Tiến Sĩ Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 13/10/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" [17, tr. 72], đồng thời, khẳng định "Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp" [17, tr. 251]. Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp ngày 28 - 11 - 2013 (từ đây, viết gọn là “Hiến pháp năm 2013”), trong đó quy định về chính quyền địa phương tại Chương 9, gồm 7 điều (Điều 110 - Điều 116) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 - 6 - 2015 (từ đây, viết gọn là “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015”). Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân đang đòi hỏi phải cải cách, đổi mới toàn diện bộ máy nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng, trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.
    Hội đồng nhân dân tỉnh giữ vị trí quan trọng và có vai trò ngày càng to lớn trong bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân nói chung, chính quyền địa phương nói riêng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, làm cho bộ máy của nó cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả và mang tính hình thức.
    Trong bối cảnh chúng ta đang tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 và sắp tới tổ chức thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (kể từ ngày 1 - 1 - 2016) và trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân thì Hội đồng nhân dân tỉnh cần được tổ chức và hoạt động như thế nào? Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng việc thực hiện đổi mới đó vẫn còn diễn ra chậm chạp và đạt hiệu quả thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn chưa được phát huy. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do việc thực hiện đổi mới ấy còn thiếu những căn cứ lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, cho đến nay, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về nội dung và cách thức thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân còn chưa được triển khai một cách sâu rộng và có tổ chức, cho nên còn thiếu vắng những công trình có giá trị khoa học cao về vấn đề này.
    Trước tình hình trên, Nghiên cứu sinh đã chọn chủ đề "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân" làm đề tài luận án tiến sĩ luật học của mình.
    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận án
    Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của đề tài Luận án là tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn và phức tạp, cho nên, trong Luận án này, tác giả chỉ có thể giải quyết được một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án
    Mục tiêu nghiên cứu đề tài là đề xuất được các quan điểm khoa học, phương hướng và giải pháp khả thi nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.
    Nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, tác giả Luận án thực hiện ba nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
    Một là, phân tích làm rõ cơ sở lý luận về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    Hai là, đánh giá thực trạng đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân trên các phương diện ưu điểm, nhược điểm và phân tích làm rõ nguyên nhân của ưu, nhược điểm đó.
    Ba là, đề xuất những quan điểm khoa học, phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    4. Cơ sở phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu của Luận án
    Luận án được hoàn thành trên cơ sở phương pháp luận khoa học là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật. Tác giả nghiên cứu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quan điểm toàn diện, khách quan, lịch sử và cụ thể. Đổi mới Hội đồng nhân dân tỉnh trong mối quan hệ biện chứng và đồng bộ với đổi mới các thành tố của cả hệ thống chính trị nói chung và cả bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương ở nước ta nói riêng nhằm đáp ứng những yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Tác giả sử dụng phương pháp chủ yếu này trong Chương 1, Chương 2 và Chương 4. Đồng thời, tác giả phân tích việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước trong mỗi thời kỳ một cách khách quan, phương pháp này tác giả sử dụng chủ yếu tại Chương 3 của Luận án.
    Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác để thực hiện Luận án như phương pháp phân tích - tổng hợp, so sánh, thống kê,
    5. Những đóng góp mới của Luận án
    Lần đầu tiên luận án đã phân tích làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân; đánh giá thực trạng tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam thời gian qua, nhằm chỉ ra ưu điểm, nhược điểm và phân tích làm rõ nguyên nhân của ưu, nhược điểm đó; đề xuất những quan điểm, phương hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân ở nước ta
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận án
    Về mặt lý luận, luận án sẽ góp phần xứng đáng vào việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng mà cho tới nay, hoặc chỉ được đề cập phần nào, hoặc chưa hề được đề cập trong các công trình nghiên cứu như vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân; những yêu cầu về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh phù hợp với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân; khái niệm, mục tiêu, nguyên tắc, nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh; các nhân tố ảnh hưởng việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân ở nước ta.
    Về mặt thực tiễn, trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, khách quan thực trạng đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân, luận án đưa ra được những quan điểm, phương hướng, giải pháp khả thi nhằm tiếp tục tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu quả đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    Luận án là một tài liệu khoa học có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học và sau đại học các ngành luật học, hành chính học; hoạt động thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của Hội đồng nhân dân tỉnh nói riêng, cũng như hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh và của cả bộ máy nhà nước theo hướng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân;
    7. Kết cấu của luận án
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận chung và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của Luận án được kết cấu thành bốn chương sau:
    Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Luận án.
    Chương 2: Cơ sở lý luận về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    Chương 3: Thực trạng đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
    Chương 4: Quan điểm, phương hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
     
Đang tải...