Đổi mới phân cấp quản lý trường THPT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hồng Thuận
    Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu Tâm lý-Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 0913510473
    Thư ký đề tài: ThS. Lê Thị Thủy; Thành viên: ThS. Đào Vân Vi; PGS.TS. Đặng Thành Hưng; ThS. Đặng Thị Minh Hiền.
    Thời gian thực hiện: 2007-2009

    Mục tiêu nghiên cứu


    Phương hướng đổi mới phân cấp quản lý trường THPT công lập ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

    Nội dung nghiên cứu

    - Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phân cấp quản lý GDPT

    - Thực tiễn phân cấp quản lý trường THPT công lập Việt Nam

    - Khuyến nghị đổi mới phân cấp quản lý trường THPT công lập Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

    Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp điều tra; phương pháp tổng kết kinh nghiệm; phương pháp chuyên gia; phương pháp so sánh; phương pháp thống kê.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã làm rõ các khái niệm: phân cấp quản lý - loại hình tổ chức nền hành chính theo cách giao cho một cộng đồng dân cư, một đơn vị hành chính hay cho một tổ chức quyền tự quản lý với những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định có tư cách pháp nhân và những nguồn thu riêng, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của Nhà nước về mặt luật pháp; phân cấp quản lý giáo dục - quá trình thiết kế lại hệ thống qui trình trách nhiệm, quyền hạn, và tính chịu trách nhiệm (theo các chức năng hoặc thành phần của chức năng QLGD) theo hướng dịch chuyển từ cấp trên xuống dưới, nhà trường và cộng đồng, cũng như qui trình quan hệ công việc giữa các bên liên quan (trong và ngoài hệ thống QLGD), nhằm sử dụng tối đa các nguồn lực đạt tới mục tiêu đề ra.

    Trong đề tài này, khái niệm phân cấp quản lý trường THPT (theo nghĩa rộng- quản lý Nhà nước về trường THPT) được hiểu là quá trình thiết kế hệ thống qui trình trách nhiệm, quyền hạn, và tính chịu trách nhiệm (theo các chức năng hoặc thành phần của chức năng QLGD) theo hướng dịch chuyển từ cấp trên xuống đến nhà trường THPT, cũng như qui trình quan hệ công việc giữa các bên liên quan (trong và ngoài hệ thống QLGD), nhằm sử dụng tối đa các nguồn lực đạt tới mục tiêu đề ra.
    Tuy nhiên, trong quá trình vận hành hệ thống quản lý, nếu có những yếu tố hay vấn đề nảy sinh, gây kìm hãm động thái phát triển thì phải dùng hành động “đổi mới”.
    Đổi mới phân cấp quản lý trường THPT là quá trình thay đổi hoặc điều chỉnh, bổ sung các chính sách dựa trên cơ sở những nghiên cứu khoa học từ khía cạnh lý luận và thực tiễn phân cấp quản lý trường THPT.

    Từ cơ sở lý luận và những kinh nghiệm rất đa dạng và phong phú của các quốc gia có cải cách về phân cấp thành công, đề tài rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc phát triển một mô hình phân cấp quản lý trường PT thành công ở Việt Nam như sau:

    - Kết hợp tập trung và phân cấp (như phi tập trung hoá, uỷ quyền, trao quyền và tư nhân hoá), tránh các mô hình phức tạp, đảm bảo quyền hạn đi đôi với trách nhiệm thực hiện, và nâng cao quyền tự chủ cho trường PT (như thực tế chứng minh là quyền hạn càng gần với cấp thực hiện càng tốt) trong khuôn khổ qui định của trung ương và địa phương.

    - Phân cấp quyền ra quyết định cho cấp thực hiện đi đôi với việc củng cố và xây dựng hệ thống chịu trách nhiệm với kết quả đầu ra.

    - Tập trung nhiều hơn vào quan hệ trách nhiệm “quản lý (trong) nhà trường PT” và các vấn đề bền vững do khi tăng cường quyền tự chủ cho nhà trường sẽ liên quan nhiều hơn đến quan hệ quản lý (trong) nhà trường.

    - Để phân cấp quản lý trường PT thành công, cần nâng cao năng lực cho các cấp QLGD và trường PT.

    2/ Về thực tiễn

    Mối quan hệ hành pháp giữa các cấp Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh/TP, sở GD-ĐT và trường THPT được xây dựng theo kiểu trực tuyến - chức năng, kết hợp quản lý theo các chương trình mục tiêu và nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Trong đó: Chính phủ – UBND tỉnh/TP là trực tuyến, còn Bộ GD-ĐT và sở GD-ĐT là các cơ quan chức năng.

