: càng leo cao thì Lực càng đa nghi, đa nghi đến mức bệnh hoạn. Niềm tin duy nhất của Lực là những trò mê tín dị đoan, đến mức anh trở thành nô lệ của thần quyền. Bên cạnh Lực còn có Cấu - Thanh Cấu, một kẻ “lưu manh khoác áo trí thức” và Phan Chấn, một “trí thức lưu manh”. Nhà văn đã dùng hết tâm huyết để xây dựng bộ ba nhân vật này nhằm thực hiện ý đồ nghệ thuật của anh. Anh lôi “xềnh xệch” các nhân vật, đặt nó vào các tình huống khác nhau. Nhưng những nhân vật, tiếc thay, chỉ là những con rối vô hồn chuyển động một cách thô sơ theo bàn tay vụng về của người điều khiển. Những chi tiết được nâng lên mức “độc chiêu” về một trí thức cơ hội tầm cỡ thực ra chỉ đáng mặt là mánh khóe của một anh chàng láu cá vặt. Và anh chàng Lực, cái con người được liệt vào hàng “thủ đoạn cao thủ” mà một nhân vật đã lộng ngôn nói rằng “Bốn ngàn năm lịch sử mới đẻ ra một thằng như Quách Quyền Lực” và dù được vẽ mày vẽ mặt – được thổi vống lên là “nhân vật điển hình chưa từng thấy trong văn xuôi Việt Nam” – Cuối cùng vẫn hiện nguyên hình là một con bù nhìn bằng rơm của một phù thủy non tay ấn, không hơn.

    Đối lập với đám nhân vật “phản diện” là những nhân vật được coi là chính diện. Nổi bật trong số họ là Cù Văn Hòn – người phó – vốn là bạn thân thiết với Quách Quyền Lực từ thời còn để chỏm. Hòn được mô tả là trí thức có tài, có tâm, biết chịu đựng và biết tha thứ. Hòn vừa là nơi để Lực chà đạp, vừa là nơi để Lực thực hiện mưu đồ công danh. Nhưng Hòn lại là chỗ dựa tinh thần của Lực khi gặp hoạn nạn, một “đấng cứu thế” và là đối trọng tinh thần của Quách Quyền Lực. Nhân vật tâm đắc này đã được nhà văn dùng khá nhiều tâm huyết khắc họa trên cái nền những trí thức được coi là đứng đắn của Viện Văn hiến. Có điều, nhà văn càng dụng tâm đề cao bao nhiêu thì chất con người của Hòn càng bị hạ thấp bấy nhiêu. Một trí thức thật hay ngụy trí thức? Một người biết chịu đựng, biết tha thứ hay một kẻ mê muội, hèn nhát. Một tâm hồn cao thượng hy sinh vì tình bạn hay chính là kẻ đồng lõa với tội ác? Nhà văn cố tô son trát phấn cho nhân vật Hòn, nhưng thứ son phấn cấp thấp không tuân thủ theo ý muốn của anh. Và nhân vật đã chết yểu ngay khi anh đặt nó vào môi trường “chợ trời trí thức” của Viện Văn hiến, cái môi trường mà không biết anh cố tình hay hữu ý gắn cho là hoàn cảnh điển hình của giới văn nghệ nước nhà. Cái môi trường ngập ngụa trong sự thô tục, vô văn hóa với đủ thứ mua bán: mua bán giải thưởng, mua bán chức tước, mua bán bạn bè và mua bán cả nhân cách. Hoàn cảnh tù đọng, vấy bẩn ấy không chỉ dìm chết tức tưởi nhân vật Hòn. Đi xa hơn, nó đã nổi loạn, ăn tươi nuốt sống những gì ở xung quanh. Và nhà văn, chẳng còn cách nào khác hơn là phải bất lực vùng vẫy trong vũng lầy đầy cách ứng xử nhặt nhạnh từ đường phố, cái môi trường có phần mông muội do chính anh tự tạo ra. Nó như cái bát quái trận đồ, làm lẫn lộn giả chân, cái hiện tượng cái bản chất. Cuối cùng, nó biến thành cơn địa chấn, nhấn chìm tất cả, sổ toẹt tất cả, không chỉ tác phẩm văn học mà cả cái phẩm chất người, cái thiên chức cao quý của một nhà văn.

    Tôi đã đọc hết 427 trang sách, với một lòng kiên nhẫn hiếm có. Không có tư tưởng, không có tính cách cũng chẳng có văn chương. Cái ngôi nhà tiểu thuyết “vết sẹo và cái đầu hói” mà nhà văn dày công dựng lên đã đổ sụp vì vôi vữa thiếu chất keo dính và gạch nung quá sống sít. Bản Ngã của tác giả đã không gánh nổi ý đồ quá to tát: phác họa con đường đi của một trí thức ham quyền lực nên không đủ sức lý giải, mổ xẻ nó và đành đi vào lối đặt điều dung tục tầm thường của người ngồi lê đôi mách: Nói xấu và thóa mạ nhân vật. Đó là lý do vì sao khi đọc hết cuốn sách, tôi rùng mình như vừa được soi vào một tấm gương dị dạng về con người. Đó cũng là lý do khi gấp cuốn sách lại tôi không cảm thấy những ám ảnh về số phận, những day dứt về nhân sinh mà lại thấm thía một nỗi đau ngoài văn chương. Có cảm giác như vừa nhận một chậu nước bẩn, hắt vào mặt mình và hắt vào mặt bạn bè mình. Tôi chợt thấy xấu hổ vì đột nhiên nhớ tới giai thoại như đùa về “ngôi nhà 5 tầng” của giới văn nghệ. Nhưng điều đáng day dứt hơn: phải chăng trên văn đàn đang xuất hiện một thứ tác phẩm văn chương bệnh hoạn? (nếu có thể coi đó là những tác phẩm) và liệu đã đến lúc cần báo động chưa về thứ văn học mà ở đó người ta đang ngang nhiên nhục mạ, bôi xấu đồng loại - thứ văn chương công khai báng bổ và thù địch với con người?
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...