Luận Văn Để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt, cần tạo lập đồng bộ các y

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Linh Napie, 19/12/13.

  1. Linh Napie

    Linh Napie New Member

    Bài viết:
    4,057
    Được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    “Để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt, cần tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước ”.
    (Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng CSVN, Nxb CTQG, HN.2001, tr.32).
    Bằng kiến thức quản lý kinh tế đã nghiên cứu, đồng chí hãy phân tích luận điểm trên và nêu những giải pháp để thực hiện.

    Bài làm

    Kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại và được sử dụng nhằm phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung của mọi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không phải là chìa khóa vạn năng cho mọi nền kinh tế mà trong nó luôn tồn tại những ưu khuyết điểm vốn có. Nếu đường lối phát triển kinh tế hợp lý, hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, minh bạch là cơ sở tạo môi trường tốt để kinh tế thị trường phát triển, vực dậy nền kinh tế quốc dân. Nhưng đồng thời nếu để tự do phát triển thì tự thân nó sinh ra hàng lọat những tiêu cực và hạn chế. Đó là : nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng; tình trạng độc quyền do cạnh tranh thị trường tạo ra sẽ dần hạn chế các nguồn lực, hàng hóa công cộng không được thị trường quan tâm, thông tin trên thị trường bất cân xứng, môi trường sinh thái bị phá hủy, sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội, giữa các vùng miền, nông thôn thành phố ngày càng gia tăng là nguy cơ đe doạ đến tính ổn định của đất nước . Khắc phục những khiếm khuyết của thị trường nhất thiết phải có sự can thiệp của nhà nước. Đó là một nguyên tắc có tính quy luật. Vai trò, chức năng quản lý của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế thị trường là một yêu cầu tất yếu. Hơn nữa, mọi Nhà nước sinh ra đều nhằm nắm giữ quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế để điều tiết mọi quan hệ kinh tế - xã hội để phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Để thực thi quyền lực, Nhà nước phải tiến hành quản lý mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý kinh tế, để tác động thúc đẩy nền kinh tế phát triển đúng theo định hướng mục tiêu của giai cấp cầm quyền, đối với nhà nước ta mục tiêu đó chính là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Do đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước là điều kiện vô cùng quan trọng để đạt được những mục tiêu mong muốn trên cơ sở phát huy tối đa những mặt tích cực của thị trường và hạn chế tối thiểu những tiêu cực sinh ra từ cơ chế thị trường. Khẳng định vấn đề này, Đại Hội IX của Đảng ta xác định : “Để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt, cần tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước ”.

    Về vai trò quản lý kinh tế của nhà nước : bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân nên với vai trò chủ thể quản lý của nền kinh tế, Nhà nước phải thực thi quyền lực của nhân dân, bảo vệ lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhân dân đồng thời cũng là cơ quan đại diện cho nhân dân làm chủ sở hữu mọi tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước xây dựng mô hình kinh tế thị trường và vận hành nền kinh tế bằng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, nền kinh tế thị trường của ta còn sơ khai nên vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng thể hiện qua các mặt như : Nhà nước phải tạo điều kiện thúc đẩy thị trường ra đời, đồng thời điều tiết thị trường để nền kinh tế ổn định, phát triển; Nhà nước phải hạn chế khuyết tật của cơ chế thị trường và khuyết điểm yếu kém của chính bộ máy Nhà nước khi bộ máy mới chuyển sang quản lý nền kinh tế thị trường; Nhà nước phải vận hành nền kinh tế bằng cơ chế quản lý mới, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với bản chất Nhà nước ta.
    Về chức năng quản lý kinh tế, nhà nước thực hiện các chức năng quản lý kinh tế vĩ mô tập trung với 4 nội dung cơ bản.
    Một là nhà nước thực hiện chức năng tạo môi trường đầu tư an toàn, minh bạch, thuận lợi và bình đẳng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bảo đảm sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội cho sự phát triển của nền kinh tế, duy trì pháp luật, trật tự an toàn xã hội, thi hành nhất quán các chính sách và thể chế theo hướng đổi mới, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, khống chế lạm phát, điều tiết các quan hệ thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện cơ bản cho hoạt động kinh tế trong kinh tế thị trường.
    Hai là nhà nước thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ những nỗ lực phát triển thông qua chiến lược, kế hoạch, các chính sách kinh tế sử dụng có trọng điểm các nguồn lực, khai thông quan hệ kinh tế
    Ba là nhà nước thực hiện chức năng hoạch định và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
    Bốn là kiểm tra và kiểm soát hoạt động của nền kinh tế trên lĩnh vực sử dụng tài nguyên, tài sản quốc gia, bảo vệ môi trường, trật tự kỷ cương của nền kinh tế.
    Bốn chức năng này đều có vai trò quan trọng như nhau và gắn chặt nhau không thể tách rời. Tụ trung của các chức năng này là nhầm tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường đảm bảo cho nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng phát triển bền vững, đạt được những mục tiêu chủ yếu :
    Phát huy được tính ưu việt của cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN trong điều kiện của vùng;

