Dự báo xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2011 - 2020

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: B2008-37-51TĐ
    Chủ nhiệm đề tài: TS. Phan Văn Nhân
    Các thành viên tham gia: ThS. Lê Văn Hồng
    TS. Trần VAăn Hùng
    ThS. Nguyễn Xuân Bảo
    ThS. Ngô Văn Trung
    ThS. Trần Thị Phương Nam
    ThS. Lê Phương Yên
    ThS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 06 năm 2008 / tháng 06 năm 2010

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề (bao gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề), là một phân hệ giáo dục có vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân lực kỹ thuật ở trình độ trung bình (sơ cấp và trung cấp) cho thị trường lao động và nhu cầu xã hội. Để thực hiện được vai trò của mình, GDNN phải thực hiện những nhiệm vụ khác nhau trong đó cần tập trung nghiên cứu và trả lời được câu hỏi sau đến 2020 GDNN sẽ phát triển theo xu hướng nào?

    Trên thế giới, GDNN dường như được quan niệm và cấu trúc có sự mở rộng hơn, đó là hệ thống GD kĩ thuật và dạy nghề (Technical and Vocational Education and Training - TVET) bao gồm cả trình độ cao đẳng theo hướng nghề nghiệp - thực hành. Nhiều nước bố trí hệ thống giáo dục kĩ thuật và dạy nghề bên cạnh hệ thống giáo dục phổ thông và hệ thống giáo dục đại học. Trong bối cảnh quốc tế hoá và hội nhập ngày nay, nhất là nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, đứng trước những thời cơ và thách thức, đòi hỏi GDNN phải được đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu mới.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đề tài xác định mục tiêu nghiên cứu, bao gồm: 1/ Xây dựng hệ thống lý luận cơ bản về dự báo phát triển giáo dục nghề nghiệp; 2/ Xác định những xu hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp từ 2011-2020; 3/ Xác dịnh những giải pháp và điều kiện đảm bảo thực hiện được những xu hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp từ 2011-2020.

    4. Phạm vi nghiên cứu


    Đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu ở: 1/ các cấp trình độ GDNN trong theo qui định trong Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2005; 2/ thực trạng GDNN lấy số liệu từ năm 2000 đến nay; 3/ cán bộ nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý GDNN các cấp, đội ngũ giáo viên GDNN ở các cơ sở GDNN

    5. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: 1/ Phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa; 2/ Phương pháp dự báo; 3/ Điều tra, khảo sát thực tế bằng phiếu hỏi và phỏng vấn trực tiếp; 4/ Phương pháp thống kê, xử lí số liệu.

    6. Kết cấu của đề tài

    Kết cấu đề tài: gồm 5 phần

    Phần 1.Cơ sở lí luận dự báo xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp
    1.1. .Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Các thành tố phát triển giáo dục nghề nghiệp
    1.3. Những yếu tố tác động đến xu hướng phát triển GDNN
    1.4. Quy trình và phương pháp dự báo xu hướng phát triển GDNN

    Phần 2.Thực trạng GDNN của Việt Nam
    2.1. Hệ thống quán lí GDNN
    2.2. Thực trạng mạng lưới và quy mô GDNN
    2.3. Thực trạng chương trình và ngành nghề đào tạo
    2.4. Thực trạng đội ngũ giáo viên GDNN
    2.5. Thực trạng tài chính và cơ sở vật chất GDNN
    2.6. Xu hướng phát triển GDNN của một số nước trên thế giới

    Phần 3. Xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020
    3.1. Bối cảnh phát triển GDNN và dự báo nhu cầu lao động đến 2020
    3.2. Những yếu tố tác động đến xu hướng phát triển GDNN đến 2020
    3.3. Dự báo xu hướng phát triển GDNN đến 2020

    Phần 4. Những giải pháp phát triển GDNN
    4.1. Hoàn thiện cơ cấu hệ thống GDNN theo hướng thống nhất và liên thông
    4.2. Đổi mới cơ chế quản lí GDNN theo hướng tự chủ
    4.3. Tăng cường kiểm định và đánh giá chất lượng GDNN
    4.4. Đa dạng hóa mô hình tổ chức GDNN
    4.5. Đổi mới chương trình GDNN theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế
    4.6. Phát triển hệ thống đánh giá và công nhận kỹ năng nghề quốc gia
    4.7. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên GDNN
    4.8.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong GDNN
    4.9. Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia
    4.10.Hội nhập quốc tế về GDNN

