Đổi mới quản lý nhà trường giáo dục nghề nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: B2010-37-90CT
    Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Trần Trung
    Các thành viên tham gia: Nguyễn Đức Giang; Ngô Thanh Bình; Nguyễn Quốc Thìn; Nguyễn Thế Dân; Đỗ Thế Hưng; Nguyễn Minh Đường; Nguyễn Đức Trí; Phan Chí Thành; Vũ Đức Minh; Nguyễn Hồng Minh.
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 1 năm 2011/ tháng 12 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Quản lý giáo dục nói chung và quản lý nhà trường nói riêng trong cơ chế thị trường đang là một vấn đề còn rất mới mẻ và là khâu yếu kém của giáo dục ở nước ta. Công tác quản lý nhà trường hiện nay chủ yếu vẫn còn thực hiện theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, theo phương pháp hành chính mệnh lệnh. Kế hoạch đào tạo chủ yếu đang được xây dựng trên cơ sở chỉ tiêu và ngân sách nhà nước đưa xuống, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động nên chưa đáp ứng tốt cho yêu cầu của khách hàng. Quản lý chất lượng chủ yếu mới quản lý chất lượng đầu ra. Do vậy, đổi mới quản lý là khâu đột phá để nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trước yêu cầu xây dựng trường thành trường chất lượng cao, có khả năng hoàn thành được sứ mệnh là những „máy cái“ trong sự nghiệp phát triển nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Xây dựng luận cứ khoa học và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện mô hình nhà trường, đổi mới quản lý nhà trường thuộc hế thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận về mô hình nhà trường, quản lý nhà trường GDNN theo chất lượng và đổi mới quản lý nhà trường trong quá trình hội nhập quốc tế;
    - Kinh nghiệm về xây dựng hệ thống GDNN, mô hình nhà trường và quản lý nhà trường GDNN ở một số nước trên thế giới;
    - Đánh giá thực trạng đào tạo và quản lý nhà trường ở một số cơ sở GDNN ở Việt Nam;
    - Đề xuất xây dựng mô hình nhà trường GDNN trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế;
    - Đề xuất một số giải pháp đổi mới quản lý nhà trường GDNN trong quá trình hội nhập quốc tế theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thế.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Về nội dung nghiên cứu: Đề tài tập trung làm rõ cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, cơ chế hoạt động cũng như điều kiện đào tạo hiện tại của một số cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đề tài nghiên cứu đổi mới quản lý nhà trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo định hướng quản lý chất lượng, tiếp cận với các mô hình và các giải pháp quản lý chất lượng nhà trường hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, đảm bảo hội nhập quốc tế. Cụ thể là tiếp cận với mô hình quản lý chất lượng tổng thể để đề xuất một số giải pháp quản lý chất lượng nhà trường của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

    Về cơ sở đào tạo: Đề tài giới hạn nghiên cứu trong phạm vi 10 trường GDNN công lập: 4 trường cao đẳng nghề; 3 trường trung cấp chuyên nghiệp và 3 trường trung cấp nghề là đại diện các vùng miền, khu vực: thành thị, nông thôn, miền núi trong cả nước.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp tiếp cận: Tiếp cận hệ thống; Tiếp cận phát triển nhân lực; Tiếp cận thị trường; Tiếp cận về hội nhập; Tiếp cận các nhóm lợi ích; Tiếp cận chất lượng; Tiếp cận quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.
    - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu lý luận; Nghiên cứu thực tiễn; Nghiên cứu so sánh và điển hình; Nghiên cứu định lượng; Nghiên cứu định tính.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Cơ sở lý luận về đổi mới quản lý nhà trường giáo dục nghề nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế
    1.1. Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Mô hình nhà trường GDNN
    1.3. Những đặc trưng của nhà trường GDNN và những yêu cầu đối với công tác lạnh đạo quản lý
    1.4. Quản lý nhà trường GDNN theo mô hình quản lý chất lượng tổng thế
    1.5. Bối cảnh tác động, thời cơ và thách thức đối với GDNN ở nước ta hiện nay

    Chương 2: Cơ sở thực tiễn của đổi mới quản lý nhà trường GDNN trong quá trình hội nhập quốc tế
    2.1. Mô hình tổ chức của nhà trường GDNN
    2.2. Quy mô và chất lượng đào tạo
    2.3. Quản lý chất lượng trong các nhà trường TCCN, TCN, CĐN ở Việt Nam
    2.4. Một số điểm tồn tại của các mô hình nhà rường và của quản lý chất lượng nhà trường trong hệ thống GDNN ở Việt Nam
    2.5. Một số điểm tương đồng trong GDNN ở các nước
    2.6. Định hướng đổi mới quản lý nhà trường GDNN ở Việt Nam

    Chương 3: Đề xuất mô hình nhà trường và giải pháp đổi mới quản lý nhà trường GDNN trong quá trình hội nhập quốc tế
    3.1. Một số định hướng phát triển GDNN của nước ta trong thời gian tới
    3.2. Đề xuất mô hình nhà trường GDNN
    3.3. Giải pháp đổi mới quản lý chất lượng nhà trường GDNN theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Sản phẩm nghiên cứu là các bài báo, sách chuyên khảo (01 chuyên khảo) về vấn đề nghiên cứu. Đề tài đã đưa ra bức tranh về quản lý GDNN của Việt Nam, trong đó nổi bật:

