Luận Văn Đánh giá tình hình cảm nhiễm virus cúm A và đáp ứng miễn dịch niêm mạc ở gà, vịt nuôi và giết mổ tại

Thảo luận trong 'Nông - Lâm - Ngư' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 26/3/14.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ
    1.1. Đặt vấn đề
    Nền nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thành tựu vượt bậc. Trong đó, ngành trồng trọt và chăn nuôi đã đóng vai trò hết sức quan trọng đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho gần 80 triệu dân. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi có những bước phát triển không ngừng đã trở thành một trong những ngành chính của nông nghiệp.
    Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, sự phát triển của nền kinh tế thì chăn nuôi ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sự chuyển dịch kinh tế, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân.
    Trong những năm gần đây, đời sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao nên phương thức chăn nuôi cũng phát triển theo sự phát triển của khoa học và công nghệ, thành quả chăn nuôi đã đạt kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, với sự phát triển đó dịch bệnh là một trở ngại đáng kể, và nhiều khi gây ra những thiệt hại lớn, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5N1.
    Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm. Loài vật mắc bệnh là gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim cút, các loài chim bao gồm cả chim hoang dã nhất là vịt trời, diệc, ngỗng trời Bệnh có thể lây sang người và làm chết người.
    Cúm gia cầm là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ với ngành chăn nuôi mà còn đe dọa đến sức khoẻ con người. Trước tình hình đó, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách giết huỷ chôn và đốt. Các chiến lược khống chế dịch bệnh chủ yếu dựa vào áp dụng các biện pháp vệ sinh và tiêu huỷ đàn vật nuôi bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
    Nguy cơ lây lan dịch bệnh ở những vùng này tăng lên và thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra thật nghiêm trọng. Đặc biệt ở những vùng chăn nuôi mật độ lớn.
    Nếu áp dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh như trên dẫn đến việc giảm số lượng đàn gia cầm, thiệt hại về kinh tế do phải giết chết hàng loạt gia cầm kể cả những đàn không mắc bệnh. Ngoài ra, các biện pháp chôn hoặc đốt xác chết còn làm tổn hại đến môi trường do số lượng lớn xác động vật bị thối rữa, do hóa chất tiêu độc ngấm vào nguồn nước hoặc chất hữu cơ cháy không hoàn toàn sản sinh khí độc.
    Việc chẩn đoán cúm gia cầm có rất nhiều phương pháp như: dựa vào tính chất dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Hiện nay, có một số biện pháp hết sức hiện đại giúp chẩn đoán nhanh và chính xác như: Phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp trên lát cắt lạnh, phương pháp ELISA, phương pháp phân tích genome Với phương pháp ELISA có thể tự động hoá đến mức có thể xét nghiệm số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn, thuận tiện cho việc nghiên cứu dịch tễ. Tuy nhiên, các phương pháp này có giá thành rất cao, đặc biệt khi thực hiện xét nghiệm với số lượng nhỏ mẫu. Nước ta chưa chủ động nguồn kháng thể đánh dấu (conjugate), enzym và đệm cho PCR cũng như các loại khay hấp phụ protein cho ELISA. Thực tiễn nghiên cứu và sản xuất đòi hỏi cần dựa vào những phương pháp vừa rẻ tiền, vừa có tính khả thi và chủ động thực hiện trong điều kiện nước ta hiện nay. Từ những yêu cầu đó được sự cho phép của Khoa Chăn nuôi - Thú y, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo tôi tiến hành “Đánh giá tình hình cảm nhiễm virus cúm A và đáp ứng miễn dịch niêm mạc ở gà, vịt nuôi và giết mổ tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
    1.2. Cơ sở và ý nghĩa khoa học của đề tài
    1.2.1. Cơ sở khoa học
    Bệnh cúm gia cầm (Avian influenza) do virus cúm gia cầm thuộc họ Myxoviridae chi (giống) Orthomyxovirus gây ra ở gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu và hơn 200 loài chim khác. Bệnh tiến triển dưới nhiều thể khác nhau, quá cấp tính, cấp tính, mãn tính, thể tiềm ẩn không điển hình. Triệu chứng và bệnh tích thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, có khi chỉ phát hiện thông qua lâm sàng thì không phát hiện hết được mầm bệnh. Virus cúm gia cầm hiện có 16 subtyp H (Từ H1 đến H16) và 9 subtyp N (từ N1 đến N9). Trong mỗi subtyp lại có nhiều chủng virus khác nhau.