    Phần V. Khảo nghiệm tính cần thiết và khả thi của các giải pháp


    7. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã tổng quan và phân tích những vấn đề lí luận cốt yếu về dự báo xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp; những khái niệm cơ bản liên quan; đặc điểm và vai trò của GDNN trong phát triển nguồn nhân lực; những yếu tố tác động chủ yếu và những yêu cầu mới đối với GDNN nước ta (nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế .);các thành tố phát triển GDNN gồm: Cơ cấu hệ thống GDNN, Cơ chế quản lý GDNN, Mô hình tổ chức GDNN, Danh mục ngành nghề GDNN, Kiểm định và đánh giá chất lượng GDNN, Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia, Đội ngũ giáo viên GDNN, Chương trình GDNN, Ứng dụng ICT trong GDNN, Liên kết và hợp tác GDNN; quy trình và phương pháp dự báo xu hướng phát triển GDNN.

    Đề tài đã đánh giá thực trạng GDNN Việt Nam qua các giai đoạn, xác định rõ những hạn chế, bất cập của GDNN hiện nay. Dựa trên những số liệu thống kê, kết quả điều tra khảo sát các đối tượng khác nhau khẳng định những bất hợp lí trong cơ cấu trình độ, chương trình đào tạo và đặc biệt trong quản lí nhà nước về GDNN . đặt ra yêu cầu cấp bách về việc dự báo xu hướng phát triển GDNN ở nước ta đến 2020.

    Trên cơ sở các phương pháp khác nhau trong đó chủ yếu là sử dụng phương pháp chuyên gia, đề tài đã trả lời được câu hỏi trong những năm tới, GDNN của Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng nào và đề xuất những giải pháp và những điều kiện đảm bảo phát triển GDNN.

    8. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    GDNN là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, có chức năng đào tạo người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ ở trình độ sơ cấp và trung cấp và cao đẳng, có trình độ học vấn tương đương trung học hoặc sau trung học để trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ . theo nhu cầu của thị trường lao động và có thể tiếp tục học bổ sung hoặc nâng cấp trình độ lên cao nếu có nhu cầu và điều kiện. GDNN nói riêng nước ta đang có nhiều bất cập, hạn chế trước những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, những tiến bộ như vũ bão của KH-CN, những yêu cầu của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế . Vì vậy, cùng với việc nhanh chóng đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, việc dự báo xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020 ngày càng trở nên cấp thiết làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển GDNN trong thời gian tới.

    Đề tài đã đưa ra quan niệm thống nhất về GDNN với tư cách là một hệ thống bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân với những đặc điểm riêng rất đáng chú ý, nằm trong luồng GD Công nghệ hay GD Nghề nghiệp - ứng dụng bao gồm các trình độ đào tạo dưới đại học phong phú, đa dạng và phức tạp. GDNN quan hệ chặt chẽ, liên thông với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

    Đề tài đã xác định được những cơ sở lý luận về dự báo giáo dục, nội dung, quy trình, phương pháp dự báo xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020. Việc dự báo xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020 đã được dựa trên những căn cứ khoa học và các yếu tố tác động sau: Hội nhập và toàn cầu hóa, phát triển kinh tế, hệ thống pháp lý, địa lý, tâm lý xã hội, kinh tế thị trường, khoa học - công nghệ.

    Qua phân tích, tổng hợp, hồi cứu tư liệu, đề tài đã đánh giá thực trạng GDNN nước ta trong những năm gần đây, đề tài đã xác định được những tồn tại bất hợp lí trong tất cả các thành tố của sự phát triển GDNN của Việt Nam từ cơ cấu hệ thống, quản lí nhà nước về GDNN đến nội dung chương trình đào tạo gây nhiều khó khăn, chồng chéo trong thực hiện đào tạo ở các cơ sở GDNN.

