Tiến Sĩ Định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận án tiến sĩ năm 2013
    Đề tài: Định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
    Định dạng file word


    MỤC LỤC
    Trang
    Lời cam đoan
    Mục lục
    Danh mục các chữ viết tắt
    Danh mục các bảng
    MỞ ĐẦU 1
    Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ,
    CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 7
    1.1. Tổng quan nghiên cứu về định canh định cư 7
    1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 19
    Tiểu kết chương 1 34
    Chương 2: KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU: HUYỆN KỲ SƠN,
    TỈNH NGHỆ AN 35
    2.1. Điều kiện tự nhiên 35
    2.2. Đơn vị hành chính, dân số và dân tộc 36
    2.3. Điều kiện kinh tế - xã hội 38
    2.4. Người Khơ mú và người Hmông ở huyện Kỳ Sơn 42
    2.5. Khái quát về các điểm nghiên cứu 45
    Tiểu kết chương 2 48
    Chương 3: CHÍNH SÁCH ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ Ở VIỆT NAM VÀ THỰC HIỆN
    ĐỊNH CANH ĐỊNH CANH Ở HUYỆN KỲ SƠN, TỈNH NGHỆ AN
    (TỪ NĂM 1968 ĐẾN NAY) 49
    3.1. Nông nghiệp nương rẫy ở Việt Nam 49
    3.2. Chủ trương, chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước 51
    3.3. Quá trình thực hiện định canh định cư ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An 63
    Tiểu kết chương 3 69
    Chương 4: ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ Ở NGƯỜI KHƠ MÚ, HUYỆN
    KỲ SƠN, TỈNH NGHỆ AN 70
    4.1. Làng định cư 70
    4.2. Các hoạt động kinh tế 76
    4.3. Giáo dục 87
    4.4. Y tế 89
    4.5. An sinh xã hội và quốc phòng an ninh 90
    Tiểu kết chương 4 94
    Chương 5: ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ Ở NGƯỜI HMÔNG, HUYỆN
    KỲ SƠN, TỈNH NGHỆ AN 96
    5.1. Làng định cư 96
    5.2. Các hoạt động kinh tế 103
    5.3. Giáo dục 113
    5.4. Y tế 115
    5.5. An sinh xã hội và quốc phòng an ninh 117
    Tiểu kết chương 5 120
    Chương 6: KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 122
    6.1. Về hệ thống kinh tế nương rẫy cổ truyền của người Khơ mú
    và người Hmông 122
    6.2. Về mô hình định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông 124
    6.3. Về chính sách và thực hành định canh định cư 132
    6.4. Vấn đề đói nghèo, biến đổi và thích ứng văn hóa ở người
    Khơ mú và người Hmông 137
    KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 142
    DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 146
    TÀI LIỆU THAM KHẢO 147
    PHỤ LỤC 159
    Phụ lục 1: Các bảng số liệu liên quan đến nội dung luận án 159
    Phụ lục 2: Bảng hỏi điều tra xã hội học tại địa bàn nghiên cứu 174
    Phụ lục 3: Một số hình ảnh về cuộc sống định canh định cư của người
    Khơ mú và Hmông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An 193


    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
    Du canh du cư và định canh định cư được coi là hai lối sống phổ biến của cư dân nông nghiệp trên thế giới. Du canh du cư thường tồn tại ở các cư dân canh tác nương rẫy miền núi, vùng cao. Từ nhiều thập kỷ nay, các nhà nước khắp nơi trên thế giới đang đẩy mạnh thực hiện định canh định cư đối với các nhóm cư dân du canh và du cư. Việc chuyển đổi lối sống du canh sang định canh định cư đã và đang là mối quan tâm lớn trong chính sách phát triển của hầu hết các quốc gia - nơi những người dân du canh đang sinh sống. Sự thành công của chương trình định canh định cư phụ thuộc chủ yếu vào chính sách và thực hành chính sách của mỗi quốc gia. Chương trình định canh định cư mà các chính phủ đang theo đuổi đã tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống xã hội người dân du canh bao gồm cả những rủi ro và thách thức. Từ quan điểm của các nhà nước, định canh định cư thường được nhìn nhận là một sự can thiệp cần thiết để phát triển các nhóm cư dân du canh.
