Sách Dược Lý Học

Thảo luận trong 'Sách Sức Khỏe' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Dược lý học (Pharmacology) theo tu từ học là môn khoa học về thuốc. Nhưng để tránh ý nghĩa quá rộng của từ này, Dược lý học chỉ bao hàm mọi nghiên cứu về sự tương tác của thuốc với các hệ sinh học.


    Thuốc là các chất hoặc hợp chất có tác dụng điều trị hoặc dự phòng bệnh tật cho người và súc vật, hoặc dùng trong chẩn đoán bệnh ở lâm sàng, dùng để khôi phục, điều chỉnh các chức phận của cơ quan.


    Thuốc có thể có nguồn gốc từ thực vật (cây Canhkina, cây Ba gạc), từ động vật (insulin chiết xuất từ tụy tạng bò, lợn), từ khoáng vật, kim loại (kaolin, thuỷ ngân, muối vàng) hoặc là các chất bán tổng hợp, tổng hợp hóa học (ampicilin, sulfamid).


    Đầu tiên, thuốc phải được nghiên cứu trên súc vật thực nghiệm để xác định được tác dụng, cơ chế tác dụng, độc tính, liều điều trị, liều độc, tác dụng gây đột biến, gây quái thai, gây ung thư Đó là đối tượng của môn Dược lý học thực nghiệm (Experimental pharmacology). Những nghiên cứu này nhằm đảm bảo an toàn đến mức tối đa cho người dùng thuốc. Chỉ sau khi có đủ số liệu đáng tin cậy về thực nghiệm trên súc vật mới được áp dụng cho người.


    Tuy nhiên, súc vật phản ứng với thuốc không hoàn toàn giống người ; vì vậy sau giai đoạn thực nghiệm trên súc vật, thuốc phải được thử trên nhóm người tình nguyện, trên các nhóm bệnh nhân tại các cơ sở khác nhau, có so sánh với các nhóm dùng thuốc kinh điển hoặc thuốc vờ (placebo), nhằm đánh giá lại các tác dụng đ gặp trong thực nghiệm và đồng thời phát hiện các triệu chứng mới, nhất là các tác dụng không mong muốn chưa thấy hoặc không thể thấy được trên súc vật (buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, phản ứng dị ứng v.v .). Những nghiên cứu này là mục tiêu của môn Dược lý học lâm sàng (Clinical pharmacology).


    Cuốn sách giáo khoa này mang tính chất Dược lý Y học (Medical pharmacology), viết cho Sinh viên trường Y và thầy thuốc thực hành, nhằm cung cấp những kiến thức về tác dụng của thuốc và những vấn đề liên quan đến điều trị để thầy thuốc có thể kê đơn được an toàn và hợp lý.


    Dược lý học luôn dựa trên những thành tựu mới nhất của các ngành khoa học có liên quan như sinh lý, sinh hóa, sinh học, di truyền học để ngày càng hiểu sâu về cơ chế phân tử của thuốc, giúp cho nghiên cứu sản xuất các thuốc mới ngày càng có tính đặc hiệu, không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị.


    Dược lý học còn chia thành:


    Dược lực học (Pharmacodynamics) nghiên cứu tác động của thuốc trên cơ thể sống. Mỗi thuốc, tuỳ theo liều dùng sẽ có tác dụng sớm, đặc hiệu trên một mô, một cơ quan hay một hệ thống của cơ thể, được sử dụng để điều trị bệnh, được gọi là tác dụng chính. Ngoài ra, mỗi thuốc còn có thể có nhiều tác dụng khác, không được dùng để điều trị, trái lại còn gây phiền hà cho người dùng thuốc (buồn nôn, chóng mặt, đánh trống ngực ), được gọi là tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn hay tác dụng ngoại ý. Tất cả các tác dụng đó là đối tượng nghiên cứu của Dược lực học. Trong cuốn sách này, nó được viết vào mục “tác dụng dược lý”.


    Dược động học (Pharmacokinetics) nghiên cứu về tác động của cơ thể đến thuốc, đó là động học của sự hấp thu, phân phối, chuyển hóa và thải trừ thuốc. Người thầy thuốc rất cần những thông tin này để biết cách chọn đường đưa thuốc vào cơ thể (uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch ), số lần dùng thuốc trong ngày, liều lượng thuốc tuỳ theo từng trường hợp (tuổi, trạng thái bệnh, trạng thái sinh lý ).


    Dược lý thời khắc (Chronopharmacology) nghiên cứu ảnh hưởng của nhịp sinh học trong ngày, trong năm đến tác động của thuốc. Hoạt động sinh lý của người và động vật chịu ảnh hưởng rõ rệt của các thay đổi của môi trường sống như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm Các hoạt động này biến đổi nhịp nhàng, có chu kỳ, gọi là nhịp sinh học (trong ngày, trong tháng, trong năm). Tác động của thuốc cũng có thể thay đổi theo nhịp này. Người thầy thuốc cần biết để chọn thời điểm và liều lượng thuốc tối ưu.


