Tiểu Luận điêu khắc cổ champa

Thảo luận trong 'Du Lịch' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Vương quốc Champa tồn tại liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 đến năm 1832 qua các tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và cuối cùng là Panduranga - Chămpa, nằm trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam. Champa có nền văn hóa phát triển rực rỡ, để lại ngày nay nhiều di sản nghệ thuật như điêu khắc đá Chăm Pa, kiến trúc Champa, hội họa ChamPa, âm nhạc Champa, trong đó nổi bật nhất là kiến trúc và điêu khắc trong các tháp Chăm Pa.
    Nền điêu khắc của người Khmer, điêu khắc của người Java và nền điêu khắc ChamPa là một trong ba nền điêu khắc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ đạt tới tầm cỡ thế giới. Do vị trí địa lí và hoàn cảnh lịch sử nên điêu khắc cổ Champa chịu ảnh hưởng nhiều từ nền điêu khắc Ấn Độ và điêu khắc Khmer, Java. Trà Kiệu sớm cuối thế kỷ VII, điển hình là các phù điêu đám cưới công chúa Sita, ảnh hưởng phong cách Amrvati của nghệ thuật Ấn Độ. Trà Kiệu muộn cuối thế kỷ X ảnh hưởng phong cách Ấn Độ, Java của Indonesia, làm sống lại phong cách Trà Kiệu sớm. Biểu trưng của nghệ thuật bấy giờ là đôi mắt không có con ngươi, mũi nhỏ, miệng cười. Giá trị nhất là đài thờ có các hình vũ nữ trong tư thế tribhanga, toàn thân và chân tay uốn cong được chạm nổi như tượng tròn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa. An Mỹ đầu thế kỷ VIII, đây là thời kỳ bắt đầu có phong cách bản địa và yếu tố Đông Nam Á. Nét đặc trưng là hình người có mái tóc xoắn ốc buông rủ, mắt mở to, mũi thẳng, khoé môi cong lên. Mỹ Sơn E1 thế kỷ VIII-IX, đây là thời kì thống nhất hai miền Nam Bắc Champa nên phát triển rất rực rỡ, là đỉnh cao của nghệ thuật Champa. Nhà thờ Mỹ Sơn E1 có cảnh sinh hoạt tôn giáo của các đạo sĩ Ấn Độ giáo với các trang phục, chi tiết Champa với mũ đội thon nhọn, mắt hơi xếch, lông mày rậm, mũi to, môi dày. Đồng Dương cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, Phật giáo phát triển mạnh. Theo tín ngưỡng thờ thần Shiva và các thần tiên. Khương Mỹ đầu thế kỷ X, thời kỳ hội nhập thêm các yếu tố mới từ văn hoá Campuchia và Indonesia mang vẻ đẹp hiện thực hơn, mộc mạc. Các tượng người không quá tráng kiện mà uyển chuyển, linh động với các đặc điểm nhân chủng Champa[1]. Chánh Lộ thế kỷ XI, đây là giai đoạn khủng hoảng của văn hoá Champa, nét ảnh hưởng của văn hoá Indonesia mờ nhạt dần đi. Thể hiện qua mặt người có mắt nhỏ, mũi thấp, đầu đội có các hai tầng bằng các đoá hoa. Tháp Mẫm thế kỷ XII-XIV, ảnh hưởng văn hoá Campuchia và Đại Việt. Các tượng to lớn, các con vật thiêng, tượng thờ dựa lưng vào bệ, trang trí nhiều bộ vú. Hình thức rườm rà, đơn điệu, mất sinh khí. Yang Mum cuối thế kỷ XIV- đầu XV, được phát hiện ở Tây Nguyên, ảnh hưởng văn hoá Campuchia. Những bức tượng lộ vẻ day dứt, buồn bã với nhiều trang trí rối rắm. Điều này báo hiệu sự suy tàn của Champa và hoàn toàn mai một vào thế kỷ XVIII.[2]
    Tuy vậy nhưng điêu khắc Champa vẫn mang những nét độc đáo riêng. Xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả các hình chạm khắc dưới dạng phù điêu, trong điêu khắc Chăm Pa rất ít có khung cảnh chung mà nhấn mạnh vào từng hình tượng, ví dụ như bức phù điêu tiên nữ Apsara đang múa được tìm thấy ở Trà Kiệu thể hiện bàn tay to, cánh tay cong. Chính vì thế nghệ thuật điêu khắc của Chăm Pa mang tính ấn tượng nhiều hơn là tả thực, tính ấn tượng có thể nói là đặc điểm quan trọng tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc cổ Chăm Pa.[3]
    Trên hầu hết các đền tháp Champa được tô điểm hay tô điểm hay phủ kín các loại hình hoa văn, như hình ảnh các thần, vật cưỡi của các thần, hoa lá, cỏ cây hay cảnh sinh hoạt, chiến đấu. Các hình ảnh điêu khắc như hoa lá, cỏ cây, muông thú luôn được khắc tạc có chủ ý và tương đối thống nhất về kiểu dáng trên các đền tháp, làm cho các đền tháp vốn hài hòa đăng đối lại tăng thêm vẻ đẹp thẩm mĩ và tính biểu tượng của kiến trúc.