    Virus xâm nhập vào cơ thể theo hai đường, theo đường hô hấp do hít thở không khí có mầm bệnh và đường tiêu hoá do ăn thức ăn và nước uống có chứa mầm bệnh (Chu Thị Thơm và cs, 2006). Vì vậy trong cơ thể gia cầm cảm nhiễm virus được phát hiện thấy trong dịch họng.
    Nguyên lý của phương pháp ngăn trở ngưng kết hồng cầu là khi cho dịch họng gia cầm vào trong ống Eppendorf có chứa kháng thể đặc hiệu nếu trong dịch họng có chứa kháng nguyên thì kháng nguyên sẽ kết hợp với kháng thể trong kháng huyết thanh làm hàm lượng kháng thể giảm sau khi quay ly tâm để loại bỏ tổ hợp kháng nguyên - kháng thể, còn nếu trong dịch họng có chứa kháng thể cùng loại thì hàm lượng kháng thể sẽ tăng lên. Sự tăng lên hay giảm xuống của hiệu giá kháng thể trong kháng huyết thanh được phát hiện bằng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu gián tiếp. Với thí nghiệm này thì sự có mặt của kháng nguyên H5N1 trong bệnh phẩm được đánh giá bằng sự tụt hiệu giá kháng thể trong kháng huyết thanh chuẩn, còn sự tăng hiệu giá kháng thể trong kháng huyết thanh chuẩn có thể hiểu là con vật đã có miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch chủ động.
    1.2.2. Ý nghĩa khoa học của đề tài
    Với tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp và đang bùng phát ở một số tỉnh ở trong nước, có nguy cơ trở thành đại dịch như hiện nay thì việc tìm ra phương pháp chẩn đoán bệnh nhanh, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với nguồn nguyên liệu sẵn có và phương pháp đơn giản để thực hiện các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên virus H5N1 là việc có ý nghĩa khoa học cao nếu có một phương pháp luận vững chắc.
    Qua nghiên cứu, thực nghiệm đánh giá sẽ chọn được phương pháp xét nghiệm rẻ tiền mang tính chủ động phù hợp điều kiện kinh tế hiện nay nhằm giúp công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh.
    Kết quả nghiên cứu của đề tài phản ánh thực trạng nhiễm bệnh cúm gia cầm trong đàn gia cầm nuôi hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng qua đây đánh giá được tình hình đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccin, từ đó giúp nâng cao ý thức cho người chăn nuôi trong việc lựa chọn giải pháp chống dịch bệnh, có điều kiện lựa chọn con giống, chủ động và tự giác tiêm phòng, vệ sinh thú y.

    1.3. Mục tiêu và tính thực tiễn của đề tài
    1.3.1. Mục tiêu của đề tài
    Sử dụng thành công phản ứng IHI dưới dạng kit để phát hiện nhanh kháng nguyên virus cúm type A trên đàn gia cầm của huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
    Phát hiện khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm dựa vào việc phát hiện tổ hợp kháng thể trong mẫu dịch họng đối với gà, vịt đã tiêm phòng.
    Xác định tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm virus cúm A độc lực cao đối với gà và vịt trên địa bàn huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được tiêm phòng.
    1.3.2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
    - Thời gian nghiên cứu
    Từ ngày 5/1/2009 đến ngày 9/5/2009
    - Địa điểm nghiên cứu
    + Phòng thí nghiệm Vi sinh vật học, Bộ môn Ký sinh - Truyền nhiễm, Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Huế.
    + Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
    1.3.4. Tính thực tiễn của đề tài
    Phát hiện cảm nhiễm virus cúm để có hướng chủ động phòng chống bệnh nguy hiểm này là rất cần thiết đối với việc bảo vệ đàn gia cầm cũng như bảo vệ sức khoẻ con người.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...