Luận Văn Dấu ấn văn hóa nam bộ trong truyện ngắn sơn nam

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM


    MỤC LỤC​

    MỞ ĐẦU



    1 Lý do chọn đề tài

    “Lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử tâm hồn con người Việt Nam”. Lịch sử tâm hồn ấy được những người nghiên cứu, giảng dạy văn học khám phá. Tương ứng với lịch sử của các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, văn học ở miền ngoài cùng với lịch sử của nó đã được chú ý từ rất sớm. Sự hình thành và phát triển của văn học, văn hóa Nam Bộ ở một góc độ nào đó lại là một vấn đề khác. Với khoảng thời gian 300 năm, văn học, văn hóa Nam Bộ đã có những đặc trưng và dáng dấp riêng biệt, không thể lầm lẫn. Văn học Nam Bộ là một phần của văn học cả nước. Đóng góp của văn học Nam Bộ là đóng góp của mảng văn học ở một vùng miền với những nét đặc sắc riêng biệt. Đến với văn học Nam Bộ, chúng tôi đánh giá cao những sáng tác của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Với tình cảm đặc biệt dành cho văn học và con người vùng đất mới khai phá, chúng tôi tìm đến sự nghiệp của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam Nam trong đó chú ý đến mảng truyện ngắn của ông trong giai đọan 1954 - 1975.

    Theo chiều thời gian cái gì đọng lại cùng với con người, cuộc sống của con người mang tính ổn định bền vững, thể hiện được đặc điểm về cách sống, cách nghĩ, cách cư xử của con người trong tự nhiên và xã hội đều có thể quy về văn hóa. Khi chọn cho mình đề tài này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ qua sáng tác của một trong những nhà văn Nam bộ điển hình: Sơn Nam. Là người viết nhiều và thể hiện trên nhiều khía cạnh cộng với số lượng sáng tác và biên khảo khá đồ sộ, Sơn Nam được đánh giá là pho từ điển sống của văn hóa Nam Bộ. Tìm hiểu đề tài này là điều kiện thuận lợi để chúng tôi mở rộng cho mình vốn kiến thức về vùng đất và con người phía nam tổ quốc.

    Mảnh đất Nam Bộ với lịch sử hình thành 300 năm, là nơi màu mỡ cả về đất đai và tình người. Ở nơi ấy, văn chương cũng chưa được đào sâu, cày xới để thấy được những giá trị đích thực của nó. Trong một vài thập niên gần đây, ngày càng có nhiều người đi vào tìm hiểu mảng văn học ở vùng đất này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận án thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã có những đóng góp đáng kể. Đó là một hiện tượng đáng mừng và đáng được ghi nhận.

    Tuy không sinh ra ở mảnh đất này, nhưng lớn lên, đã và đang gắn bó trực tiếp với nơi đây vì vậy được tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam là điều thực sự có giá trị đối với riêng cá nhân tôi. Với ý thức xác định như vậy và với một sự yêu mến kính trọng sự nghiệp và con người nhà văn Sơn Nam - nhà Nam bộ học, chúng tôi lấy làm thích thú khi được tìm hiểu, nghiên cứu ở góc độ văn hóa về một mảng nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là truyện ngắn của Sơn Nam trên phương diện in đậm những nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ. Trong sự nghiệp của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận những sáng tác trong khoảng thời gian 20 năm từ 1954 - 1975. Mảng truyện ngắn là những sáng tác thể hiện được đầy đủ nhất về mảnh đất và con người Nam Bộ, đồng thời cũng nêu bật lên được giá trị ngòi bút Sơn Nam với tư cách là một nhà văn.

    Ngòi bút Sơn Nam, cuộc đời nhà văn Sơn Nam là sự kết nối những am hiểu sâu rộng từ những chuyến đi du khảo trong thực tế, những nghiên cứu dưới dạng “điền dã” rồi trở thành triết lý về văn hóa con người, vùng đất Nam Bộ. Có thể nói những trang viết của Sơn Nam chứa một dung lượng ngồn ngộn về cuộc sống, về cảnh vật về con người Nam Bộ. Từ những trang viết ấy, người đọc cảm nhận được tấm chân tình của một nhà văn, của một người con Nam Bộ như ông đã tâm sự trong một lần trò truyện với phóng viên báo điện tử Vietnamnet: “Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất và là sở trường của tôi”. Nhiều sáng tác của Sơn Nam đã để lại những giá trị về mặt lịch sử, điạ lý, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Vì vậy nhà văn Sơn Nam được gọi là nhà văn hóa, nhà Nam Bộ học, hay dân dã hơn là “ông già Nam Bộ” với tất cả lòng kính trọng và yêu quý của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu hay các đồng nghiệp. Từ sự nghiệp của Sơn Nam, người đọc nhận ra vẻ đẹp của con người Nam Bộ trong cuộc sống, thấy được tấm lòng của một con người, một nhà văn luôn yêu mến và có ý thức giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy.

    Tìm về với mảnh đất Nam Bộ, những sáng tác của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam giúp ta có một cái nhìn toàn cảnh ở cả bề rộng lẫn bề sâu. Chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề qua lăng kính của một nhà văn, qua cách nhìn nhận ghi chép của một nhà biên khảo. Vào những năm giữa thế kỷ XX, “ông già đi bộ” đã đi qua rất nhiều vùng đất khác nhau, gặp gỡ nhiều con người, chứng kiến nhiều cảnh sinh hoạt khác nhau. Tất cả những điều đó cộng với tư chất của một người cầm bút sáng tác, Sơn Nam đã đưa đất và người Nam Bộ vào văn học một cách tự nhiên như chính cuộc sống vốn có và vốn đã diễn ra. Còn chúng ta là thế hệ đi sau sẽ tìm thấy trong chính những sáng tác của ông nhiều khía cạnh về văn hóa - xã hội miền Nam một cách đáng tin cậy.

    2. Mục đích nghiên cứu

    Mục đích nghiên cứu chính của luận văn được xác định như sau:

    Thứ nhất, tìm hiểu những đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ. Bên cạnh đó là những nội dung liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam. Đặc biệt, lý giải về sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa Nam Bộ đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn này.

    Thứ hai, khảo sát dấu ấn văn hóa Nam Bộ ở phương diện nội dung trên hai khía cạnh cảnh sắc và con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam.

    Thứ ba, đánh giá dấu ấn văn hóa Nam Bộ qua nghệ thuật của truyện ngắn Sơn Nam trên một số phương diện đặc sắc như: nghệ thuật kết cấu truyện ngắn, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

    Như vậy, mục đích chính luận văn không phải khảo sát tất cả các khía cạnh của văn hóa Nam Bộ được biểu hiện qua truyện ngắn của Sơn Nam mà chỉ đi vào những bình diện người viết nhận thấy đó là những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...