    Tạo ra được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ổn định, giải pháp tốt công ăn việc làm, và nâng cao mức thu nhập, tham gia tích cực vào quá trình phân công lao động một cách bình đẳng với các vùng khác trong cả nước;
    Phát triển và hiện đại hoá CSHT, tạo môi trường hấp dẫn đầu tư, phục vụ tốt cho phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở thành thị - nông thôn;
    Giải quyết các vấn đề xã hội, trước hết là phân bố lại dân cư, giải quyết công ăn việc làm, xoá dần sự phát triển chênh lệch lớn giữa đô thị - nông thôn và các giữa các vùng;
    Khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giữ gìn an toàn cân bằng sinh thái;
    Đảm bảo an ninh, củng cố quốc phòng và an toàn xã hội;
    Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, phát huy thế chủ động của các doanh nghiệp, cá nhân, trong sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.

    Nội dung chức năng quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước được thực hiện bằng việc sử dụng hệ thống các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô : công cụ luật pháp, công cụ chiến lược chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu và công cụ tài chính, tiền tệ giá cả. Do đó, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế gắn với quá trình đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô.

    Về công cụ luật pháp, nhà nước quản lý nền kinh tế thị trường trên cơ sở luật pháp, các văn bản dưới luật. Hệ thống pháp luật là chính là cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, duy trì trật tự kỷ cương kinh tế, điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh theo các hướng xác định. Chính vì vậy, pháp luật kinh tế phải rõ ràng, đồng bộ, thực tế, ổn định và phù hợp với luật pháp kinh tế quốc tế.

    Nhưng vấn đề thực thi pháp luật ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, theo Điều tra về Cảm nhận của Doanh nghiệp năm 2004 do Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam thực hiện, các doanh nghiệp được phỏng vấn vẫn chưa hài lòng với môi trường pháp lý và chính sách hiện tại, với điểm trung bình là 2,09 trên thang điểm tối đa là 4, thể hiện mức nói chung không hài lòng. Hệ thống pháp luật và chính sách về kinh doanh hiện nay còn nhiều mâu thuẫn và thiếu đồng bộ. Mâu thuẫn không chỉ tồn tại trong bản thân các luật và chính sách mà còn xuất hiện thêm khi các luật và chính sách mới ra đời tồn tại song song với các văn bản cũ.

    Việc thực thi pháp luật là một khâu yếu nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Cũng trong điều tra nói trên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam, các doanh nghiệp đã bày tỏ mức độ hài lòng với việc thực thi luật pháp chỉ ở mức điểm trung bình là 1,85 trên thang điểm 4. Ví dụ, chế tài thực thi các quy định bảo đảm hiệu lực hợp đồng của Việt Nam là một chế tài được coi là kém hiệu quả nhất trong khu vực. Thời gian trung bình để giải quyết tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam là 404 ngày với 37 thủ tục và chi phí lên đến 30% GDP trên đầu người- trong khi đó số liệu tương ứng ở Thái Lan là 390 ngày, 26 thủ tục và chi phí ở mức 13,4%.

    Hơn nữa vấn đề tham nhũng, nhũng nhiễu đã làm tăng chi phí kinh doanh và có thể làm méo mó các chính sách phát triển kinh tế. Thực trạng cho thấy rằng tham nhũng đang lan tràn ở những lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, thuế. Một loạt những vụ việc tham nhũng lớn ở các bộ ngành và tổng công ty (như dầu khí, thương mại ) được phát hiện trong năm qua một mặt thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ, mặt khác thể hiện mức độ trầm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này tới nền kinh tế và môi trường kinh doanh.

    Vấn đề này ta có thể suy ngẩm qua phát biểu của Đại sứ Mỹ Michael W. Marine tại cuộc hội thảo về Việt Nam tổ chức tại Texas hôm 17-3-2005 vừa qua, nếu đầu tư của Mỹ đổ vào các quốc gia khác chứ không phải Việt Nam thì lý do là vì các nhà đầu tư nhận thấy những thị trường đó đem lại cho họ nhiều lợi hơn. Đại sứ Marine nói rằng những nhà điều hành trong các công ty của Mỹ phải tính tới chi phí do tệ quan liêu, những khoản thuế và lệ phí không thể lường trước, thủ tục cấp phép phiền hà và những rào cản pháp lý cộng với tệ tham nhũng khi tính toán chi phí đầu tư.