    Người ta khảo sát các đền tháp Champa nhận thấy có một số loại hình điêu khắc:
    Tiêu biểu là “điêu khắc trên đá: điêu khắc tượng tròn hay các chi tiết kiến trúc có hình khối, thực hiện trên đá sa thạch màu xám, xám xanh, đỏ nhạt, trắng đục. Chất liệu thường là sa thạch mịn, có cùng cỡ hạt. Cho tới nay các cuộc khai quật khảo cổ học chưa phát hiện được các xưởng chế tác, phôi và công cụ chế tác đá”[4]. Các chi tiết điêu khắc được tạo hình trước, sau đó được lắp đặt vào vị trí dự kiến trong quá trình xây tháp, như trang trí ở góc tháp hoặc trang trí áp tường.
    Thứ hai, tạo hình và điêu khắc các chi tiết đất nung trước khi nung: các chi tiết điêu khắc đất nung được tạo hình, điêu khắc trên đất dẻo, sau đó phơi sấy, rồi nung. Và được gắn vào vị trí dự kiến trong quá trình xây tháp.[5]
    Thứ ba, “điêu khắc trên bề mặt gạch của tháp sau khi xây dựng tháp: đây là kỹ thuật đặc thù, riêng biệt của Champa, hậu Óc Eo và Campuchia nhưng đã được phát triển lên tầm cao nghệ thuật ở Champa. Đó cũng chính là thông tin quan trọng để nhận dạng được phong cách kiến trúc các đền tháp Champa và cũng có thể nhận định các giai đoạn lịch sử mà tháp đã được xây dựng. Để có thể thực hiện điêu khắc, đầu tiên phải xây mà chập tạo hình khối: tạo hình khối cơ bản trong khi xây, hoàn chỉnh các hình khối sau khi xây, tạo mặt phẳng, mảng, miếng, dải, băng, ô, hộc trên mặt tường gạch chuẩn bị cho điêu khắc chi tiết. Sau đó tiến hành theo các trình tự: lấy nét trên bề mặt dự kiến sẽ được đục chạm, chạm thô các đường nét cơ bản, cuối cùng chạm tinh các đường nét chi tiết, nông sâu, chạm kênh, cuộn, xoắn”.[6]
    Mặc dù bị chi phối ảnh hưởng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của văn minh Ấn Độ nhưng người Champa xưa đã biết nhìn đời sống và tôn giáo theo những cảm quan riêng của mình. Sự khúc xạ đó đã tạo ra cho thế giới nghệ thuật của họ một vẻ đẹp rất riêng, gần gũi nhưng lại thiêng liêng, quen thuộc nhưng lại độc đáo, tinh tế, không lẫn lộn.
    Nghệ thuật điêu khắc Champa rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bà la môn, trên những tác phẩm này thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa trộn với hình ảnh các vị thần Bà la môn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật hết sức sinh động. “Đặc trưng lớn nhất cũng là đặc trưng chung nhất cho điêu khắc cổ Champa là xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu. Chính đặc trưng này đã khiến cho điêu khắc Champa không rạo rực sôi động như phù điêu Khowmer vốn có thể nói là rất nông và dùng nét là chính, không sinh động và hiện thực như những phù điêu nồi của nghệ thuật Giava. Mặc dầu là phù điêu nhưng các nhân vật của điêu khắc Champa luôn có xu hướng bứt mình ra khỏi không gian hoặc các nhân vật xung quanh”[7]
    Một số tượng điêu khắc Champa tiêu biểu:
    Nữ thần Devi: Theo truyền thuyết, nữ thần Devi có tên Champa là Rija kula hara Devi, là vợ của vua Indravarman II, người sáng lập triều đại Đồng Dương, triều đại Phật giáo vào thế kỷ thứ IX. Vì Devi có công với đất nước, đặc biệt là thường giúp đỡ những người nghèo, cô nhi quả phụ, nên sau khi mất bà được phong thần và được vua Jaya Shinhavarman I dựng tháp thờ.
    Tượng điêu khắc được tạo tác bán thân, tóc búi kiểu hình tháp, lông mày liền nhau, mắt mở to, sống mũi thẳng, cân đối, miệng hơi nở nụ cuời tạo nên khuôn mặt xinh đẹp, hài hòa, tượng để hở bộ ngực tròn căng sức sống nhưng lại tạo nên một cảm giác thánh thiện.
    Thần Shiva: Shiva là thần Bà la môn giáo được người Chăm thờ cúng và tôn vinh là vị thần tối cao. Shiva thường thể hiện dưới dạng một nam nhân có ba con mắt với mắt thứ ba ở giữa trán, ba mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ngọn lửa thế gian, và có thể nhìn thấy hết quá khứ, hiện tại, tương lai. Tay Shiva có khi cầm đinh ba biểu tượng cho sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, có khi cầm rìu biểu hiện cho sự tuyệt đối hoặc cầm cây kiếm xua đuổi những sợ hãi và một tay ban phúc lành. Shiva cũng là vị thần tổng hợp, vạn sự đều qui tụ vào đó, khác nào như biển là nơi qui tụ tất cả mọi dòng nước trong, nước đục.