    Cũng như nhiều nước từ Nam Mĩ, châu Phi cho đến Đông Nam Á, miền núi Việt Nam đang đứng trước những thách thức khá gay gắt về kinh tế xã hội và môi trường. Cho nên, vấn đề định canh định cư các dân tộc du canh được coi là một yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển không những của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới [64, tr. 5].
    Vùng miền núi Việt Nam chiếm ¾ lãnh thổ đất liền của quốc gia (không kể hải phận, vùng đặc quyền kinh tế trên biển, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là nơi sinh sống tập trung của các dân tộc thiểu số. Phần lớn các dân tộc thiểu số nước ta sống dựa vào canh tác nương rẫy; trong đó, đồng bào Khơ mú và Hmông được xem là những đại diện tiêu biểu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đến những năm giữa thế kỷ XX, du canh truyền thống ở nước ta bị phá vỡ do sức ép dân số và những nguyên nhân khác đã tạo ra khủng hoảng trong nông nghiệp nương rẫy vùng cao với nhiều hậu quả về kinh tế xã hội và môi trường [15], [60]. Vì thế, ngay từ những năm 1960, Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chính sách định canh định cư đối với các dân tộc thiểu số du canh và xem đây là một trong những quyết sách nhằm chấm dứt lối sống du canh, nỗ lực chống lại đói nghèo và phát triển các dân tộc ở miền núi. Chính sách định canh định cư và quá trình thực hành đã can thiệp và tác động mạnh mẽ đến văn hóa, xã hội của những tộc người du canh như người Khơ mú và người Hmông, tạo ra những thay đổi lớn ở miền núi Việt Nam.
    Định canh định cư là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ở vùng các dân tộc thiểu số miền núi trong hơn bốn thập kỷ qua. Vậy chính sách định canh định cư đã tác động như thế nào đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của các dân tộc ở miền núi? Liệu chính sách định canh định cư có thu được những thành công như mong đợi? Các dân tộc du canh đã thích ứng ra sao trong quá trình chuyển đổi lối sống sang định canh định cư? v.v. Đó là những vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng nhưng chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của giới nghiên cứu.
    Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh công cuộc phát triển vùng miền núi dân tộc trong tình hình mới, thực hiện định canh định cư vững chắc gắn với phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Để đạt được mục tiêu này, việc tìm hiểu, đánh giá về chính sách định canh định cư và những tác động đến đời sống xã hội của đồng bào vùng cao sẽ góp phần làm cơ sở cho những chủ trương, chính sách tiếp theo là hết sức cần thiết.
    Chính sách và thực hành định canh định cư của Nhà nước là cả một quá trình hướng đến mục tiêu thay đổi lối sống và phát triển các dân tộc thiểu số nước ta. Bởi vậy, nghiên cứu vấn đề định canh định cư ở các dân tộc không những góp phần tìm hiểu quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà còn cho chúng ta thấy việc giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, nhà nước và tộc người diễn ra như thế nào ở Việt Nam trong mấy thập kỷ qua cả về lý luận và thực tiễn. Từ đó, thiết thực góp phần làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình chuyển đổi lối sống du canh sang định canh định cư, thực hiện chính sách dân tộc, phát triển bền vững ở miền núi và phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số. Xuất phát từ cơ sở ý nghĩa khoa học và thực tiễn như vậy, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài nghiên cứu “Định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An” làm luận án tiến sỹ nhân học.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Đề tài nghiên cứu này nhằm 4 mục đích chính sau đây:
    - Tìm hiểu và đánh giá về chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước từ năm 1968 đến nay.
    - Tìm hiểu nội dung thực hiện định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
    - Đánh giá tác động của chính sách định canh định cư và quá trình thực hiện đối với văn hóa tộc người trên các lĩnh vực đời sống xã hội theo những mục tiêu chính của chính sách định canh định cư đề ra trong trường hợp người Khơ mú và người Hmông; sự giống và khác nhau về biến đổi, thích ứng văn hóa của hai dân tộc vốn có lối sống du canh du cư khác nhau khi chuyển sang định canh định cư.
    - Trên cơ sở phát hiện của nghiên cứu, ngụ ý góp phần làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện chính sách phát triển vùng dân tộc miền núi trong thời gian tới.