    Về công cụ chiến lược, kế hoạch, chương trình kinh tế - xã hội : Nhà nước thông qua việc hoạch định chiến lược kinh tế xã hội và kế hoạch hóa ở tầm vĩ mô để định hướng cho các doanh nghiệp hoạt động và đảm bảo cho nền kinh tế phát triển theo định hướng đã lựa chọn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được xem như là sự lựa chọn có căn cứ khoa học các mục tiêu dài hạn và cơ bản của quá trình phát triển kinh tế- xã hội, gắn với chọn lọc các phương tiện, biện pháp chủ yếu để đạt mục tiêu đó. Chiến lược được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo những cân đối chủ yếu cho nền kinh tế và định hướng cho sự vận động của nền kinh tế. Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế đồng thời cũng phải thể hiện quan điểm phát triển nhanh nhưng bền vững, với mục tiêu tăng trưởng GDP dựa trên các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khắc phục những điểm yếu, phát huy mọi thế mạnh, nắm bắt tốt những cơ hội và dự đoán mọi thách thức, rủi ro để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

    Song có thể thấy trên thực tế các DN khó tìm được những thông tin của các ngành để đánh giá. 10 năm nay, không cơ quan quản lý Nhà nước nào công bố hiện trạng và dự báo tương lai hiệu quả kinh doanh của các ngành theo từng năm. Các niên giám thống kê không có số liệu như tỷ suất lợi nhuận bình quân, năng suất lao động bình quân của mỗi ngành . Các DN họ không biết ngành nào hiệu quả đến đâu để nên đầu tư vào hoặc nhanh chóng rút ra khỏi ngành không hiệu quả. Việc thiếu thông tin rất quyết định này làm cho việc đầu tư của Nhà nước, của xã hội còn mang tính tự phát và kết quả là chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm chạp thậm chí trái ngược với mong đợi như ngành dịch vụ. Phân tích trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước- TP.HCM qua 10 năm trước khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế cho thành phố, các lãnh đạo chính quyền đều xác định dịch vụ phải là ngành chính và chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Tuy nhiên thực tế cho thấy dịch vụ đã giảm 7,7% từ mức tỷ trọng 57,8% trong GDP năm 1995 xuống còn 50,1% năm 2004 trong khi đó tỷ trọng của ngành công nghiệp lại tăng 9,6%, tức đạt 48,5%.

    Về công cụ các chính sách tài chính - tiền tệ - giá cả : đây là những công cụ chủ yếu của quản lý kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường bởi lẽ kinh tế thị trường thực chất là kinh tế tiền tệ. Vì vậy, Nhà nước cần phải nắm các công cụ này, sử dụng linh hoạt các hình thức biện pháp tài chính, tiền tệ, giá cả để điều tiết thị trường, tác động vào các giai đoạn và thời kỳ phát triển của nền kinh tế, nhằm đảm bảo kích thích tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Một số chính sách quan trọng mà nhà nước sử dụng để quản lý điều tiết nền kinh tế thị trường bao gồm :

    Một là ngân sách Nhà nước : ngân sách Nhà nước có vai trò quan trọng đối với việc quản lý vĩ mô toàn bộ nền kinh tế, nó giúp Nhà nước điều tiết vĩ mô trên các lĩnh vực như : điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và chống lạm phát, định hướng phát triển sản xuất, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính, điều chỉnh lĩnh vực thu nhập.

    Hai là chính sách thuế : chính sách thuế là một bộ phận trọng yếu của nền tài chính quốc gia, thuế không chỉ giữ vai trò là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực của Nhà nước mà còn giữ vai trò là công cụ quản lý vĩ mô. Thuế là công cụ điều tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh đúng hướng trên cơ sở Nhà nước sử dụng chính sách thuế có phân biệt giữa các ngành, nghề, các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ hoặc tạo sự tác động ngược lại. Thuế là công cụ để điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư khác nhau, điều tiết quan hệ lợi ích kinh tế giữa các vùng, các miền để đảm bảo thực hiện chính sách xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội tương đối đồng đều giữa các vùng, các miền đất nước. Trong điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, thuế là công cụ điều tiết áp lực cạnh tranh, bảo hộ sản xuất trong nước, điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu và thực hiện chính sách kinh tế mở cửa.

