Đánh giá thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu dùng cho giáo dục mầm n

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010 - 01 (Đề tài cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phan Đông Phương
    Các thành viên tham gia: Trần Yến Mai
    Nguyễn Thị Sáu
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 07 năm 2010 / tháng 09 năm 2011
     
    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Thiết bị dạy học là một thành tố quan trọng không thể thiếu được trong quá trình dạy học. Đối với giáo dục mầm non, thiết bị dạy học được hiểu là đồ dùng, đồ chơi rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em. Trong trường mầm non, các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dành cho hoạt động của trẻ em chính là đời sống của chúng. Đồ dùng đồ chơi và thiết bị dành cho trẻ em cần có mặt trong hoạt động thường xuyên của trẻ, phù hợp với các hình thức hoạt động giáo dục trẻ đáp ứng nhu cầu của chương trình đổi mới giáo dục.

    Ngày 11/2/2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu dành cho Giáo dục mầm non. Danh mục này đã đưa ra những qui định tối thiểu về số lượng đồ dùng, đồ chơi, sách, tài liệu cho 6 lứa tuổi từ nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi đến lớp mẫu giáo lớn 5-6 tuổi. Tuy nhiên trong thực tế vận dụng bộ danh mục này các trường mầm non trên cả nước nói chung và các vùng miền nói riêng, vấn đề cơ sở vật chất và trang bị sử dụng các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị còn nhiều hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Việc căn cứ vào những qui định mang tính pháp qui của bộ danh mục đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học tối thiểu dành cho giáo dục mầm non không chỉ nhằm triển khai một cách có hiệu quả trong thực tiễn mà còn cần để đánh giá và đối chiếu với thực tiễn giáo dục là việc làm cần thiết.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Xây dựng tiêu chí đánh giá thực trạng trang bị, sử dụng đồ dùng, đồ chơi thiết bị tối thiểu dành cho giáo dục mầm non.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Làm rõ một số khái niệm về: đồ dung, đồ chơi, đánh giá, tiêu chí, trang bị, sử dụng, trang bị và sử dụng.

    - Xây dựng các tiêu chí đánh giá việc trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị; Xây dựng bộ công cụ để khảo sát thực trạng.

    - Tổ chức khảo sát.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Khảo sát, đánh giá thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tại các lớp mẫu giáo ở một số trường mần non Hà Nội.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Nghiên cứu lí luận; Nghiên cứu thực tiễn; Chuyên gia; Thống kê toán học.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: Đề tài gồm 3 phần

    Phần 1. Một số vấn đề lý luận
    1.1. Những khái niệm
    1.2. Vai trò của đồ dùng, đồ chơi trong chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non
    1.3. Quan niệm về đánh giá thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục mầm non

    Phần 2. Thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu ở một số trường mầm non Hà Nội
    2.1. Khảo sát
    2.2. Nhận xét
    2.3. Kết luận chung

    Phần 3. Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá
    3.1. Căn cứ
    3.2. Những nguyên tắc xây dựng tiêu chí đánh giá
    3.3. Tiêu chí đánh giá thực trạng và sử dụng

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã thống nhất lại một số khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Đó là cách hiểu những thuật ngữ, khái niệm có tính chất công cụ như: đánh giá, tiêu chí, trang bị, sử dụng, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị Và một số cụm từ thường dùng. Việc làm này sẽ góp phần làm rõ và thống nhất cách hiểu những khái niệm trên để tránh những nhầm lẫn khi trao đổi, thảo luận, vận dụng.

    Đề tài đã xây dựng và đề xuất 1 bộ phiếu khảo sát và tiến hành khảo sát tình hình trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu một số trường mầm non trên ở địa bàn 3 quân/huyện thuộc Hà Nội. Từ kết quả khảo sát nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh lại các mẫu phiếu đánh giá phù hợp và có những nhận xét bước đầu về việc đầu tư trang bị và đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu của các trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Đề tài “Đánh giá thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non ở một số trường mầm non Hà Nội” là vấn đề nghiên cứu đầu tiên, mở ra những khả năng xem xét bước đầu trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu trong các trường lớp mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Đề tài đã xác định hướng nghiên cứu dựa trên các thiết bị hiện có tại các trường, lớp mầm non hiện nay và thực trạng giáo viên mầm non sử dụng các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị theo danh mục tối thiểu để tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ trong sự đối chiếu với các yêu cầu về mục tiêu, nội dung và đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học ở trường mầm non, từ đó làm cơ sở để xác định các tiêu chí đánh giá, xây dựng quy trình, phương pháp và công cụ đánh giá.

    Đề tài đã thống nhất lại một số khái niệm liên quan tới vấn đề nghiên cứu, xây dựng bộ phiếu đánh giá phù hợp về thực trạng trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non ở một số trường mầm non Hà Nội.

    Do hạn chế về đầu tư trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị cho các trường mầm non chưa đồng đều, thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu nên việc đánh giá chất lượng giáo dục trẻ thực tế còng nhiều bất cập, việc đánh giá hiệu quả trang bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu còn hình thức, tác dụng chưa cao.

    Khuyến nghị

    Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục cho phép từng bước nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh hệ thống danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của vùng miền đặc thù của các địa phương, đáp ứng hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới.

    Đối với đơn vị nghiên cứu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nên tiếp tục nghiên cứu bổ sung danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dành cho khu vực nhà bếp, sân chơi ngoài trời cho các trường mầm non, chú trọng nghiên cứu thay đổi, làm mới chất liệu, kích thước, hình dáng, màu sắc sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí trẻ em Việt Nam.

    Đối với các trường mầm non cần chủ động tập hợp thông tin về chất lượng và hiệu quả của các nhóm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để đề xuất nhu cầu về đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu trong giai đoạn tiếp theo.

    Khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để rút kinh nghiệm trong sử dụng, kết hợp và sáng kiến tận dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo nhiều cách đa dạng.

    Từ khóa: 1/ Giáo dục mầm non; 2/ Đồ dùng; 3/ Đồ chơi; 4/ Thiết bị dạy học.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...