    3. Nội dung nghiên cứu
    Nội dung nghiên cứu của luận án tập trung vào các vấn đề sau:
    - Phân tích tổng quan các tài liệu đã có về chính sách và quá trình thực hiện định canh định cư, tìm kiếm cơ sở lý thuyết và định hướng nghiên cứu.
    - Phân tích các chính sách định canh định cư của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn từ năm 1968 đến nay và quá trình thực hiện tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
    - Phân tích những nội dung chủ yếu của quá trình thực hiện định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông tại huyện Kỳ Sơn; trong đó tập trung vào vấn đề xây dựng các làng định cư tập trung; tổ chức các hoạt động kinh tế; các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế và an sinh xã hội, và quốc phòng an ninh.
    - Phân tích những đặc điểm biến đổi và thích ứng văn hóa của hai dân tộc Khơ mú và Hmông trong quá trình chuyển đổi lối sống sang định canh định cư và những ngụ ý thực tiễn cho chính sách phát triển ở vùng dân tộc thiểu số miền núi.
    Có thể nhận thấy chính sách định canh định cư và quá trình thực hiện đã tác động đến toàn bộ đời sống xã hội của các tộc người du canh miền núi. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một luận án nhân học tiếp cận một đề tài còn khá mới mẻ cả về lý luận lẫn thực tiễn nên chúng tôi chỉ tập trung phân tích một số vấn đề chính đã nêu ở trên trong trường hợp người Khơ mú và người Hmông ở huyện Kỳ Sơn.
    4. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là vấn đề định canh định cư ở người Khơ mú và người Hmông tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, bao gồm: chính sách và quá trình thực hiện tại cộng đồng Khơ mú và Hmông, tác động của định canh định cư đến đời sống xã hội của hai tộc người này thông qua những biến đổi kinh tế xã hội.
    Bên cạnh tập trung nghiên cứu các làng định cư của người dân Khơ mú và người Hmông tại Kỳ Sơn, chúng tôi còn hướng sự quan tâm đến phân tích văn bản và tài liệu lưu trữ liên quan đến chính sách định canh định cư, những người có vai trò hoạch định và thực hiện chính sách định canh định cư ở các cấp bao gồm những cán bộ quản lý của tỉnh, huyện, xã ở địa bàn nghiên cứu, bộ đội đóng quân trên địa bàn, những người làm công tác giáo dục, y tế ở địa phương.
    Phạm vi nghiên cứu của luận án tập trung vào tìm hiểu chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước từ năm 1968 đến nay; quá trình thực hiện định canh định cư đối với người Khơ mú và người Hmông ở Kỳ Sơn, Nghệ An và tác động của định canh định cư đến đời sống xã hội của hai nhóm cư dân trong thời gian này.
    Quá trình thực hiện định canh định cư và tái định cư phát triển ở vùng núi nước ta đã làm xuất hiện một số mô hình định cư khác nhau nhưng trong luận án này, chúng tôi tập trung nghiên cứu và phân tích mô hình chủ đạo của chương trình định canh định cư là xây dựng làng định cư tập trung như một hợp phần quan trọng của chính sách định canh định cư ở người Khơ mú và Hmông, Nghệ An.
    Chúng tôi lựa chọn các làng của người Khơ mú và Hmông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An làm địa bàn nghiên cứu với 2 lý do: Thứ nhất, Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới tương đối điển hình về môi trường tự nhiên và xã hội ở miền núi Việt Nam, trong đó có số lượng lớn người Khơ mú và người Hmông cư trú. Hai nhóm tộc người này vốn là những cư dân du canh truyền thống với những phương thức canh tác khác nhau, và cả hai đều đã và đang là đối tượng của chính sách định canh định cư. Thứ hai, trong mấy chục năm thực hiện công tác định canh định cư, tỉnh Nghệ An được coi là một trong những địa phương tổ chức thực hiện định canh định cư đạt được nhiều thành tựu. Tính đến năm 2002, trong số 404.827 người dân tộc thiểu số, toàn tỉnh chỉ còn 888 hộ và 5.663 khẩu thuộc diện du canh du cư [78]. Kết quả đáng khích lệ này có thể được học hỏi và phân tích để từ đó hiểu rõ hơn những thành công và chưa thành công trong thực hiện định canh định cư.
