Báo Cáo Du lịch và môi trường

Thảo luận trong 'Du Lịch' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương 1

    CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ DU LỊCH VÀ MÔI TRƯỜNG


    1.1. Lý luận chung

    1.1.1. Du lịch

    1.1.1.1. Những quan niệm về du lịch

    Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hoá-xã hội và đang phát triển mạnh mẽ thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

    Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thuộc Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), sự phát triển ồ ạt của hoạt động du lịch chỉ mới bắt đầu được quan tâm từ những năm trong thập niên 1950 trở lại đây. Có thể nói rằng, buổi ban đầu của sự bùng nổ này là do những dòng khách du lịch biển tạo nên. Cho đến nay, du lịch nghỉ biển vẫn là dòng du khách chính trên thế giới, chính vì vậy mới hình thành nên khái niệm du lịch 3S với các nghĩa là biển (Sea), cát (Sand), và ánh nắng (Sun). Khi phát hiện ra du lịch là một ngành kinh doanh thu được lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp du lịch tìm mọi cách đáp ứng tối đa nhu cầu mọi mặt của du khách. Một trong những hướng kinh doanh đó là tình dục. Khái niệm du lịch 4S ra đời với chữ S thứ tư có nghĩa là du lịch tình dục (Sextour).

    Do vậy, ở nhiều nơi, dưới con mắt của người bản xứ, du khách là những kẻ giàu có đáng ghét, những kẻ đem lại bất hạnh cho dân cư địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Họ du nhập lối sống không được nhân dân địa phương chấp nhận. Nhiều đoàn du khách bị tấn công. Đó là một trong những lý do khiến cho du khách quan tâm đến sự an toàn trong du lịch. Vì lý do đó, chữ S thứ tư ngày nay còn được hiểu là an toàn hay an ninh (Safety, Security). Nó vừa là yêu cầu của du khách vừa là nhiệm vụ của các nhà cung ứng du lịch.

    Hiện nay, biển không còn là điểm đến duy nhất của các chuyến du lịch. Ý tưởng của các nhà kinh doanh du lịch là muốn thay thế du lịch 4S bằng du lịch 4T nhằm xoá đi các suy nghĩ không lành mạnh trong các hoạt động du lịch của du khách và của nhà cung ứng du lịch. Du lịch (Tourism) 4T bao gồm sự di chuyển (Travel), phương tiện vận chuyển tốt, gây hứng khởi (Transport) về những nơi yên tĩnh, thanh bình (Tranquility) và có môi trường tự nhiên cũng như xã hội trong sạch (Transparence).

    Người Trung Quốc thì cho rằng du lịch bao gồm 5 yếu tố là: thức, trú, hành, lạc, y. Đi du lịch là được nếm những món ăn ngon, ở trong những căn phòng tiện nghi, đi lại trên những phương tiện sang trọng, được vui chơi giải trí vui vẻ và có điều kiện mua sắm hàng hoá, quần áo .

    1.1.1.2. Thuật ngữ du lịch

    Thuật ngữ du lịch rất thông dụng, nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Tonos nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được La tinh hoá thành Turnur và sau đó thành “Tour” (tiếng Pháp), nghĩa là đi vòng quanh, cuộc dạo chơi, còn Touriste là người đi dạo chơi. Theo Robert Langquar (1980), từ Tourism (du lịch) lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng năm 1800 và được quốc tế hoá nên nhiều nước đã sử dụng trực tiếp mà không dịch nghĩa.

    Trong tiếng Việt, thuật ngữ du lịch được dịch thông qua tiếng Hán. Du có nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là sự từng trải. Tuy nhiên, người Trung Quốc gọi du lịch là du lãm với nghĩa là đi chơi để nâng cao nhận thức.


    1.1.1.3. Khái niệm về du lịch

    Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế-xã hội phổ biến ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay nhận thức về nội dung du lịch vẫn chưa thống nhất. Trước thực tế phát triển của ngành du lịch về kinh tế cũng như trong lĩnh vực đào tạo, việc nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất một số khái niệm cơ bản trong đó có khái niệm du lịch và du khách là một đòi hỏi cần thiết.

    Do hoàn cảnh (thời gian, khu vực) khác nhau, dưới mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau, mỗi người có một cách hiểu về du lịch khác nhau. Khi điểm lại các công trình nghiên cứu về du lịch, Giáo sư-Tiến sĩ Berkener, một chuyên gia có uy tín về du lịch trên thế giới, đã đưa ra nhận xét: “Đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa”.

    Du lịch gắn liền với việc nghỉ ngơi giải trí nhằm hồi phục, nâng cao sức khoẻ và khả năng lao động cho con người, nhưng trước hết liên quan mật thiết tới sự di chuyển chỗ ở của họ. Vậy “du lịch” là gì?

    Đầu tiên “du lịch” được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ ở của mình trong khoảng thời gian ngắn đến các vùng xung quanh để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Ngày nay, người ta đã thống nhất rằng về cơ bản, tất cả các hoạt động di chuyển của con người ở trong hay ngoài nước trừ việc cư trú chính trị, tìm việc làm và xâm lược đều mang ý nghĩa du lịch.

    Liên Hiệp Quốc (1963) định nghĩa về du lịch như sau:

    “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.

    Theo Pirogiơnic (1985) thì: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức-văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế, văn hoá”.

    Khi nghiên cứu các định nghĩa khác về du lịch, chúng ta có thể nhận thấy sự biến đổi trong nhận thức về nội dung thuật ngữ du lịch. Có người cho rằng du lịch là một hiện tượng xã hội (hiểu theo nghĩa từ đơn giản đến phức tạp), người khác lại cho rằng đây phải là một hoạt động kinh tế. Chúng ta biết rằng trong thực tế cuộc sống, do sự phát triển của xã hội và nhận thức, các từ ngữ thường có khá nhiều nghĩa, đôi khi trái ngược nhau. Như vậy, cố gắng giải thích đơn vị từ đa nghĩa bằng cách gộp các nội dung khác nhau vào một định nghĩa sẽ làm cho khái niệm trở nên khó hiểu và không rõ ràng. Dựa theo cách tiếp cận trên, nên tách thuật ngữ du lịch thành hai phần để định nghĩa nó. Du lịch có thể được hiểu như là:

    - Sự di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, có hoặc không kèm theo việc tiêu thụ một số giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hoá và dịch vụ do các cơ sở chuyên nghiệp cung ứng.

    - Một lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh.

    Việc phân định rõ ràng hai nội dung của khái niệm có ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Cho đến nay, không ít người, thậm chí ngay cả các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong ngành du lịch chỉ cho rằng du lịch là một ngành kinh tế. Do đó mục tiêu được quan tâm hàng đầu là mang lại hiệu quả kinh tế. Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc tận dụng triệt để mọi nguồn tài nguyên, mọi cơ hội để kinh doanh. Trong khi đó du lịch còn là một hiện tượng xã hội góp phần nâng cao dân trí, phục hồi sức khoẻ cộng đồng, giáo dục lòng yêu nước, tình đoàn kết . Chính vì vậy, toàn xã hội phải có trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ, đầu tư cho du lịch phát triển (Trần Đức Thanh và Nguyễn Minh Tuệ, 1999).
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...