    Ba là chính sách giá cả : quản lý giá cả của thị trường bằng chính sách “giá” là một trong những nội dung chủ yếu về sự can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường. Sự can thiệp này nhằm các mục tiêu : điều tiết quan hệ cung - cầu, điều tiết hành vi, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, điều tiết quan hệ cạnh tranh, bảo hộ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Những mục tiêu trên được thực hiện trên cơ sở Nhà nước xác định chính sách giá cả hợp lý trong từng thời kỳ, chính sách này bao gồm 3 nội dung cơ bản : định giá trực tiếp, quản lý gián tiếp, khống chế tổng mức vật giá. Phạm vi hàng hóa do Nhà nước định giá trực tiếp chỉ giới hạn trong một số ít sản phẩm cơ bản có tính chiến lược hoặc có tính phục vụ xã hội như: than, dầu mỏ, điện, hàng không, bưu điện Tuy nhiên việc Nhà nước định giá trực tiếp cũng không thể đi ngược quy luật cung cầu của thị trường trong thời gian dài. Hình thức thứ hai là Nhà nước chỉ đạo mức giá (quản lý gián tiếp) thông qua việc xác định mức giá cao nhất, giá bảo hộ thấp nhất, nhịp độ thả nổi, chênh lệch kinh doanh trong giá cả hàng hóa. Hình thức quản lý này đòi hỏi phải điều chỉnh thường xuyên giá cả chỉ đạo để làm cho nó tiếp cận với giá cả thị trường. Hình thức nhà nước khống chế từng mức giá cả có mục đích, đảm bảo sự ổn định cơ bản tổng mức giá cả và biện pháp khống chế từng mức giá cả là hệ thống các biện pháp như: biện pháp hành chính, biện pháp tài chính, biện pháp tiền tệ, biện pháp khống chế lương và hối suất

    Bốn là hệ thống ngân hàng : ngân hàng là “linh hồn của nền kinh tế thị trường” và được Nhà nước sử dụng để điều tiết tiền tệ trong lưu thông, xác lập môi trường tài chính lành mạnh, phù hợp với yêu cầu đầu tư, phát triển kinh tế và là công cụ để thực hiện các chiến lược tài chính, tiền tệ quốc gia. Vai trò đó được thực hiện thông qua việc tổ chức hoạt động ngân hàng hai cấp trong nền kinh tế thị trường bao gồm : Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, cung ứng và điều hòa lưu thông tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền. Các ngân hàng thương mại thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, thực hiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Công cụ sử dụng trong hoạt động ngân hàng là hệ thống luật, văn bản dưới luật, lãi suất, chiết khấu, hệ thống thị trường tài chính- tiền tệ Hoạt động của hệ thống ngân hàng hai cấp, trong từng điều kiện cụ thể về quy mô, hiệu quả sẽ giữ được vai trò trung tâm tín dụng, trung tâm tiền tệ, trung tâm thanh toán và từ đó có thể khống chế, kiểm soát, điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

    Về việc sử dụng công cụ chính sách tài chính - tiền tệ - giá cả của Nhà nước vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải cải tổ. Có thể thấy mặc dù việc phát huy các nguồn nội lực cho đầu tư phát triển có nhiều tiến bộ, vốn trong nước chiếm trên 70% tuy nhiên sự giảm sút của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mấy năm qua là điều không bình thường. Năm 2002 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút mới suy giảm rõ rệt, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2001 (với 1,3 tỷ USD), nhiều dự án quy mô nhỏ. Trong khi đó nguồn vốn FDI tăng vọt vào Trung Quốc: năm 2001 đạt 49,6 tỷ USD, năm 2002 đạt trên 50 tỷ USD vốn đăng ký. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chưa hấp dẫn nhất là về thủ tục hành chính, chi phí đầu vào của quá trình sản xuất còn rất cao (giá điện, giá bưu chính viễn thông, giá đất, cước vận chuyển . thuộc loại cao nhất trong khu vực), lĩnh vực và phạm vi đầu tư chưa hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Trong hoạt động tài chính - tiền tệ tuy có tiến bộ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãi suất tiền đồng quá cao so với lãi suất USD và rất cao so với khả năng sinh lời của nền kinh tế, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nhưng lại được sử dụng một tỷ lệ khá để cho vay trung và dài hạn. Do vậy, các ngân hàng chịu sức ép bất lợi về lợi nhuận và làm giảm khả năng đề phòng rủi ro; chính sách ưu đãi đầu tư còn nhiều rối rắm, phức tạp ở cả khâu ban hành, quy định và khâu quản lý nên phần phần lớn doanh nghiệp tiếp cận khó khăn, nảy sinh tiêu cực. Hơn nữa việc “chạy đua tự do quá mức” của các địa phương tiếp tục trong việc đưa ra các ưu đãi riêng dẫn đến tình trạng "đua đến kiệt sức" trong nội bộ một quốc gia.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...