    Trên cơ sở khảo sát tình hình định canh định cư chung của huyện Kỳ Sơn, chúng tôi tiến hành nghiên cứu sâu ở 4 làng định cư tập trung tại 2 xã Tà Cạ và Nậm Cắn, gồm 2 bản của người Khơ mú là Na Nhu và Bình Sơn 1 và 2 bản của người Hmông là Sơn Hà và Trường Sơn. Các bản này thuộc các xã vùng cao biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào Khơ mú và Hmông. Cho đến nay, hầu hết, người dân đã định canh định cư ổn định theo mô hình làng định cư tập trung.
    5. Đóng góp của luận án
    5.1. Về mặt tư liệu, trên cơ sở phương pháp mô tả và phân tích nhân học/dân tộc học, luận án cung cấp một cách có hệ thống những thông tin mới từ góc nhìn so sánh về quá trình chuyển đổi lối sống của các tộc người như là hệ quả của định canh định cư ở vùng các dân tộc thiểu số miền núi trong đó tập trung vào trường hợp cụ thể của người Khơ mú và người Hmông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
    5.2. Về mặt lý luận, khác với các nghiên cứu đã có, đặc biệt là của các học giả nước ngoài về chính sách và thực hiện định canh định cư ở Việt Nam chủ yếu nhấn mạnh vào mối quan hệ nhà nước và tộc người, nhìn nhận định canh định cư như một phương thức đồng hóa các dân tộc thiểu số, nghiên cứu này cho thấy, mặc dù còn có những khoảng cách giữa chính sách và thực hiện chính sách, bản chất của chính sách và thực hiện định canh định cư là xuất phát từ tính nhân văn và đường lối phát triển các dân tộc ở miền núi của Nhà nước ta nhằm tạo ra cơ sở cho sự bình đẳng, đoàn kết và phát triển các dân tộc. Thực tế, quá trình định canh định cư ở Kỳ Sơn, Nghệ An cho thấy mô hình định cư làng tập trung đã bước đầu đạt được kết quả. Các tộc người đang dần thích ứng với mô hình kinh tế và lối sống mới sau cú sốc về thay đổi lối sống với những mức độ khác nhau. Sự can thiệp nhằm tạo ra thay đổi như vậy không hề là một quá trình dễ dàng và khó có thể tránh được những “cú sốc’ văn hóa nảy sinh trong quá trình chuyển đổi này.
    5.3. Về mặt khoa học, trên cơ sở thu thập các thông tin có tính hệ thống dựa trên điền dã thực tế, luận án đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội do can thiệp vào lối sống truyền thống để phát triển và khả năng thích ứng văn hóa của các tộc người trong quá trình này. Chúng tôi cho rằng, sự thay đổi do can thiệp vào lối sống truyền thống không phải là một quá trình dễ dàng mà nó thường trải qua ba giai đoạn phổ biến: Đầu tiên là hiệu ứng “sốc” do phải thay đổi; tiếp theo là phản ứng lại chính sách bằng các biện pháp tiêu cực hoặc tích cực; và cuối cùng là quá trình thích ứng với những đổi thay văn hóa. Song không phải tất cả các trường hợp đều diễn ra tuần tự như vậy. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, đặc thù lịch sử - văn hóa tộc người mà thích ứng văn hóa có thể diễn ra sớm hay muộn, hội chứng sốc có thể kéo dài hay ngắn, nhưng có thể thấy thích ứng văn hóa vẫn dường như là xu hướng chủ đạo.
    5.4. Về mặt thực tiễn, phân tích của luận án chỉ ra rằng, định canh định cư là một chủ trương đúng đắn, nhưng việc vận dụng và thực hành chính sách cần dựa trên phân tích thấu đáo lối sống và phương thức du canh truyền thống của mỗi tộc người để có biện pháp phù hợp. Việc vận dụng đồng loạt chính sách định canh định cư theo mô hình chung vào mọi hệ sinh thái và cộng đồng tộc người không chỉ thể hiện cách làm duy ý chí mà còn có thể không phát huy được kho tàng tri thức bản địa phong phú trong xử lý các mối quan hệ giữa con người với hệ sinh thái địa phương mà họ tích lũy được từ nhiều đời nay vào trong cuộc sống hiện tại.