    Về mô hình nhà trường:

    - Hầu hết các trường GDNN chưa thành lập Hội đồng trường hoặc Hội đồng trường hoạt động không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức và chưa phát huy được vai trò tự chủ của một cơ sở giáo dục, mặc dù trong điều lệ nhà trường đã có quy định cụ thể về thể chế này.
    - Sự tồn tại biệt lập giữa các loại hình trường TCCN, TCN và CĐN thuộc 2 hệ thống GDCN và dạy nghề là rườm rà, phức tạp, thiếu tính thống nhất, lãng phí đầu tư và kéo theo một loạt hệ lụy trong tìm kiếm những khác biệt không cần thiết về chương trình, chuẩn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chất lượng, hệ thống quản lý
    - Sự liên thông giữa các nhà trường trong hệ thống GDNN và liên thông giữa hệ thống GDNN với hệ thống giáo dục hàn lâm chưa đảm bảo chất lượng và thiếu tính hệ thống.

    Về quản lý chất lượng nhà trường:

    - Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội;
    - Trong quản lý tài chính và nguồn lực, chưa tạo được cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và trả công người lao động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng đào tạo;
    - Trong quản lý các hoạt động đào tạo, thiếu các chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra được xây dựng một cách hệ thống; chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo chưa hình thành; việc xây dựng chương trình đào tạo chưa thực sự đổi mới theo hướng dựa vào năng lực dẫn tới hạn chế việc đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan; ít quan tâm tới thông tin phản hồi của người tốt nghiệp; chất lượng kiểm tra, đánh giá chưa phản ánh trung thực, đồng đều.
    - Trong quản lý các mối quan hệ chính của nhà trường, chưa có một mô hình liên kết doanh nghiệp và thị trường lao động cũng như tư vấn, hỗ trợ người học một cách chính thức và thực sự hiệu quả ở cấp trường và trong toàn hệ thống GDNN;
    - Mô hình quản lý nhà nước và quản lý chất lượng nhà trường trong hệ thống GDNN cũng bị chồng chéo.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề tài đã kiến nghị:

    Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN (Chính phủ, các bộ ngành): Xây dựng đề án “Sáp nhập, chuyển đổi các trường GDNN thành trường Trung học Kỹ thuật và nghề nghiệp và trường Cao đẳng kỹ thuật và nghề nghiệp”, đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng và lý giải cho những phương án và lộ trình hợp lý trong việc thực hiện đề án này và trên cơ sở đó chủ động trao đổi, thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về việc cơ cấu lại hệ thống GDNN; Thiết lập hệ thống đào tạo GDNN thống nhất theo một cơ quan quản lý; Xây dựng và hoàn chỉnh các khung trình độ đào tạo lao động kỹ thuật cũng như các bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia đáp ứng yêu cầu thực tiễn sử dụng và đảm bảo tính hội nhập quốc tế; Xây dựng cơ sở pháp lý cho hệ thống đào tạo phối hợp, bao gồm cả quỹ hỗ trợ GDNN do các doanh nghiệp đóng góp; Thống nhất bộ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng nhà trường GDNN theo những mô hình trường mới và theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể; Giao quyền tự chủ và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá về thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội trong hệ thống nhà trường GDNN; Hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp hoặc cơ sở sử dụng lao động; Xây dựng các trường GDNN trọng điểm, các Trung tâm bồi dưỡng năng lực giáo viên dạy nghề theo chuẩn quốc tế đặt tại các trường ĐH sư phạm kỹ thuật; Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng GV dạy nghề, trang thiết bị thực tập tại trường. Đặc biệt là các chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề, kỹ năng thực hành hàng năm tại các trường ĐH sư phạm kỹ thuật.

    Đối với các nhà trường GDNN: Thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền cho các chủ thể quản lý bên trong nhà trường (người đứng đầu, các cấp quản lý trung gian, giáo viên, người học); Kiên quyết thành lập và phát huy vai trò của Hội đồng trường với thành phần của Hội đồng chủ yếu là thành viên ngoài trường GDNN (các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ quan quản lý hành chính nhà nước về GDNN .), cùng với một số thành viên của nhà trường và cựu HSSV; Thành lập đơn vị chuyên trách về liên kết nhà trường với với doanh nghiệp và thị trường lao động trên các lĩnh vực xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo, tăng cường nguồn nhân – tài – vật lực cho đào tạo nghề, liên kết về thông tin – dịch vụ, tư vẫn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tự chủ và tính trách nhiệm xã hội trong các trường GDNN; Xây dựng hệ thống chất lượng, thành lập đơn vị tham mưu giúp Hiệu trưởng nhà trường thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng; Mạnh dạn ứng dụng các giải pháp đề xuất của đề tài trong quản lý nhà trường. Đồng thời trong quá trình thực hiện, có thể vận dụng vào các hoạt động quản lý đa dạng để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường trong xu thế hội nhập.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...