    Dựa vào những cơ sở lí luận và thực tiễn, bằng phương pháp chuyên gia, đề tài đã xác định được những xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020 trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

    Đề tài đã đề xuất những giải pháp và những điều kiện đảm bảo để có thể thực hiện được những những xu hướng phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020. Trước hết cần phải có sự đồng thuận trong nhận thức của các nhà quản lí các cấp, GV . .về những vấn đề then chốt cả về lí luận và thực tiễn cùng những điều kiện nguồn lực quan trọng và cần thiết để phát triển GDNN của Việt Nam đến 2020.

    Khuyến nghị

    Để những xu hướng phát triển GDNN trở thành hiện thực trong thời gian tới đòi hỏi phải có những điều chỉnh cơ bản. Trước hết việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục nói chung, hệ thống GDNN nói riêng là một vấn đề lớn, hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt là những nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề phải ở tầm Chính phủ và Quốc hội mới có thể giải quyết được. Đề nghị, trước hết Chính phủ phải đưa ra quan điểm thống nhất về quản lí nhà nước, chủ yếu là ở trung ương, đối với GDNN. Vì vậy, cần thiết phải thành lập một nhóm nghiên cứu liên ngành đặc biệt với sự tham gia của các chuyên gia của các Bộ: GD&ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch-đầu tư, Tài chính, Nội vụ . để soạn thảo các văn bản định hướng, chỉ đạo việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống GDNN.

    Giao cho Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng chiến lược phát triển nhân lực quốc gia đến 2020.

    Mở đợt tuyên truyền, phổ biến và lấy ý kiến sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, chú ý những ý kiến của các nhà giáo, các cán bộ quản lí giáo dục các cấp, các ngành về những nội dung điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục, giáo dục nghề nghiệp được đề xuất. Đầu tư kinh phí thoả đáng cho việc thực hiện những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu hệ thống giáo dục, GDNN.

    Chính phủ giao cho các Bộ, Ngành và các cơ sở sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp, đóng góp nguồn lực vào việc điều tra, khảo sát để xác định những yêu cầu của thị trường lao động, của người trực tiếp sử dụng lao động đối với người lao động ở các trình độ (từ dưới đại học), tiến tới xây dựng được những bộ tiêu chuẩn nghề ở từng trình độ trong cơ cấu trình độ nghề quốc gia. Trên cơ sở đó mới có thể xác lập được cơ cấu trình độ đào tạo lao động kĩ thuật đáp ứng yêu cầu thực tiễn. sử dụng.

    Bộ GD&ĐT cùng phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung xây dựng và ban hành các chuẩn có liên quan đến sự phát triển GDNN như: Bộ chuẩn kiểm định và đánh giá chất lượng GDNN thống nhất, chuẩn đầu ra cho các lĩnh vực ngành nghề GDNN, chuẩn chương trình GDNN, chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên GDNN .

    Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần lập một nhóm nghiên cứu kỹ bản Dự thảo Đề án 'Nâng cấp, chuyển đổi hệ trung cấp chuyên nghiệp thành cao đẳng hệ 2 năm', đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng và lí giải cho những phương án và lộ trình hợp lí trong việc thực hiện đề án này và trên cơ sở đó chủ động trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cơ cấu lại hệ cao đẳng nghề nằm trong một hệ thống GDNN thống nhất.

    Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức một số cuộc nghiên cứu sâu về nghề, về lao động của nghề, khảo sát công phu tình hình sử dụng lao động có các trình độ được đào tạo khác nhau, xác định một cách sát thực cơ cấu trình độ lao động xã hội, những yêu cầu từ phía sử dụng LĐ đối với từng trình độ của người lao động, tập trung vào các trình độ dưới đại học, để có thể rà soát, điều chỉnh khung tiêu chuẩn của 5 trình độ nghề mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành. Từ đó có thể xác định được cơ cấu trình độ đào tạo lao động kĩ thuật tương thích với cơ cấu trình độ lao động kĩ thuật mà thực tế đòi hỏi.

    Tổ chức rà soát lại mục tiêu, nội dung chương trình trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề để xác định một cách đầy đủ, chính xác những chỗ giống nhau và khác nhau ở các ngành, nghề cụ thể nhằm đưa ra những điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đảm bảo tính thực hành-nghề nghiệp của GDNN, đảm bảo tính đồng nhất và liên thông về chương trình và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục.

    Từ khóa: 1/ Giáo dục nghề nghiệp; 2/ Xu hướng giáo dục nghề nghiệp.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...