    Dược lý di truyền (Pharmacogenetics) nghiên cứu những thay đổi về tính cảm thụ của cá thể, của gia đình hay chủng tộc với thuốc do nguyên nhân di truyền. Ví dụ người thiếu G6PD rất dễ bị thiếu máu tan máu do dùng sulfamid, thuốc chống sốt rét ngay cả với liều điều trị thông thường. Có thể nói Dược lý di truyền là môn giao thoa giữa Dược lý - Di truyền - Hóa sinh và Dược động học.


    Dược lý cảnh giác hay Cảnh giác thuốc (Pharmacovigilance) chuyên thu thập và đánh giá một cách có hệ thống các phản ứng độc hại có liên quan đến việc dùng thuốc trong cộng đồng. Phản ứng độc hại là những phản ứng không mong muốn (ngoại ý) xảy ra một cách ngẫu nhiên với các liều thuốc vẫn dùng để dự phòng, chẩn đoán hay điều trị bệnh. Phenacetin là thuốc hạ sốt, phải 75 năm sau khi dùng phổ biến mới phát hiện được tác dụng gây độc của thuốc; sau 30 năm mới thấy được chứng suy giảm bạch cầu của amidopyrin.


    Những môn học trên là những chuyên khoa sâu của Dược lý học. Người thầy thuốc càng biết rõ về thuốc càng nắm được “nghệ thuật” kê đơn an toàn và hợp lý. Vì điều kiện thời gian và khuôn khổ, cuốn sách này chủ yếu cung cấp những kiến thức về dược lực học, dược động học và với một số thuốc đặc biệt, có lưu ý đến dược lý di truyền, dược lý cảnh giác


    Mục tiêu của môn Dược lý học là để Sinh viên sau khi học xong có thể:


    - Trình bày và giải thích được cơ chế tác dụng, áp dụng điều trị của các thuốc đại diện trong từng nhóm.


    - Phân tích được tác dụng không mong muốn và độc tính của thuốc để biết cách phòng và xử trí.


    - Kể được các đơn thuốc đúng nguyên tắc, đúng chuyên môn, đúng pháp lý.


    Người thầy thuốc nên nhớ rằng:


    . Không có thuốc nào vô hại.


    . Chỉ dùng khi thật cần, hết sức tránh lạm dụng thuốc.


    . Không phải thuốc đắt tiền luôn luôn là thuốc tốt nhất.


    . Trong quá trình hành nghề, thầy thuốc phải luôn luôn học hỏi để nắm được các kiến thức dược lý của các thuốc mới, hoặc những hiểu biết mới, những áp dụng mới của các thuốc cũ.




    Bài 01 - Đại cương về dược học

    Bài 02 - Đại cương về dược lực học

    Bài 03 - Tương tác thuốc

    Bài 04 - Đại cương và phân loại hệ thần kinh thực vật

    Bài 05 - Thuốc tác dụng trên hệ cholinergic

    Bài 06 - Thuốc tác dụng trên hệ Adrenergic

    Bài 07 - Thuốc tê

    Bài 08 - Thuốc ngủ và rượu

    Bài 09 - Thuốc giảm đau loại Morphin

    Bài 10 - Thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm

    Bài 11 - Thuốc chữa Gút.pdf

    Bài 12 - Thuốc an thần kinh và bình thần

    Bài 13 - Thuốc chữa động kinh.pdf

    Bài 14 - Thuốc kháng sinh kháng khuẩn

    Bài 15 - Thuốc kháng virus.pdf

    Bài 16 - Thuốc kháng nấm.pdf

    Bài 17 - Thuốc chống lao và thuốc điều trị phong

    Bài 18 - Thuốc điều trị sốt rét

    Bài 19 - Thuốc chống giun sán

    Bài 20 - Thuốc chống amip và trichomonas

    Bài 21 - Thuốc sát khuẩn và thuốc tẩy uế

    Bài 22 - Thuốc trợ tim

    Bài 23 - Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực

    Bài 24 - Thuốc điều trị tăng huyết áp

    Bài 25 - Thuốc lợi niệu

    Bài 26 - Các chất điện giải chính và các chất dẫn truyền

    Bài 27 - Thuốc điều chỉnh rối loạn tiêu hóa

    Bài 28 - Thuốc điều chỉnh rối loạn hô háp

    Bài 29 - Thuốc điều trị thiếu máu

    Bài 30 - Thuốc tác dụng tren quá trình chống đông và tiêu fibrin

    Bài 31 - Thuốc điều trị rối loạn lipoprotein máu

    Bài 32 - Thuốc hạ Glucose máu

    Bài 33 - Histamin và kháng Histamin

    Bài 34 - Vitamin

    Bài 35 - Hormon và thuốc kháng Hormon

    Bài 36 - Điều trị ngộ độc thuốc cấp tính


    Chủ biên

    GS.TS. Đào Văn Phan


    Tham gia biên soạn

    PGS.TS. Nguyễn Trần thị Giáng Hương

    GS.TS. Đào Văn Phan

    TS. Vũ Thị Ngọc Thanh

    PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông


    Thư ký biên soạn

    Nguyễn kiều vanãa
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...