    Các cuộc khảo sát năm 2008 (do Bộ Giáo dục & Đào tạo và các thành viên đề tài thực hiện) tại các địa phương trên cả nước cho thấy hiện trạng phân cấp quản lý trường THPT được nhìn nhận và phân tích theo năm chức năng và thành phần chức năng QLGD:

    ã Về việc thực hiện chức năng lập kế hoạch
    ã Về việc thực hiện chức năng chuyên môn
    ã Về việc thực hiện chức năng hành chính
    ã Về việc thực hiện chức năng thanh tra
    ã Về việc thực hiện chức năng thông tin

    Có hai cấp chính quyền (Chính phủ - Bộ GD-ĐT, và UBND tỉnh/TP - sở GD-ĐT) tham gia quản lý trường THPT, trong đó, cấp tỉnh/TP được trao quyền quản lý tương đối toàn diện.
    Tuy nhiên, phần lớn các quyết định vẫn được ban hành tại trung ương (cấp Bộ GD-ĐT) hoặc cấp UBND tỉnh/TP và sở GD-ĐT, nên có thể nói, hệ thống quản lý trường THPT Việt Nam vẫn mang tính tập trung hơn là phân cấp. Và dường như cấp trung ương hoặc cấp địa phương đang thực hiện một số chức năng giáo dục mà đáng lẽ ra họ nên giao cho cấp thấp hơn, đặc biệt là cho cấp cơ sở - cấp nhà trường THPT.

    Như vậy, để thực hiện phân cấp quản lý trường THPT, hiện nay ở Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn. Đó là: cấp trung ương và địa phương còn chưa làm đúng và tốt chức năng định hướng, hỗ trợ và kiểm soát hệ thống giáo dục; hệ thống chịu trách nhiệm với người hưởng dịch vụ và cộng đồng còn nhiều hạn chế; và cách cung cấp nguồn vật lực, đặc biệt là tài chính, hiện nay còn chưa hiệu quả và công bằng, thiếu tính linh hoạt/mềm dẻo trong sử dụng các nguồn lực.

    Trong hệ thống quản lý trường THPT Việt Nam hiện nay, các quyết định quan trọng liên quan hay tác động đến giảng dạy và học tập, như các quyết định về nhân sự, phát triển nghề nghiệp và sử dụng nguồn lực tài chính, vẫn được đưa ra tại cấp cao hơn cấp nhà trường và ảnh hưởng của các quyết định còn xa với thực tiễn nhà trường.
    Căn cứ vào cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn phân cấp quản lý trường THPT ở Việt Nam hiện nay và bài học kinh nghiệm từ quốc tế (đặc biệt là kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển) cho thấy phân cấp quản lý giáo dục hiệu quả nhất khi sự dịch chuyển quyền ra quyết định và quản lý được thực hiện tối đa tới cấp hạt nhân là cấp trường.

    Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cần phải quan niệm đầy đủ hơn về một hệ thống giáo dục phát triển. Vì vậy, yêu cầu đặt ra ở đây là phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục sao cho chất lượng dạy - học và các dịch vụ giáo dục khác được nâng lên, đồng thời với những chi phí lợi ích thực sự hợp lý.

    Việc đổi mới phân cấp quản lý giáo dục nói chung và quản lý trường THPT Việt Nam nói riêng phải phù hợp với những chủ trường, chính sách và thể chế quản lý hành chính của Chính phủ Việt Nam.

    Như vậy, đối với điều kiện thực tế về nguồn lực (cả nhân lực và vật lực) ở Việt Nam, để phát triển thành công một mô hình phân cấp quản lý trường THPT, cần thực hiện theo những định hướng:

    ã Kết hợp tập trung và phân cấp;
    ã Phân cấp quyền ra quyết định cho cấp dưới đi đôi với việc củng cố và xây dựng hệ thống chịu trách nhiệm;
    ã Ủy quyền thêm quyền hạn phù hợp với trách nhiệm cho cấp trường THPT;
    ã Củng cố quan hệ trách nhiệm quản lý(trong) nhà trường PT
    ã Nâng cao năng lực đội ngũ và các điều kiện đảm bảo khác.

    3/ Một số khuyến nghị

    Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa lại trách nhiệm, quyền hạn và tính chịu trách nhiệm của các cấp QLGD (Bộ và Sở GD-ĐT), nhà trường THPT và các cơ quan chức năng liên quan khác, thông qua hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư liên bộ, vì chỉ riêng Bộ GD-ĐT sẽ không thể giải quyết được;

    Chính phủ cần xem xét và có quy định cụ thể về các thành viên của UBND tỉnh/thành phố, theo đó ông Giám đốc sở GD-ĐT cần thiết phải là một thành viên để tránh tình trạng như hiện nay, Sở GD-ĐT chưa có được vị trí ngang bằng với một số sở, ngành khác trong quá trình quan hệ công tác;

    Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng hệ thống thông tin trung thực, đầy đủ, minh bạch và công khai về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tính chịu trách nhiệm, cũng như kết quả hoạt động của từng cấp QLGD, của nhà trường THPT và kết quả học tập của học sinh. Và có cơ chế pháp lý để người dân có thể tiếp cận với thông tin và tham dự vào quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, chính sách, chương trình giáo dục;

    Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu hoàn thiện chế độ Lao động tiền lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác ở những vùng khó khăn và trong các trường THPT chuyên biệt (như trường Khuyết tật, trường phổ thông Năng khiếu, ).

    TỪ KHÓA: 1/Phân cấp quản lý; 2/ Quản lý giáo dục; 3/Trung học phổ thông.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...