LỜI NÓI ĐẦU Ngành xây dựng là một trong những ngành kinh tế lớn, các công trình xây dựng có tác dụng quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần tác động đến phát triển văn hoá - nghệ thuật – kiến trúc và đến môi trường sinh thái. ở nước ta, trong thời kỳ cơ chế hoá tập trung bao cấp, phương thức xây dựng chủ yếu được áp dụng là tự làm hoặc do nhà nước chỉ định. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mọi ngành kinh tế đều tồn tại trong sự cạnh tranh đầy gay gắt. Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khối lượng đầu tư và xây dựng hàng năm của nước ta hiện nay tăng rất nhanh, điều này tạo cho các cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng càng trở nên quyết liệt hơn. Không chỉ có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong nước với nhau mà còn có cả sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Qui chế đấu thầu làm phương thức giao nhận. Nó là một công cụ trong quản lý chi tiêu các nguồn tiền của Nhà nước và nhờ đó các doanh nghiệp xây dựng cần phải có được các giải pháp riêng biệt nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong đấu thầu nói riêng. Đây là mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Điều đó cho thấy rằng khi có thị trường đầu vào cũng như đầu ra thì vấn đề đấu thầu chẳng những được Nhà nước, các nhà thầu mà ngay cả người dân cũng hết sức quan tâm và đề cao tầm quan trọng của nó đối với sự sống còn của các công ty xây dựng. Trong quá trình thực tập tại Công ty xây dựng Thắng Lợi Nghệ An, qua nghiên cứu và tìm hiểu tình hình thực trạng của Tổng công ty, tôi quyết định chọn đề tài: “Đấu thầu, những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu ở Công ty xây dựng Thắng Lợi Nghệ An” với mong muốn đóng góp một số ý kiến cho việc nâng cao hiệu quả đấu thầu ở Công ty.