    Biểu tượng của Shiva là Linga. Linga cũng là biểu hiện của tam vị nhất thể với chỏm đầu hình cầu tròn là Shiva, phần giữa là Vishnu có tám cạnh và phần cuối là Brahma có bốn cạnh. Chiếc Linga đầu tiên xuất hiện dưới triều vua Bhadravarman thế kỷ IV. Nhà vua cho xây tại thánh địa Mỹ Sơn một đền thờ thần Shiva Bradravarman, mà biểu tượng là một Linga.
    Thần Ganesha: Là con của Shiva và Parvati, được thể hiện dạng đầu voi mình người quấn con rắn Naduki. Theo thần thoại Ấn Độ, thần Ganesha có đầu voi là vì do trong một cơn nóng giận, Shiva lỡ chặt mất đầu Ganesha. Ngay sau đó Shiva sửa chữa sai lầm bằng cách lập lời nguyền sẽ lấy đầu kẻ nào gặp trước tiên để gắn vào thân hình Ganesha cho Ganesha sống lại, nhưng sinh vật mà Shiva gặp đầu tiên sau khi chém con mình lại là một chú voi nên Ganesha đành mang đầu voi mình người. Ganesha được coi là thần tài, thần hạnh phúc.
    Tượng điêu khắc thần Ganesha được thể hiện như trong thần thoại với tư thế ngồi, đầu đội vương miện, có con mắt thứ ba giữa trán,bụng cuốn con rắn Naduki. Tượng bị mất cả 2 cánh tay.[8]
    Sư tử (Trà Kiệu – Quảng Nam, TK X - XI) Sư tử, người Chăm gọi là “Rimon”, là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, đặc biệt là ở kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử) - Trà Kiệu. Sư tử là con vật không có ở Champa nhưng vua chúa Champa lại dùng sư tử biểu hiện cho vương quyền. Theo quan niệm của người Chăm sư tử biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu.
    Sư tử Champa thường được tạo thân hình vạm vỡ với các tư thế đứng, ngồi, quỳ, phổ biến là tư thế đứng. Nghệ nhân thể hiện sư tử không hoàn toàn đúng theo đời thường nhưng lại được mang rất nhiều đồ trang sức.
    Lokesvara (Thế tự tại Bồ tát) Người Champa xem Lokesvara là hình thức thể hiện sự kết hợp giữa Shiva và Avalokitesvara (Phật giáo) với hình tượng nam nhân, được thờ phổ biến nhất tại vùng Indrapura (Đồng Dương - Quảng Nam), nơi đây tìm thấy nhiều tượng Lokesvara bằng kim loại (đồng, vàng, mạ vàng hoặc bạc). Lokesvara được thể hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi, ngực nở eo thon, mang nhiều trang sức ở tai, cổ, bắp tay, cổ tay, cổ chân khuôn mặt đầy đặn. Đôi mắt mở, tóc búi cao có miện chạm Avalokitesvara. Tượng thường có hai tay, cầm hoa sen, chuỗi hạt hoặc bình nước cam lồ.
    Tượng Phật Đồng Dương - TK IV Tượng Đồng Dương mặc áo choàng hở vai trong tư thế đứng trên tòa sen, tóc hình bụt ốc, tai dài gần đến vai, đôi mắt mở, khuôn mặt thon và đầy đặn. Tượng Phật được thể hiện khá vạm vỡ, mang đậm phong cách Ấn Độ đến nỗi có nhà nghiên cứu cho rằng tượng được mang từ Ấn Độ sang. Trong các công trình nghiên cứu về Champa, nghề đúc đồng ít được quan tâm nhưng có một điều đáng lưu ý là trong các di vật Champa hầu như không có tượng Phật bằng đá và ngược lại không thấy các loại tượng Bà la môn được đúc bằng đồng. Ảnh hưởng của Phật giáo với Champa thể hiện mạnh nhất vào thời kỳ Indrapura.[9]

    [HR][/HR][1] . Trần Kỳ Phương, trích từ bài giảng.

    [2] . Internet, nguồn đã trích dẫn.

    [3] . Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Champa, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002. trang 320.

    [4] . Trần Bá Việt (chủ biên), Đền tháp Champa bí ẩn xây dựng, NXB xây dựng, Hà Nội, 2006, trang 248-249.

    [5]. Trần Bá Việt (chủ biên), Đền tháp Champa bí ẩn xây dựng, NXB xây dựng, Hà Nội, 2006, trang 250.

    [6] . Trần Bá Việt, đã trích dẫn, trang 252.

    [7] . Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Champa, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002. trang 319.

    [8] . Internet, http://baotanglichsuvn.com/va-n-hoa-co-cha-mpa-tu-thoi-kim-khi-tk-xvii.


    [9] . Internet, http://baotanglichsuvn.com/va-n-hoa-co-cha-mpa-tu-thoi-kim-khi-tk-xvii.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...