    6. Bố cục của luận án
    Do yêu cầu đặt ra của nghiên cứu như đã nêu ở phần trên, ngoài các phần mở đầu và kết luận, luận án này bao gồm sáu chương như sau:
    Chương 1: Tổng quan nghiên cứu về định canh định cư, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
    Chương 2: Khái quát về địa bàn nghiên cứu: huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
    Chương 3: Chính sách định canh định cư ở Việt Nam và thực hiện định canh định cư ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (Từ năm 1968 đến nay)
    Chương 4: Định canh định cư ở người Khơ mú, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
    Chương 5: Định canh định cư ở người Hmông, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
    Chương 6: Kết quả và bàn luận


    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    Tài liệu tiếng Việt
    1. Đặng Nguyên Anh (2006), Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền núi, Nxb Thế giới, Hà Nội.
    2. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2008), Báo cáo xây dựng đề án “Chính sách hôc trợ đặc biệt về kinh tế nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo và tiến tới xóa bỏ tình trạng du canh, du cư tự do của người Mông”, Vinh.
    3. Hoàng Chí Bảo (cb), (2009), Bảo đảm bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, Nxb CTQG, Hà Nội.
    4. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn (2010), Lịch sử đảng bộ huyện Kỳ Sơn (1945 – 2005), Nxb Nghệ An.
    5. Trần Bình (2000), Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
    6. Hoàng Hữu Bình (1998), Các tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam và môi trường, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    7. Bộ Nông nghiệp & PTNT (2004), Báo cáo tổng kết công tác ĐCĐC giai đoạn 1990 - 2002, Hà Nội.
    8. Nguyễn Văn Chính, (2010), “Văn hóa và con người các dân tộc thiểu số trên một số báo viết Việt Nam”, Báo cáo đề tài nghiên cứu về Định kiến sắc tộc ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Xã hội và Môi trường, Hà Nội.
    9. Nguyễn Từ Chi (2003), Góp phần nghiên cứu văn hoá & tộc người, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
    10. Lê Trọng Cúc (2002), “Phát triển bền vững miền núi Nghệ An”, trong Phát triển bền vững miền núi Nghệ An, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, tr. 6 -24.
    11. Phan Hữu Dật (1998), Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
    12. Phan Hữu Dật, (cb) (2001), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
    13. Phan Hữu Dật (2004), Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
    14. Khổng Diễn (chủ biên) (1996), Những đặc điểm kinh tế -xã hội các dân tộc miền núi phía Bắc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    15. Donovan D., Rambo T. A., Fox J., Lê Trọng Cúc, Trần Đức Viên (1997), Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội.
    16. Nguyễn Văn Dũng, Trần Đức Viên, Nguyễn Thanh Lâm (2006), “Ảnh hưởng của canh tác nương rẫy đến khả năng phục hội dinh dưỡng đất trong giai đoạn bỏ hóa ở tỉnh Hòa Bình”, www.hua.edu.vn:85/tc_khktnn/download.asp?ID=226
    17. Tạ Hữu Dực (2007), “Thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn miền núi (Nghiên cứu trường hợp xã Tân Dân, huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh”, Dân tộc học, số 2, tr. 53 - 62.
    18. Lê Duy Đại (1989 ), “Những đặc điểm dân cư và một số vấn đề định canh định cư”, Dân tộc học, (2+3), tr. 44 - 66.
    19. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
    20. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
    21. Bùi Minh Đạo (2000), Trồng trọt truyền thống của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    22. Bế Viết Đẳng (1989), “Sự phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và công cuộc ĐCĐC ở người Hmông”, Dân tộc học, (2+3), tr. 8 - 19.
    23. Mạc Đường (1964), Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học, H.
    24. Ericsen, T.H (1993), “Các sắc tộc thiểu số và nhà nước trong tính sắc tộc và chủ nghĩa quốc gia: Những quan điểm nhân học”, trong Hợp tuyển tính dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á, C. Keyes tuyển chọn, 2005, H, tr.191 - 213.
    25. Fox J., Donovan D., (1997), “Lâm nghiệp xã hội và sự thay đổi thể chế trong phát triển miền núi: Những bài học từ châu Á” trong Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 99 - 129.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...